Những ngày Tết Nguyên đán đã qua, nhưng dư âm đối với người thân của gần 300 người bị tử nạn và hơn 500 người bị thương vì tai nạn giao thông trên toàn quốc có lẽ nỗi đau xót còn lâu và dai dẳng nhiều năm nữa. Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT có nhiều, nhưng phần lớn do người tham gia giao thông đã uống bia rượu...

Nghiện rượu - đốt nhà

Vì rượu, nhiều vụ án mạng hoặc bạo lực gia đình đã xảy ra. Có vụ rượu gây chết người như vụ ngày 27 tháng Chạp, năm Giáp Ngọ, bệnh nhân L.C.B 42 tuổi, nhập viện Kiến An (Hải Phòng) trong tình trạng chảy máu mũi, huyết áp tăng do rượu, đã bị các bác sĩ trói tại giường bệnh để qua cơn hội chứng ngừng rượu. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân đã tử vong khiến người nhà cho rằng bác sĩ tắc trách. Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, việc nạn nhân uống rượu là có.

{keywords}

Bệnh nhân Hoàng Văn Ph đang điều trị cai rượu tại BV tâm thần Hải Phòng.

Theo bác sĩ Lê Sao Mai - khoa Điều trị ma túy và giám định pháp y tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng - cho biết: Bệnh nhân Hoàng Văn Ph ở Đại Đồng (Kiến Thụy, Hải Phòng) nhập viện ngày 2.2 sau khi uống rượu say rồi châm lửa đốt nhà, bị người thân cưỡng chế, đưa vào Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng chữa bệnh. Em trai của bệnh nhân kể lại: Ông Ph nghiện rượu nhiều năm nay, thường xuyên đánh đập vợ con khiến gia đình ly tán. Ở viện, bệnh nhân Ph luôn trong tình trạng lơ mơ, không nhận thức và kiểm soát được hành vi của mình...

Đang điều trị tại khoa này còn có trường hợp bệnh nhân Vũ Hoài Tân (32 tuổi), nhà ở mặt đường phố Tam Bạc - một con phố sầm uất ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng - đã từng học quản trị kinh doanh ở Anh nhưng rồi bị trục xuất về Việt Nam. Tân cho biết mình uống rượu từ năm 16 tuổi, uống vụng rượu do ông bố vốn là máy trưởng tàu Vosco mang về từ nước ngoài. Khi đi tàu không còn màu mỡ, gia đình cậu mở công ty chuyên về vận tải, xuất-nhập khẩu, tiền nhiều vô kể. Đến năm 2005, gia đình cho Tân đi Anh du học, nhưng sau đó bị trục xuất.

Tân kể, có lần ở Anh, cậu đã chi 5.000 bảng cho một chai rượu. Còn ở Việt Nam, việc chi 10 - 20 triệu cho một bữa nhậu là rất bình thường. Chỉ đến khi cậu con trai có biểu hiện loạn thần do rượu, Cty của gia đình bị phá sản, gia đình mới quyết định đưa cậu đi cai. Hai năm nay, Tân chỉ ở viện để cai rượu, vì lần nào ra ngoài được vài ngày, cậu lại tái nghiện trở lại, nên tết này, cậu phải ở lại bệnh viện.

Nghiện rượu hậu quả khôn lường

Theo Ths, bác sĩ Lê Sao Mai, tại khoa Điều trị ma túy và giám định pháp y tâm thần (BV Tâm thần Hải Phòng), ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện để cai rượu, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán. Có nhiều người cai gần như thành công, nhưng tết đến, gặp người thân mời một chén rượu, thế là nghiện trở lại. 80% số bệnh nhân của khoa là nhập viện để cai rượu, 20% số còn lại là cai nghiện các triệu chứng ảo giác của ma túy.

Theo bác sĩ Mai, bệnh loạn thần do rượu hoặc loạn thần do cai rượu đã khiến bệnh nhân bị hoang tưởng. Có bệnh nhân tưởng tượng có người giết mình, hoặc vợ ngoại tình, hoặc nhìn thấy ma quỷ, quái vật về bắt mình… Hội chứng loạn thần khiến người bệnh lo lắng, tay chân run và rất thèm rượu. Từ các triệu chứng trên, nhiều vụ án mạng, bạo lực đã diễn ra.

Bệnh nhân nghiện rượu, đa phần dân trí thấp. Có ông ở quê, chỉ vì vợ sinh toàn con gái, chán đời, uống rượu về là đánh đập vợ con, gia đình đưa đi cai rượu thì nói là “bị ghét nên gia đình nhốt vào viện”. Có ông chuyên đi biển, từ việc chỉ uống chút rượu để chống lạnh, tăng sức khỏe để làm việc, dẫn đến nghiện. Lên bờ nghỉ hưu, vợ con không chịu nổi tật nghiện rượu của chồng, cha, nên quyết tâm đưa đi cai rượu.

Hằng tháng, gia đình vẫn vào động viên ông sớm cai nghiện để trở về nhà với con cháu. Nhưng có trường hợp tủi thân hơn khi con gái đi lấy chồng, nhưng cha không được về dự cưới con gái, vì chỉ cần một ly rượu là ông này quậy tưng cả đám cưới. Chưa kể - theo bác sĩ Mai - nhiều người ít uống rượu, nhưng tết đến, nể anh em, bè bạn nên uống vài ly, dẫn đến việc điều khiển phương tiện giao thông không chuẩn, gây TNGT thương tâm. “Tình trạng rượu giả cũng làm cho các triệu chứng loạn thần tăng lên rất nhiều nếu các thành phần pha chế rượu độc hại” - bác sĩ Mai nói.

Theo chị Nguyễn Thị Sến - Điều dưỡng trưởng (khoa Điều trị ma túy và giám định pháp y tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng) - các bệnh nhân điều trị chứng loạn thần do rượu chủ yếu có độ tuổi từ 30 - 40 tuổi trở lên. Việc cai rượu phải có sự kết hợp với gia đình, để bệnh nhân không tái nghiện trở lại...

(Theo Lao động)