Tết là dịp gia đình, bạn bè, người thân họp mặt, chúc nhau, sau đó thường là những bữa tiệc linh đình, liên miên.

Những bữa tiệc với thức ăn giàu đạm, béo, rượu bia, nước ngọt, bánh kẹo… được mời mọc khắp mọi nơi khiến người khỏe phát ốm vì ăn uống mất cân đối, người già thì khó tiêu hóa, trẻ béo càng béo, trẻ gầy lại càng gầy thêm, người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch thì có khi phải… nhập viện.

Thế nên để ngày tết được vui trọn vẹn thì cần biết cách giữ sức khỏe cho cả nhà.

Chuẩn bị thức ăn ngày tết

- Không trữ nhiều bánh, mứt, kẹo và nước ngọt. Trẻ ăn vặt bánh, mứt, kẹo và uống nước ngọt sẽ có cảm giác đầy bụng nên bỏ bữa chính. Do đó, trẻ gầy sẽ càng gầy thêm vì thiếu năng lượng và các dưỡng chất cần thiết. Trẻ béo thì thường không từ chối món gì dù chính hay phụ. Nếu ăn quá mức sẽ càng tăng cân. Người có bệnh đái tháo đường nên hạn chế các loại thức ăn kể trên vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.

- Có thể thay thế bánh, mứt, kẹo bằng các loại hạt (dẻ, hướng dương, bí đỏ, hạt dưa, đậu phộng rang, hạt điều rang…), trái cây các loại sấy khô, bánh quy, trái cây tươi hoặc cocktail trái cây, rau câu, cá hoặc mực khô tẩm gia vị sấy…

- Thức uống đãi khách nên dùng nước ép trái cây, nước trái cây lên men, nước trà nóng hoặc trà đá, nước tinh khiết...

Nên cho trẻ ăn no trước khi đi chơi để đỡ mệt và không thèm khi nhìn thấy thức ăn. Ảnh: HTD

- Món thịt kho trứng nên có vài khứa cá: người già có thể ăn cá và một ít thịt nạc, ít trứng; trẻ con có thể ăn cả thịt, mỡ và trứng; người lớn và trẻ béo phì không nên ăn nhiều mỡ và trứng.

- Món ăn tốt cho sức khỏe và không bị tăng cân: bánh tráng cuốn với cá hấp hoặc cá nướng với nhiều loại rau thơm; lẩu thập cẩm với thịt, cá, hải sản, đậu hũ và nhiều loại rau; món rau trộn với xà lách, cà chua, dưa leo….

Đi chơi tết

- Chuẩn bị nước uống đóng chai mang theo và uống liên tục để tránh mất nước. Có thể mang theo một ít thức ăn vặt. Nên thận trọng với nước đá bán bên ngoài vì nguồn nước có thể không đảm bảo.

- Hạn chế ăn bên ngoài trong những ngày tết vì thức ăn có thể không được bảo quản tốt (đa số thức ăn được dự trữ từ trước tết), không đảm bảo vệ sinh. Nếu phải ăn bên ngoài thì nên chọn món nấu chín sôi như phở, hủ tiếu, mì… Hạn chế dùng các thức ăn còn sống như gỏi, rau sống, thịt cá tái...

Đối với người có bệnh lý mạn tính:

Tránh đi chúc tết họ hàng, bạn bè vào giờ cơm để hạn chế bị mời những bữa ăn nhiều rượu thịt, dễ làm nặng hơn tình trạng bệnh sẵn có.

Nếu phải nhập tiệc, nên nói trước với gia chủ tình trạng sức khỏe của mình và nên tránh cụng ly.

Nếu phải cụng ly thì cho thật nhiều đá lạnh vào, không uống ngay mà để cho đá tan ra làm loãng nồng độ bia. Uống chậm và uống kèm nhiều nước.

Cho thêm đá vào ly nước ngọt, uống ít để gia chủ không rót thêm.

Chọn những món có nhiều rau, trong chén lúc nào cũng có ít thức ăn để tránh khỏi bị tiếp thêm.

Đối với trẻ em:

Cho trẻ ăn no trước khi đi chơi để đỡ mệt và không thèm khi nhìn thấy thức ăn.

Không cho trẻ đi chơi quá lâu sẽ làm trẻ mệt, biếng ăn và dễ bệnh.

Mọi người nên thay đổi quan niệm phải ép nhau ăn uống rượu mới gọi là quý nhau. Để tránh những hậu quả đáng tiếc do ăn uống quá đà trong những ngày tết, hãy chọn lựa cách ăn và món ăn phù hợp với sức khỏe của mình và tôn trọng ý kiến của khách đến thăm nhà khi từ chối dùng bữa vì lý do sức khỏe.

TS-BS TRẦN THỊ MINH HẠNH, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

(Theo PL TPHCM)