Nhiều câu chuyện mang màu sắc liêu trai được người dân bản Tra dựng lên khi nói về ông “người rừng”... Họ kể vào những đêm trăng sáng, người dân quanh khu rừng già bản Tra còn nghe thấy ông cười một mình. Cười từ tối cho đến sáng mới dừng. Lúc đó muông thú về chật kín bên ông như trẩy hội.

Ngồi trò chuyện với ông , thi thoảng tôi nghe thấy tiếng ông gọi chim, gọi chồn, gọi chuột với thứ âm thanh rất kỳ lạ. Từ phía rừng xa, từng đàn chim ở đâu bay về quanh túp lều kêu táo tác. Trên khuôn mặt nhuộm màu nắng gió của ông bỗng dãn ra như vừa thỏa nguyện được ước mơ lớn của đời người vậy.

Miệng huýt sáo vang rồi lẩm bẩm phát ra những âm thanh khó hiểu. “Tôi có thể giao tiếp với muông thú ở quanh đây. Những âm thanh tôi phát ra đó là thể hiện niềm vui với các “bạn” của mình. Ở đây mà không có chim muông chắc tôi buồn chết mất”, ông nhỏ nhẹ nói với chúng tôi. Đó là ông Bùi Văn Bình (46 tuổi) nhiều năm nay sống một mình trong khu rừng già ở bản Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

{keywords}

Cuộc sống người rừng.

Trở về với rừng

Lên cánh rừng già từ lúc sáng sớm, trời xứ Mường ở Đà Bắc chìm trong làn sương mờ mịt càng gợi lên cảnh sắc âm u, tĩnh mịch của núi rừng. Thoảng trong thinh không là tiếng mõ trâu kêu lốc cốc đều đều càng khiến không gian nơi miền sơn cước thêm vắng lặng. Khi đi đến cánh rừng già thuộc xóm Tra, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy ánh lửa bập bùng đang hắt ra từ một cái lều canh nương nằm lưng chừng vách núi.

Đang loanh quanh tìm đường vượt suối sang xem cái lều đó có sự gì lạ, bỗng có một người phụ nữ gùi sắn từ dưới chân đồi đi lên. Chị tên là Bùi Thị Hợi (34 tuổi) người xóm Tra. Chưa kịp hỏi đường sang túp lều bí ẩn kia, chị Hợi đã mở lời: “Ôi dào, các anh định sang thăm cái ông Bình “người rừng” kia chứ gì. Ông ấy bị trời hành nên mới như vậy, đúng là trên thế gian này chắc có một. Giờ này các anh sang là ông đang ở đó. Tôi vừa gặp ông vào rừng cho lũ chuột và lũ rắn ăn đấy. Chúng là bạn thân nhất của ông ấy”.

Năm nay ông Bình 46 tuổi, con số đó là do người thân trong gia đình bảo thế chứ ông cũng chẳng nhớ rõ mình sinh năm nào và năm nay đã bao nhiêu tuổi. Là người độc thân, không vợ con, ông sống một mình trong khu rừng già này đã nhiều năm. Cho dù nhiều lần gia đình muốn đưa ông về sống hòa nhập cùng cộng đồng bên những người thân, nhưng bao lần đưa ra ý kiến là bấy nhiêu lần ông từ chối ý định đó để trở về sống với rừng và bầu bạn với chim muông.

“Dù trong rừng thiếu thốn, khổ cực nhưng với tôi, được sống trong rừng, hàng ngày được bầu bạn với chim muông đó là ân huệ lớn nhất mà rừng đã dành riêng cho cuộc đời tôi”, ông Bình tâm sự. Với sự kỳ dị đó, suốt nhiều năm nay người dân địa phương đã gọi ông Bình là “người rừng” trên cánh rừng già bản Tra.

Nơi ở của ông Bình chỉ là một túp lều nhỏ, 4 bề thông thốc gió lùa. Thức ăn chính của ông là măng, sắn và đu đủ xanh. Mỗi ngày ông cũng nổi lửa 2 lần. Ông sống cô độc, ngày thì làm bạn với cỏ cây hoa lá, chim muông, đêm xuống mình ông “trò chuyện” với trăng sao. Dân bản Tra (xã Toàn Sơn) thì bảo ông sống khổ là số trời đầy. Thậm chí không ít người nói ông bị con ma rừng bắt phải như vậy…

