Dù mới ra mắt vào tháng 3/2020, ứng dụng đã có khoảng 12 ngàn người từ 50 tuổi trở lên đăng ký sử dụng.

Thực ra, trước khi làm HASU, Thuỳ Anh từng là đồng sáng lập một nền tảng dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua phim hoạt hình tương tác.

Thuỳ Anh cho biết, sở dĩ những dự án khởi nghiệp mà cô thực hiện đều có liên quan tới các vấn đề xã hội trong cuộc sống hiện đại là vì những trải nghiệm đa dạng mà cô từng trải qua trước đó.

{keywords}
Sau khi đi du học về, Thuỳ Anh chọn khởi nghiệp từ các ứng dụng công nghệ, giúp giải quyết các vấn đề thiết thực trong cuộc sống. 

Từng là học sinh chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô theo học Luật Quốc tế ở Học viện Ngoại giao, rồi đi du học thạc sĩ Quản trị kinh doanh MBA tại Adelphi University, New York, Mỹ.

Từ năm lớp 10 cho đến hết năm 3 đại học, Thuỳ Anh đi làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo và đài truyền hình. Trong 4 năm học thạc sĩ ở Mỹ, cô làm thêm rất nhiều công việc khác nhau: trợ giảng cho giáo sư trưởng bộ môn tài chính doanh nghiệp, trợ lý cho hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức các hoạt động từ thiện cho trường Adelphi, đi trông trẻ, làm nhà hàng, mở shop bán đồ xách tay...

Chính nhờ những trải nghiệm đa dạng đó mà Thuỳ Anh xác định được con đường tương lai muốn đi. Cô thấy cuộc sống của mình hạnh phúc và ý nghĩa nhất khi làm các công việc liên quan tới sức khỏe, xã hội và con người.

Năm 2017, cô mở công ty khởi nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam với Aligo Kids - dự án phòng chống xâm hại trẻ em bằng phim hoạt hình. Năm 2018, cô mở công ty truyền thông chuyên mảng hoạt hình về các vấn đề xã hội.

Đến đầu năm 2020, cô mở Hasu - ban đầu là các lớp hướng dẫn người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà... Sau đó, cô tạo ra một ứng dụng giúp cho người cao tuổi nâng cao sức khoẻ trên cả 3 phương diện: thể chất, tinh thần và kết nối xã hội.

Với ứng dụng này, người cao tuổi được cung cấp các thông tin chăm sóc sức khỏe bản thân, những bài tập luyện riêng dành cho người cao tuổi. Họ cũng có các sân chơi để giải trí, những khóa học để học hát, học đàn, học vẽ, học mỹ thuật… theo hình thức trực tuyến.

Trong quá trình giới thiệu ứng dụng đến với người dùng, Thuỳ Anh rất bất ngờ khi người cao tuổi không quá bỡ ngỡ với công nghệ như mình từng nghĩ.

“Thực tế, khi mở các lớp ở xung quanh Hà Nội và các tỉnh, ngoài một số bác chưa có điện thoại thông minh mà chúng tôi phải cho mượn thiết bị để học (chỉ chiếm khoảng 5% lớp), thì hầu hết các bác đều sử dụng điện thoại khá thành thạo. Thậm chí nhiều bác còn biết chỉnh sửa ảnh bằng app. Các bác dạy nhau học cũng rất nhanh, đặc biệt các bác gần 90 tuổi có thể sử dụng thành thạo Google Voice - tra cứu các nội dung trên google bằng giọng nói. Tôi cũng thấy rất vui khi có những bác bị ung thư hoặc bệnh nền nặng vẫn cố gắng luyện tập hàng ngày đều đặn trên app. Tôi hy vọng sẽ sớm làm được thêm những khoá học, bài tập ý nghĩa cho người bị ung thư nữa”.

Chọn công việc chăm sóc người già một cách gián tiếp, Thuỳ Anh nhớ về một kỷ niệm với ông ngoại.

“Ngày trước, tôi từng hỏi ông một câu là ‘ông sợ điều gì nhất?’. Trái ngược với những suy nghĩ của tôi rằng ông sợ già đi, sợ cô đơn... ông đã trả lời một câu khiến tôi vô cùng ám ảnh, đó là: ‘Ông sợ phải sống lâu’.

Người cao tuổi sợ rất nhiều thứ, nhưng họ đặc biệt sợ phải sống lâu trong cuộc sống bệnh tật và làm phiền đến con cháu. Không chỉ có ông của tôi mà hàng triệu người cao tuổi khác cũng có những nỗi sợ như vậy”.

Thuỳ Anh sáng lập Hasu cũng từ những trăn trở, muốn giúp cho cuộc sống của người cao tuổi chất lượng hơn, ý nghĩa hơn.

{keywords}
Thuỳ Anh nói, cô cảm thấy hạnh phúc khi làm các công việc liên quan tới sức khỏe, xã hội và con người.

Chia sẻ về con đường đến với khởi nghiệp xã hội, Thuỳ Anh nói cô bắt đầu từ những điều nhỏ bé xung quanh chứ không có gì lớn lao to tát.

“Tôi nhớ lần đầu đối mặt với cảm giác sinh ly từ biệt đó là khi cô giáo đầu tiên quan tâm yêu thương tôi nhất, qua đời vì tuổi cao và ốm bệnh. Tôi còn chưa kịp thể hiện tình cảm và sự biết ơn của mình. Tôi nhớ hình ảnh những bạn nữ bị bắt nạt ở trong lớp mà tôi không có khả năng bảo vệ. Tôi nhớ ông ngoại - người yêu thương nhất trong gia đình - đã qua đời khi tôi chưa làm được gì cho ông.

Tôi không nhớ đã có bao nhiêu lần trải qua cảm giác bất lực trước những nỗi đau mình chứng kiến trong cuộc sống, để rồi đến một ngày tôi mong muốn mình phải làm được thật nhiều, để những người khác không phải trải qua cảm giác của tôi và cũng để bản thân không còn phải thấy hối tiếc hay ân hận nữa”.

Nói về việc phụ nữ khởi nghiệp, lại là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, Thuỳ Anh cho rằng vẫn có một số định kiến giới tồn tại. Tuy nhiên, cô thấy rằng với sự bền bỉ và nhạy cảm của phụ nữ trong việc phát hiện và xử lý các vấn đề, rất nhiều phụ nữ đã thành công trong hành trình xây dựng và điều hành công ty công nghệ. “Điều đó cũng truyền cảm hứng rất nhiều để sau này xã hội có cái nhìn tích cực hơn mỗi khi thấy phụ nữ ra ngoài làm việc”.

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Bà bán vé số miền Tây trở thành ‘Phụ nữ truyền cảm hứng’ năm 2021

Bà bán vé số miền Tây trở thành ‘Phụ nữ truyền cảm hứng’ năm 2021

Ít ai được nhận nhiều giải thưởng danh giá như thế lại có hoàn cảnh đặc biệt như bà Sáu Thia.