Thực tế cho thấy, đầu tư vào giao thông nông thôn là cách làm hiệu quả giúp xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa.

Câu chuyện ở xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên là một ví dụ cụ thể. Những năm trước đây, hệ thống giao thông trên địa bàn xã Tênh Phông chủ yếu là đường đất, việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn.

 

{keywords}
Ảnh: Theo Báo Quảng Ngãi

Ông Giàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, cho biết: Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động từng bước cứng hóa đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường sau khi được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản của bà con. Đặc biệt, tuyến đường từ huyện Tuần Giáo vào trung tâm xã có chiều dài 18km vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách giữa xã đặc biệt khó khăn với trung tâm huyện, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thôn bản đổi thay nhiều mặt.

Hay như ở Quảng Ngãi, trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất nhiều tuyến đường, cây cầu xây dựng xong đưa vào sử dụng đã mang lại một diện mạo mới và tạo sức bật quan trọng trong thực hiện công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện vùng cao của tỉnh.

Tại huyện miền núi Sơn Tây, trước đây, người dân phải đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa trên con đường đất đỏ, nhỏ hẹp, lầy lội mỗi khi trời mưa. Từ nguồn ngân sách, huyện Sơn Tây đã đầu tư nhựa hóa tuyến đường với chiều dài 31km. Từ ngày có con đường mới, giao thương thuận lợi, diện mạo của Sơn Tinh đã thay đổi rõ rệt. Tuyến đường mới liên huyện Sơn Tinh - Sơn Thượng cũng đã rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và đồng bằng. Từ trung tâm xã Sơn Tinh xuôi về xã Sơn Thượng, xuất hiện hình ảnh người dân đi xe ô tô tải đến từng chân rẫy, từng ngõ xóm để thu keo, lồ ô. Và đặc biệt là cây cầu Nước Kỉa mới được xây dựng đã xóa đi cảnh “ngăn sông cấm chợ” để nối những bờ vui.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc đầu tư vào hạ tầng đã mở ra bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế - xã hội, là động lực chính để khai thác nội lực của địa phương.

Cũng chính vì vậy trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn từ 2010 -2015, Việt Nam đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD cho giao thông nông thôn, phủ đường cho khoảng 50 tỉnh thành phố để phát triển nông thôn mới, tạo sinh kế và giúp bà con nông dân, đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Đánh giá về tác động của đầu tư hạ tầng giao thông tới việc giảm nghèo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: trong quá trình giảm nghèo bền vững, giao thông nông thôn nói riêng và giao thông nói chung có vị trí quan trọng. Giao thông đi đến đâu, kinh tế phát triển đến đó và biến sản phẩm theo hình thức tự cung, tự cấp thành hàng hóa. Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ngân sách để đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn và phải coi phát triển giao thông nông thôn chính là phát triển cho đầu tư.

D.Minh - Thu Trang (tổng hợp)