Người đời không biết tưởng bà “điên”, chỉ khi còn một mình, bà mới thở dài, nước mắt chảy ngược vào trong…

Cách Hà Nội khoảng 50 km, một dãy nhà hoang nằm im lìm dưới chân núi Sóc Sơn là nơi nương náu của người đàn bà sống cô đơn nhiều năm nay. Bà là Quất Thị Oanh, 71 tuổi (quê Phú Thọ).

{keywords}
Bà Quất Thị Oanh sống cô đơn trong dãy nhà hoang dưới chân núi Sóc Sơn.

Những ngày giáp Tết, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa, mua bán thực phẩm chào đón năm mới nhưng với bà Oanh, khái niệm về ngày tháng gần như không có ý nghĩa.

Tết với bà hàng chục năm qua cũng chỉ như ngày thường. Sáng dậy nấu một nồi cháo cho mình, một nồi cơm nuôi 2 con chó. Sau đó bà lên rừng đào khoai, đào sắn rồi hái lá cho thỏ.

Những người có hoàn cảnh như bà có thể buồn chán, thèm khát một cuộc nói chuyện từ những người vãng lai. Tuy nhiên, bà Oanh lại khác.

Bà sẵn sàng lớn tiếng chửi bới, quát nạt, thậm chí đuổi đánh nếu không thích ai đó tò mò về cuộc sống của mình.

Do đó người ta chỉ biết, bà là một bệnh nhân của trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội). Cách đây gần chục năm, theo lệnh di dời, các bệnh nhân của trại được đưa về địa điểm khác. Trại phong này bị bỏ hoang.

Thế nhưng bà Oanh và vài người nữa vẫn cố gắng bám trụ. Mỗi người nhận lấy 1 gian nhà rồi sống theo hình thức tự cung tự cấp, tự chăm lo cho bản thân mình.

{keywords}
Dãy nhà hoang, nơi cư ngụ của người phụ nữ tuổi đã xế chiều.

Những người bạn cùng bám trụ tại khu nhà hoang tiết lộ, bà Oanh không muốn chuyển đi vì còn nặng lòng với một người đang nằm trên núi. Thêm nữa, quanh mảnh đất này bà còn có những ‘mối tơ vò’…

‘Mỗi người ở đây đều có một số phận riêng, ai cũng buồn’, bà Oanh nói khi đã có thiện cảm với chúng tôi.

Theo bà, cách đây 40 - 50 năm về trước, những bệnh nhân phong bị dư luận ghẻ lạnh. Có người gần chết, con cháu vẫn khiêng đến cổng trại vứt bỏ vì sợ lây.

Sự đối xử ghẻ lạnh và có phần nhẫn tâm của người thân khiến nhiều bệnh nhân phong lúc đó chán ghét và bi quan với cuộc sống. Bà Oanh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên trong quãng ngày khốn khó ấy bà lại có được tình yêu của một người đàn ông cùng trại.

“Ông bệnh nhẹ hơn nên thường đi xát gạo phục vụ nhà bếp, tôi nhận nhiệm vụ cấp dưỡng. Cả hai cứ lặng thầm quan tâm nhau rồi muốn gắn bó với nhau từ lúc nào không hay’, bà Oanh nhớ lại, giọng ngậm ngùi.

Thời gian sau đó, được sự đồng ý của lãnh đạo trại, tình yêu của họ đơm hoa kết trái với 5 người con, 3 trai, 2 gái.

“Tôi muốn sinh thật nhiều con để sau này có chỗ nương nhờ. Nhưng sinh các con rồi mới thấy, tương lai các con sẽ rất mù mịt nếu tôi giữ chúng ở bên mình. Chính vì thế, tôi đành cho người ta nhận nuôi.

Tôi với ông nhà ở trại, sống tiếp những ngày còn lại của cuộc đời nhưng sống cùng nhau được 35 năm thì ông ấy khuất núi”, bà Oanh nhớ lại.

{keywords}
Sinh ra 5 người con nhưng khi các con đến nhận mẹ, bà Oanh nhiều lần xua đuổi...

Sau này, khi đã khôn lớn trưởng thành, các con muốn tìm đến mẹ đẻ nhưng bà Oanh đều từ chối.

“Tôi đuổi hết, chửi hết chứ không mẹ con với ai cả’, bà Oanh nói, giọng dứt khoát. Tuy nhiên khi được hỏi lý do, đôi mắt người mẹ lại ngân ngấn lệ:

“Trước khi cho các con đi, tôi dằn vặt và đau khổ rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ nếu lo được cho các con thì hãy ôm chúng vào lòng, nếu không hãy để các con được tìm đến nơi có ánh sáng tốt hơn.

Bây giờ, các con trưởng thành rồi, có người mẹ nào không muốn được ở gần con nhưng số phận mình thế này. Các con nhận mẹ cũng chỉ thêm gánh nặng nên tôi thà hy sinh cuộc đời mình…’, bà Oanh nói, giọng xúc động.

Các con không chấp nhận sự từ chối của mẹ. Vài năm nay, cậu con trai út còn tha thiết mời mẹ về nhà ăn Tết cùng gia đình. Bà Oanh cũng thấy mủi lòng.

Tuy vậy cả dịp Tết bà cũng chỉ về với con út một vài ngày. Sau đó, bà lại trở về với cuộc sống đơn độc dưới chân núi.

Với các con khác, bà cho biết, chỉ trò chuyện qua điện thoại hoặc khi chúng đến 1 mình, không kèm con dâu con rể. Nếu các con dâu con rể đến, bà sẽ giống như một ‘người mẹ điên’, sẽ chửi, mắng và không nhận con.

Theo bà, hành xử này có thể khiến các con không vui nhưng với tấm lòng của một người mẹ, bà chỉ mong điều tốt đẹp nhất đến với những đứa con của mình...

Xem thêm video: Chuyện tình nhói lòng ở trại phong bỏ hoang Hà Nội

Chuyện tình nhói lòng ở trại phong bỏ hoang Hà Nội

Chuyện tình nhói lòng ở trại phong bỏ hoang Hà Nội

 Trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội) bị bỏ hoang 6 năm nay, nhưng ở đó vẫn còn những mảnh đời lay lắt bám trụ.

Minh Anh - Lê Tùng