Tùng Sơn cho biết phần lớn khách hàng đặt dịch vụ vào khoảng tháng 12 hoặc tháng 1/2022. Tuy nhiên, những lịch hẹn từ trước giãn cách, đáng lẽ sẽ diễn ra vào tháng 8 và tháng 9, cũng bị lùi lại vào cùng thời điểm đó.

“Với những lịch trùng, tôi phải thông báo ngay với cô dâu để thống nhất lại, xem có thể thay đổi giờ bắt đầu hay địa điểm trang điểm không. Trong trường hợp không thể cân đối, tôi buộc phải xin phép từ chối và hoàn tiền cọc cho khách hàng”, anh chia sẻ.

tu choi nhan khach chua tiem vaccine anh 1

Tùng Sơn trang điểm cho một cô dâu hồi tháng 1.

Hiện Tùng Sơn vẫn nhận trang điểm tại nhà tùy theo yêu cầu của cô dâu. Thế nhưng, khác với thời điểm trước dịch, anh mang thêm vài chiếc khẩu trang và chai nước rửa tay sát khuẩn trong vali đồ nghề.

Tùng Sơn cũng dặn cô dâu chuẩn bị một phòng riêng cho việc make-up nhằm hạn chế người ngoài ra vào.

“Ngoài ra, trước khi nhận lịch hẹn, tôi hỏi khách về tình trạng tiêm chủng. Nếu ai chưa tiêm vắc-xin, tôi chắc chắn sẽ từ chối”, anh nói. Về phần mình, Tùng Sơn chuẩn bị tiêm mũi thứ 2 trong tuần tới.

Tự bảo vệ bản thân trước

Tương tự Tùng Sơn, Đinh Hạnh Trâm (26 tuổi), một thợ trang điểm làm việc ở quận Đống Đa, chọn cách tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 để bảo vệ bản thân mình và các khách hàng.

Cô cũng chú trọng tuân thủ các quy định 5K, đặc biệt là khử khuẩn thường xuyên và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.

tu choi nhan khach chua tiem vaccine anh 2

Hạnh Trâm (bên trái, áo kẻ sọc) trang điểm tại nhà cho cô dâu vào thời điểm trước dịch.

Chia sẻ với Zing, Hạnh Trâm cho biết hậu giãn cách, các cô dâu đặt lịch trang điểm vẫn còn khá e dè. Hầu hết vẫn chưa chắc chắn được ngày tổ chức đám cưới do phải để ý tình hình dịch bệnh ở địa phương 2 bên gia đình.

Do đó, so với cùng thời điểm các năm trước, lịch hẹn trang điểm cô dâu của Hạnh Trâm năm nay không quá sôi động dù Hà Nội đang bước vào mùa cưới.

tu choi nhan khach chua tiem vaccine anh 3

Nhờ chủ động bảo vệ sức khỏe và tin tưởng khách hàng cũng làm điều tương tự, Xuân Mỹ không quá lo lắng khi đi làm.

Nguyễn Xuân Mỹ (26 tuổi) cũng nhận thấy tình trạng tương tự khi làm việc tại một studio trang điểm ở phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

“Do ảnh hưởng Covid-19, mọi người hạn chế tổ chức đám cưới hơn. Đồng thời, các cặp vợ chồng gần như phải tối giản hết mức về quy mô và không gian tổ chức”, cô chia sẻ.

“Tuy nhiên, họ vẫn chú trọng vào trang phục cưới và dịch vụ trang điểm. Ai cũng muốn mình rực rỡ trong ngày trọng đại mà. Bởi vậy, số lượng cô dâu đặt lịch hẹn với tôi vẫn duy trì đều đều, không tăng cũng không giảm”, cô nói thêm.

Do đặc thù công việc phải thực hiện trực tiếp trên khuôn mặt, Xuân Mỹ chủ động đeo khẩu trang cẩn thận, rửa tay sát khuẩn trước khi bắt đầu và hạn chế trao đổi với khách hàng.

