Điều trị hiếm muộn gây đau đớn về thể chất và rất tốn kém tiền bạc nhưng nỗi khao khát được làm cha, làm mẹ không lúc nào nguôi trong tâm khảm nhiều cặp vợ chồng.

Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, Lan Anh lại đưa bàn tay trìu mến xoa đều khắp trên bức ảnh chụp gương mặt bụ bẫm của 2 thằng bé đặt nơi góc tủ - niềm mơ ước mà vợ chồng cô và cả 2 bên gia đình mong chờ đã 12 năm trời đằng đẵng. Trở lại TP.HCM lần này, Lan Anh mong chờ phép lạ sẽ đến - một sinh linh bé bỏng tượng hình trong cơ thể mình…

“Xóm bà bầu” từ mọi miền

Phòng khám điều trị hiếm muộn (ĐTHM) của bác sĩ (BS) Ngọc Lan nằm trên đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân. Không chỉ khu vực TP.HCM mà hầu hết người bệnh các tỉnh, thành trong cả nước đều tụ về đây để ĐTHM. Chính vì thế, chung cư 47-57 đường Nguyễn Thái Bình gần đấy ngoài ưu điểm gần khu vực trung tâm và phòng khám còn có cầu thang máy và điều kiện tiện nghi đầy đủ nên được nhiều người chọn thuê trọ trong suốt quá trình ĐTHM. Chung cư này có 10 lầu với hàng trăm nhân khẩu, hầu như toàn bộ 3 tầng trên cùng các hộ dân đã dọn đi nơi khác, để căn hộ lại cho những người ĐTHM thuê ở. Thế là nơi đây mang tên “xóm bà bầu”.

{keywords}

Hầu hết những người điều trị hiếm muộn đều treo hình em bé nơi ở để hằng ngày ngắm nhìn, ao ước Ảnh: Hoàng Triều/NLĐ

Mỗi căn hộ rộng 24 m2 tại chung cư này đều rất đắt khách thuê, luôn ở trong tình trạng “cháy” phòng với giá từ 5-6 triệu đồng/tháng. Cứ thế, người thuê sau mỗi đợt ĐTHM lại giới thiệu cho người thuê sau cùng cảnh ngộ như mình đến ở. Khu vực “xóm bà bầu” lúc nào cũng đông vui. Họ cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, thương yêu nhau như người thân.

Gian nan hành trình kiếm con

Lan Anh từ Hải Phòng “nhập cư” “xóm bà bầu” từ năm 2009 sau nhiều lần ĐTHM ở bệnh viện các tỉnh phía Bắc không thành. Đây là lần thứ sáu cô tiếp tục hạ quyết tâm nuôi hy vọng đậu thai. Cô kể lần nào vào TP HCM cũng phải đi cả 2 vợ chồng cùng đến khám, làm các xét nghiệm máu, kiểm tra nội tiết, kiểm tra tinh trùng trước khi được BS lựa chọn phương pháp điều trị. Sau 5 lần thất bại tốn gần 500 triệu đồng, đợt này Lan Anh chọn phương pháp đắt tiền nhất là nuôi trứng để ĐTHM.

Tôi đến tầng 8 chung cư Nguyễn Thái Bình gặp Lan Anh khi cô vừa trải qua bước chọc hút noãn. Để thực hiện kỹ thuật này, Lan Anh được các BS gây mê toàn thân nhưng khi tỉnh dậy cảm giác đau đớn dường như vẫn còn nguyên vẹn trong người. Cố nở nụ cười trên gương mặt xanh xao, Lan Anh bảo với tôi: “Đau mấy cũng chịu được, miễn là đậu thai thôi, chị à!”.

