Là giám đốc công ty mà mỗi năm có vài ngày họp họ không chịu về thì “bị” các cụ liệt vào danh sách đen bảo mình mất gốc, ky bo, keo kiệt mà về thì các cụ mặc định là phải tài trợ mọi khoản chi tiêu, xây dựng trong họ.


Tôi thiết nghĩ họp họ là một nét truyền thống có từ lâu đời cần phát huy và giữ gìn. Các cụ ta thường nói “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn” cũng chính vì lẽ đó. Nhưng, việc họp họ ngày nay đã có nhiều biến tướng với tâm lý "phú quý sinh lễ nghĩa".

Nhân đọc được bài viết về chuyện :Họp họ: Ăn trăm mâm cỗ rồi khoe của, đá xéo, tôi xin kể kể lại câu chuyện của chính mình để mọi người biết rõ nỗi khổ của những người mang danh giám đốc khi về họp họ như thế nào.

Tôi là một chủ công ty chế tác đồ thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Do đặc thù công việc cũng như quản lý nhân viên nên nhiều lúc những buổi họp họ tôi phải xin phép cáo bận không về.

Đã từ chối nhiều lần nên mấy năm nay cứ đến rằm tháng 7 tôi đều dành ra một ngày để về tham dự buổi họp họ. Khi trở về, tôi không ngờ mình lại chính là tâm điểm của buổi họp họ ấy và nghiễm nhiên được gắn mác “đại gia” có tiền tiêu không phải nghĩ.

{keywords}
Mang mác "đại gia" tôi sợ mỗi lần trở về quê họp họ. Ảnh minh họa

Sau buổi chào đón các thành viên trong họ hàng về tham gia tỏ lòng thành kính với tỏ tiên, dòng họ và tổng kết những việc làm trong năm qua của dòng họ là đến tiết mục xin đóng góp cho những tháng sắp tới

Lần đó bác tộc trưởng nhìn tôi rồi phán: “Năm nay chúng ta dự định sẽ tu sửa lại nhà thờ họ, tu sửa lại mảnh sân, mua thêm trống và có thể sẽ tổ chức một chuyến chuyến du lịch xa mọi người. Tất cả mọi người có ít góp ít, có nhiều thì góp nhiều. Tuy nhiên cái chính yếu là nhờ vào anh Hùng (là tôi). Bác tộc trưởng vừa nói xong, mọi người bên dưới đã vỗ tay rào rào: "Phải rồi! "giám đốc là đại gia mà”,“”tiền tiêu không phải nghĩ”… khiến tôi vô cùng khó xử. Sau lần ấy tôi cũng phải “ngậm ngùi” để tài trợ mọi chi phí nếu không sẽ bị mọi người cho là ky bo, là keo kiệt.

Không chỉ dừng lại ở xin tài trợ, một số bác còn đến nhà nhà bố mẹ tôi để nhờ cậy xin việc khiến tôi phải bỏ cả ăn cơm ra vườn để trốn nhưng họ vẫn không buông tha. Tránh được một hai lần nhưng tôi không thể trốn tránh mãi.

Xin thưa, tôi tuy làm giám đốc nhưng công ty tôi rất nhỏ chỉ có khoảng vài chục nhân viên và vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, sắp tới có kế hoạch vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng, chứ đâu xông xênh như mọi người vẫn hay nghĩ.

Tôi kể ra câu chuyện này không phải có ý chê bai những buổi họp họ của tổ tiên. Tôi mong chúng ta vẫn lưu giữ những nét truyền thống có từ thời xa xưa đã trở nên quen thuộc và trở thành máu thịt.

Còn những người đi xa như tôi khi được về quê họp họ, giỗ họ, được bày tỏ ý kiến, được xây dựng, được đóng góp tùy tâm và cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên, để thấy thiêng liêng và xúc động biết nhường nào, chứ không phải chỉ để đóng tiền, ăn nhậu xong rồi... ai về nhà nấy.

Độc giả Trần Hùng (Nam Định)

Những chia sẻ về các khía cạnh bi hài của truyền thống họp họ xin được gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email bandoisong@vietnamnet.vn! Trân trọng cảm ơn độc giả!