Đưa quy định không hút thuốc lá vào hương ước, nội quy, quy định trong trường học, doanh nghiệp, biến nó thành nếp sống, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Thái Bình đã giảm đáng kể.

Những điểm sáng phòng chống tác hại thuốc lá

Theo Chủ tịch Hội nông dân Thái Bình, một dấu ấn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá là việc một số làng xã đã thành công đưa quy định không hút thuốc lá vào hương ước. Nhờ vậy, dân làng có ý thức hơn và tình trạng hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang và lễ hội đã giảm rõ rệt.

“Trước kia ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, việc mời thuốc lá ở đám cưới, đám tang, lễ hội được coi là một phần quan trọng. Vì vậy gia chủ luôn chú trọng thực hiện chu toàn để tránh bị chê trách. Song cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức thực hiện pháp luật và hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người được nâng cao, ở những đám cưới, đám tang, lễ hội hiện nay, việc mời thuốc lá đã trở nên lạc hậu”, đại diện Hội nông dân Việt Nam cho biết.

Không chỉ đi vào làng xã, các quy định phòng chống thuốc lá cũng được đưa vào các quy định của cơ quan, trường học và biến thành một nếp sống văn minh.

Như tại trường Trường Cao đẳng nghề số 19 (Bộ Quốc phòng), sau 3 năm xây dựng môi trường học tập không khói thuốc, đưa quy định không hút thuốc vào nội quy trường học, tỷ lệ hút thuốc lá trong trường đã giảm mạnh, từ 70% - 80% xuống chỉ còn khoảng 10%.

Ban Giám hiệu trường cho biết, để có được kết quả này, nhà trường đã tập trung vào 3 giải pháp chính: Thứ nhất là tuyên truyền, nêu cao ý thức của từng cá nhân bằng các hoạt động văn hóa văn nghệ, áp phích, khẩu hiệu trong khuôn viên trường. Thứ hai, đưa quy định không hút thuốc lá vào nội quy trường học biến thành nếp sống. Thứ 3 phát động các phong trào thi đua phòng chống tác hại thuốc lá và đưa nội dung này vào đánh giá thi đua của tập thể, cá nhân.

Ban Phòng chống Tác hại Thuốc lá Thái Bình đã phối hợp Quỹ Phòng chống Tác hại Thuốc lá xây dựng thành công tiểu phẩm chèo “Vì một môi trường không khói thuốc” để đi biểu diễn ở các huyện . Chèo là “đặc sản” của Thái Bình, được nhân dân rất ưa thích. Việc “sân khấu hóa”, “nghệ thuật hóa” kiến thức khô cứng về tác hại thuốc lá cũng như kiến thức của Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá sẽ giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu hơn.

Giám sát nâng cao hiệu quả phòng chống tác hại thuốc lá

Theo ông Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Bình: Giám sát chặt chẽ cũng là một trong những cách để Thái Bình tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống thuốc lá.

Thực tế từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh tổ đã chức các đợt kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá tình hình tổ chức thực hiện. Sau mỗi đợt kiểm tra, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá lại được chấn chỉnh, đẩy mạnh.

Cũng theo ông Phạm Văn Dịu, mới đây, Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường, cơ quan, đơn vị không khói thuốc. Đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành, mỗi đoàn đều có sự tham gia của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo và đơn vị thường trực. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ chia thành 2 đợt: tháng 10 và tháng 11/2017.

Việc giám sát tập trung chủ yếu ở những đối tượng, địa điểm chịu nhiều quy định cấm cụ thể của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá như bệnh viện, trường học, nhà hàng, cơ sở kinh doanh thuốc lá, các bến xe khách và phương tiện giao thông công cộng...

Huyền My