Cùng cảnh ngộ như Lan Anh là trường hợp của anh Bình - chị Lan đến từ Lâm Đồng. Sau 13 năm nên duyên, anh chị đã phải có tới 10 lần ĐTHM thất bại, tốn hết hơn 1 tỉ đồng. Không nản, vừa rồi vợ chồng anh lại tất tả xuôi xuống TP HCM thử vận may mặc dù vẫn biết đây chưa phải là lần cuối. May mắn dường như đã mỉm cười với họ khi chị Lan đã mang song thai được 5 tháng rưỡi. Để không phải di chuyển, anh chị quyết định ở lại cho đến khi mẹ tròn con vuông. Nào ngờ, chị bị cạn ối, phải vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, sau hội chẩn, BS quyết định chị phải ngậm thuốc cho giãn tử cung để sinh non. Sinh non khi thai mới hơn 5 tháng tuổi đồng nghĩa với việc phải bỏ thai. Thế là mặc cho BS giải thích khuyên bảo, Lan vẫn quyết không chịu ngậm thuốc, chị gào khóc khi biết tim thai vẫn đập một cách yếu ớt trong bụng và hy vọng phép mầu nào đó giữ lại được 2 sinh linh bé bỏng trong cơ thể mình. Chỉ đến khi không còn con đường nào khác, tim thai đã ngừng đập, 2 bé trai đã chết tím tái được đưa ra khỏi cơ thể, chị ngất đi trong vòng tay người chồng cũng đang chết lặng!

Trường hợp vợ chồng anh Trung - chị Tuyền đến từ Bình Phước thì đang được cả “xóm bà bầu” thèm khát. Tuyền kể anh chị lấy nhau đã gần chục năm, mong con đến độ không dám về quê ở Nam Định nên 2 người chọn Bình Phước làm quê hương thứ hai, đi làm rẫy thuê dành tiền mỗi năm về TP.HCM một lần ĐTHM. Lần này đã là lần thứ tám, thấy anh chị khao khát muốn có con nên bệnh viện miễn toàn bộ phí khám bệnh. Do chỉ phải trả tiền thuốc nên anh chị có phần nhẹ gánh hơn những lần trước. May mắn thay, sau 3 ngày đặt phôi, kết quả chị Tuyền đã đậu 3 thai. Hiện chị Tuyền đang trong giai đoạn chờ ổn định sức khỏe để BS lấy bớt ra 1 thai song thực lòng anh chị đều không muốn làm việc này. Đưa tay lên bụng xoa nhè nhẹ, chị Tuyền cho biết niềm vui của vợ chồng chị được cả “xóm bà bầu” hòa chung bởi trong số rất nhiều người đang ĐTHM thì có túi thai gần như đã đạt được yêu cầu; phần còn lại sẽ do sự tương thích của cơ thể quyết định số phận bào thai trong 9 tháng sau đó.

Như trong cổ tích

Cảm động hơn cả là trường hợp chị em ruột có tên là Liên - Hoan từ Hà Nội vào ĐTHM. May mắn hơn chị, Hoan đã lập gia đình được 5 năm và đã có 1 bé trai kháu khỉnh. Thấy chị mình lấy chồng gần 10 năm mà vẫn không sinh được mụn con nào do trứng có vấn đề, thương chị, Hoan bàn với chồng rồi bỏ hết công việc vào TP HCM cho trứng và tình nguyện ở lại chăm sóc chị. Hoan phải nhịn ăn 12 giờ rồi vào phòng đợi để BS tiêm thuốc mê toàn thân, chọc trứng. Toàn bộ công đoạn này, Hoan hầu như không biết gì, chỉ đến lúc tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong phòng hồi sức với nỗi đau mà theo Hoan là không thể nói thành lời, lúc ấy Hoan mới biết mình vừa trải qua một công đoạn lấy trứng còn đau hơn cả khi vượt cạn. Ngồi cạnh giường bón sữa cho Hoan, Liên rơm rớm nước mắt vì tiếp theo đây, trứng của Hoan sẽ được tạo phôi trước khi cấy vào cơ thể mình…

Tình chị em đong đầy trong cả những trường hợp khó khăn nhất tưởng chỉ có trong chuyện cổ tích đang hiện dần lên bằng xương bằng thịt trước mặt tôi mà có lẽ chẳng giấy mực nào tả hết.


(Theo Người lao động)