Không còn lủi thủi một mình trên ruộng đồng, nông dân ngày nay có nhiều điểm đến để nghe nhà khoa học tư vấn canh tác, chia sẻ với bạn nhà nông kinh nghiệm làm ăn, cập nhật kiến thức nuôi trồng, kỹ thuật canh tác mới, thậm chí "đọ tài" sáng chế với các kỹ sư nông nghiệp.

Giao lưu nông dân - nhà khoa học

Năm 2017 tại 20 địa phương (như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng…), hàng nghìn hộ nông dân đã ứng dụng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên trên diện tích hàng vạn hécta. Kết quả cho thấy, nhờ phương pháp cấy giúp tận dụng quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm này, nông dân giảm được ít nhất 1/3 chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón nhưng tăng được 10-20% năng suất do cây lúa sử dụng ánh sáng cho quang hợp triệt để hơn, bộ rễ phát triển tốt hơn, đẻ khoẻ, ít sâu bệnh, giảm tiêu tốn nước, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hệ vi sinh vật đất có ích, khôi phục dần hệ sinh thái môi trường đất ruộng lúa… Chi phí làm ra 1kg thóc giảm 500 -2.000 đồng so với các cách cấy khác, sản phẩm gạo làm ra sạch hơn.

Để đạt được kết quả này, nhiều cuộc giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã diễn ra khắp nơi, nhằm làm rõ những hiệu quả kinh tế cũng như các kỹ thuật canh tác của phương pháp này. Tham gia giao lưu có nhiều nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp, tác giả của những giống lúa tốt đã được cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, và kỹ sư Chu Văn Tiệp - tác giả của phương pháp này.

{keywords}
Giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng)

Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 9/2015, được trao Giải thưởng Vifotec năm 2015. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được Hàn Quốc trao Huy chương Đồng và Thái Lan trao Huy chương Vàng. Sáng chế này đã được nhân rộng và phổ biến, tập huấn chuyển giao cho nhiều địa phương trên cả nước.

Hội chợ, triển lãm: Nơi cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới

Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2017, nhiều nông dân đứng lại trước gian hàng tư vấn kiến thức nông nghiệp của Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC). Họ vừa nghe các chuyên gia nông nghiệp thuyết minh kỹ thuật mới, vừa đặt câu hỏi xoay quanh những khúc mắc của vườn cây nhà mình để được tư vấn giải pháp trồng trọt - chăm sóc đạt năng suất cao.

{keywords}
Nông dân tham gia tư vấn, đặt câu hỏi tại gian hàng của Trung tâm Phát triển cộng đồng ở Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê 2017

Theo ông Nguyễn Văn Chiểu (nông dân trồng cà phê tỉnh Đắk Nông), Hội chợ này là cơ hội quý giá cho ông trực tiếp đối thoại với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở lĩnh vực nông nghiệp nhằm khắc phục các hiện tượng như vàng lá, rụng quả… xảy ra trên cây trồng của nhà mình.

Còn với ông Phạm Văn Ơn ở Đăk Lăk, đây là dịp may để ông ngộ ra nhiều sai lầm khi chăm cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê- loại cây cho thu nhập tốt nhưng dễ nhiễm bệnh vì thời tiết thay đổi bất thường.

Hội thi: Nông dân cùng kỹ sư 'đọ' sáng chế

Tại Tây Ninh, Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) được Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh tổ chức 2 năm một lần, đến năm 2017 đã là hội thi lần thứ 10. Từ hội thi này, xuất hiện ngày càng nhiều đề tài/giải pháp của nông dân, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống lao động.

Trong 3 kỳ Hội thi Sáng tạo KH&KT từ năm 2010 đến 2015 có tổng cộng 402 đề tài/giải pháp dự thi thuộc 8 lĩnh vực. Chiếm 1/3 trong số đó là đề tài/giải pháp thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và máy móc nông nghiệp (chế tạo hoặc cải tiến thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và cơ giới hoá nông nghiệp).

Nông dân là lực lượng đông đảo nhất tham gia sáng chế trong lĩnh vực này; hầu hết các sáng tạo ấy đều được kiểm nghiệm qua thực tế sử dụng và đều được phổ biến, ứng dụng rộng rãi như: máy phóng lúa gặt đập liên hợp, máy phun thuốc nông nghiệp (của Nguyễn Văn Dũng ở Bến Cầu), mô hình dàn cày phủ bạt cho hoa màu (của Nguyễn Thanh Tâm ở Trảng Bàng), mô hình chế biến thức ăn gia súc và chăn nuôi heo hộ gia đình (của Tạ Hoàng Thạch ở Dương Minh Châu), thang nâng mía tự hành (của Phạm Văn Hùng ở Tân Châu), máy trồng mì (của Trần Quốc Hải ở Tân Châu)…

Tại Hội thi, các "thí sinh nông dân" có cơ hội tìm hiểu và cập nhật nhiều giải pháp sáng tạo của "bạn thi", nhất là của là lực lượng trí thức khoa học- công nghệ, bởi hầu hết sáng chế của các nhà khoa học đều phục vụ cho khâu cơ giới hoá nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh.

Các sản phẩm sáng tạo khoa học và kỹ thuật ấy giúp bà con nông dân giảm lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả năng suất cây trồng, vật nuôi. Qua đó cũng tập cho nông dân thói quen làm việc khoa học, biết ứng dụng các mô hình kỹ thuật canh tác tiên tiến trong lao động, sản xuất, hạn chế rủi ro và phòng ngừa được thiên tai, dịch bệnh, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của nông dân trong tỉnh.

Q.Hiếu - Thu Trà