“Thật ra, chính các cô dâu cũng phải tự đảm bảo sức khỏe thật tốt thì mới đi đến quyết tổ chức cưới hỏi. Trong hôn lễ, họ còn phải tiếp xúc và gặp gỡ nhiều khách mời, chủ yếu là thành viên lớn tuổi trong gia đình - nhóm dễ bị tổn thương nhất. Bởi vậy, tôi cũng thấy yên tâm hơn khi đi làm ở thời điểm này”, cô chia sẻ.

Gặp khó hậu giãn cách

Trong khi đó, thợ make-up Nguyễn Mai Anh (27 tuổi) cảm thấy kém may mắn hơn một chút do mới vào nghề đúng thời điểm bùng dịch năm ngoái.

“Tôi mới vào nghề chưa được bao lâu, lượng khách quen không nhiều. Kể từ khi thành phố nới lỏng giãn cách đến nay, tôi chưa nhận được yêu cầu đặt lịch mới. Còn phần lớn những cô dâu đặt hẹn trước dịch đều đã hủy”, cô chia sẻ.

Buổi trang điểm cho cô dâu ở tỉnh Nam Định hồi tháng 6 là lần gần nhất Mai Anh rời Hà Nội để đi làm. Mặc dù vào thời điểm đó, thành phố chưa thực hiện giãn cách xã hội, cô nhận thấy việc di chuyển đã gặp nhiều khó khăn.

tu choi nhan khach chua tiem vaccine anh 4

Mai Anh hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong những tháng ngày sắp tới.

Thời gian tới, Mai Anh chưa nhận được lịch hẹn trang điểm nào ngoài Hà Nội. Cô cho biết trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, phần lớn các cặp vợ chồng có xu hướng chọn sử dụng dịch vụ gần nhà hơn là ở địa phương khác, từ thợ ảnh, trang phục cưới… cho đến trang điểm.

Mai Anh cũng chủ động cẩn thận hơn khi thực hiện công việc trong lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

“Vì cô dâu không thể dùng khẩu trang, tôi đương nhiên phải đeo rồi, thậm chí thêm kính chống giọt bắn nữa. Tay chân phải luôn giữ sạch sẽ. Ngoài ra, mỗi lần kết thúc công việc, tôi đem giặt sạch bộ cọ và phơi nắng, đồng thời xịt cồn khử trùng đồ nghề trước khi tới lịch hẹn tiếp theo”, cô nói thêm.

Chia sẻ với Zing, Mai Anh cho biết cô mê trang điểm từ bé. Năm 18 tuổi, sau khi vào đại học, cô từng ngỏ ý muốn học nghề make-up nhưng bị bố mẹ ngăn cản. Do đó, cô tìm một công việc văn phòng, rồi tiết kiệm tiền để đi học vào năm 2019. Khi cô kết thúc khóa học cũng là lúc dịch bùng phát.

Trong khi đó, thu nhập của những thợ trang điểm mới như Mai Anh lại phụ thuộc chủ yếu vào đám cưới, tiệc tùng, sự kiện… Tuy nhiên, những hoạt động này đều liên tục bị gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19, đặc biệt trong vài tháng qua.

“Hiện tôi rất lo lắng và căng thẳng. Tôi đang gửi CV đăng ký các công việc bán thời gian hoặc freelance để kiếm thêm thu nhập. Nếu tình hình không khả quan hơn trong thời gian tới, tôi nghĩ mình phải quay lại làm việc văn phòng”, cô chia sẻ.

Theo Zing

Bị phát hiện sử dụng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin giả vì viết sai chính tả

Bị phát hiện sử dụng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin giả vì viết sai chính tả

Hôm 28/8, một phụ nữ ở Illinois, Mỹ bị bắt và bị cáo buộc sử dụng thẻ chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 giả để đi du lịch đến Hawaii.