Thời gian qua, Quảng Ninh, Hòa Bình đã có những mô hình, cách làm hay trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương (Chương trình 135).

Quảng Ninh: Nhiều xã, thôn thoát diện ĐBKK trước kế hoạch

Tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh, diện mạo xã Thanh Lâm ngày càng khởi sắc. Năm 2017, Thanh Lâm là xã duy nhất tại Quảng Ninh phấn đấu thoát khỏi diện ĐBKK sớm 1 năm. Điều này không hề dễ dàng khi xã có 9 thôn thì 3 thôn thuộc diện ĐBKK, trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, giữ thói quen ăn ở, sinh hoạt lạc hậu.

Thực hiện Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196), chính quyền xã đã điều tra nhu cầu phát triển kinh tế của người dân, thông qua các trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lao động, sản xuất. Từ nguồn vốn của Đề án, xã đã tập trung vào việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo với các hộ có khả năng và thực sự muốn tham gia, tránh tình trạng hỗ trợ không hiệu quả.

 

{keywords}
 

Về tiêu chí hạ tầng, xã tập trung vào làm các công trình đường nội thôn. Đến cuối năm 2017, Thanh Lâm đã hoàn thành các tiêu chí để thoát khỏi diện 135 cả về đời sống, tiêu chí về hạ tầng - kinh tế và tiêu chí về văn hóa - xã hội.

Đề án 196 là cách làm mới, riêng có của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình 135 đối với địa bàn các xã, thôn ĐBKK. Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, các địa phương đã thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu đưa xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK sớm hơn so với lộ trình được phê duyệt và cao hơn chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh năm 2018. Đã có 275 hộ trên địa bàn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện, thể hiện sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận, tích cực, chủ động tham gia thực hiện Đề án của người dân.

Trong 3 năm, các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135 đã được đầu tư hỗ trợ 783,942 tỷ đồng,. Về hạ tầng, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ cho 430 công trình. Tỉnh cũng thực hiện 180 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 7.223 lượt hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, góp phần giảm 1.801 hộ nghèo, 1.015 hộ cận nghèo năm 2017, dự kiến sẽ tiếp tục góp phần giảm 1.956 hộ nghèo, 800 hộ cận nghèo năm 2018 tại 17 xã và 54 thôn ĐBKK, vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã  ĐBKK tăng từ 12,75 triệu đồng/người/năm cuối năm 2015, đến hết năm 2018 ước đạt 23,11 triệu đồng/người/năm.

Quảng Ninh phấn đấu hết năm 2019 có thêm 12 xã và 8 thôn ra khỏi diện ĐBKK và lộ trình đến năm 2020 đưa tất cả các xã, thôn ĐBKK của tỉnh ra khỏi diện ĐBKK.

Hòa Bình: Huy động sức dân giảm nghèo

Tại Hòa Bình, sự tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện chương trình là một trong những yếu tố then chốt góp phần để Chương trình 135 phát huy hiệu quả.

Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã quy định về Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đối với dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao 70% công trình trên tổng số công trình toàn tỉnh cho cấp xã làm chủ đầu tư.

Nhờ đó, việc đầu tư, quy hoạch, lựa chọn công trình, địa điểm xây dựng đều thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo đúng địa bàn các xã, thôn bản ĐBKK. Người dân cũng được tham gia giám sát và thực hiện xây dựng công trình, trực tiếp quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình... vừa nâng trách nhiệm với công trình, vừa góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

{keywords}
 

Trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn ĐBKK tại Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2017, vốn ngân sách Trung ương phân bổ 228.000 triệu đồng vốn đầu tư, tỉnh huy động nguồn nhân dân đóng góp 7.915 triệu đồng.

Về duy tu bảo dưỡng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng sau đầu tư, trong giai đoạn 2016-2017 chương trình 135 đã hỗ trợ 12.105 triệu đồng vốn sự nghiệp cho các xã để thực hiện duy tu, bảo dưỡng cho 538 công trình sau đầu tư. Năm 2018, số vốn được phân bổ là 6.472 triệu đồng, hiện đang được các huyện triển khai thực hiện.

Trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ĐBKK, xã an toàn khu, các thôn bản ĐBKK: Giai đoạn 2016-2018 phân bổ 88.157 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, giống vật nuôi, hỗ trợ xây dựng 226 mô hình, máy thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp cho 29.962 hộ hưởng lợi.

Sau hai năm triển khai, kết quả thực hiện Chương trình 135 đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản ĐBKK. Không chỉ Hòa Bình, Quảng Ninh, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để giảm nghèo bền vững. Tính riêng tại các tỉnh phía Bắc, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 13,12% (giảm 5,36% so với cuối năm 2015), tỷ lệ cận nghèo là 9,24% (tăng 0,42% so với cuối năm 2015).

Ngọc Minh - Bích Thủy