Nghe ông kể về hành trình từ thế giới văn minh trở về với rừng mang đầy màu sắc tâm linh, kỳ bí. “Đời tôi dường như sinh ra thuộc về rừng xanh rồi. Muốn rời xa nó, thần rừng lại gọi quay về. Về với rừng, tôi thấy mình khỏe ra. Tôi tìm được niềm vui và lẽ sống của mình ở nơi này”, giọng kể của ông mạch lạc và phấn chấn hẳn lên khi nhắc đến cuộc sống hiện tại. Khi tôi ngỏ ý xin chủ nhà một ngụm nước, ông mới giật mình. Ông đưa tay lên gãi gãi mái tóc dài rồi chỉ về con suối phía xa: “Tôi có đun nước uống đâu. Lúc nào khát là vác ống bương xuống suối rồi mang lên treo ở lều, lúc nào khát thì lấy uống”. Ông còn lý sự rằng: “Người ta cứ bảo ở rừng độc nhưng tôi ở mấy chục năm nay mà có mấy khi bị ốm đau gì đâu. Thần rừng lành lắm. Rừng cho nước uống, cho cái ăn, ốm đau vào rừng hái cây dược liệu là mình khỏe ra ngay thôi. Tôi ở đây thân cô, thế cô, nếu không có những bài thuốc độc đáo từ rừng, chắc tôi đã theo tổ tiên từ lâu rồi”.

Đã từ lâu, ông sống giữa cánh rừng già bản Tra, dựng lên một túp lều lọt thỏm trong rừng thẳm. Hàng ngày ông trồng sắn, trồng ngô và sống dựa vào nguồn sản vật từ rừng. Ông sống âm thầm như cái bóng của chính mình vậy. Ở nơi hang cùng thủy tận, nhưng chưa bao giờ ông có một ngày buồn nào cả. Nhiều câu chuyện mang màu sắc liêu trai được người dân bản Tra dựng lên khi nói về ông “người rừng”, cũng có thể do cuộc sống xa cách với cộng đồng của ông mà người ta đồn đoán như vậy. Họ kể vào những đêm trăng sáng, người dân quanh khu rừng già bản Tra còn nghe thấy ông cười một mình. Cười từ tối cho đến sáng mới dừng. Lúc đó muông thú về chật kín bên ông như trẩy hội.

{keywords}

Ngôi nhà của người rừng treo leo bên vách núi.


Khả năng giao tiếp đặc biệt

Đã đi nhiều nhưng để trải nghiệm cuộc sống của một người xa cách hẳn với cộng đồng thì chưa có dịp nào nên khi được mời ở lại cùng ông, chúng tôi đã không từ chối. Chiều miền sơn cước xuống nhanh. Thoáng cái, căn lều của ông đã chìm nghỉm trong màn sương đêm. Tiếng suối chảy róc rách phía xa dội lại nghe rõ mồn một. Côn trùng quanh túp lều bắt đầu tấu lên bản nhạc rừng êm ái. Đang tiếp chuyện chúng tôi, ông bỗng giật mình vì quên chưa cho bạn chuột ăn. Hóa ra, ông ở rừng nhiều năm nên ông yêu luôn cả những động vật sống quanh mình.

Trên sàn của túp lều, ông có 1 bao gạo. Ông bảo, gạo này là do chị Bùi Thị Hải (chị ruột ông) tiếp tế đều đặn hàng tháng. Họa hoằn lắm ông mới nấu cơm. Lúc nào đói ông vào rừng lấy măng, lấy sắn. Số gạo này chủ yếu để ông cho “bạn” chim, “bạn” chuột, “bạn” nhím ở trong rừng ăn. Thấy ông cầm bát gạo vào rừng, tôi định chạy theo ông liền giơ tay ra ngăn lại: “Các anh là người lạ. Vào đó mấy người “bạn” của tôi sẽ chạy mất ngay. Nếu anh ở đây một vài hôm, tôi có thể giới thiệu các anh với “bạn” của tôi”. Rồi chỉ trong nháy mắt, bóng dáng ông đã khuất dạng trong rừng sâu.

Nhớ lại lúc chúng tôi ở nhà chị Hải - chị gái ông. Chị Hải có kể rằng, sau nhiều lần thuyết phục người em hạ sơn không thành công, thi thoảng, đứa con trai của chị lại mang gạo lên cho ông cậu. Lần nào người cháu trai lên thăm cũng thấy bao gạo hết sạch. Mọi người trong gia đình chị Hải còn tưởng ông ăn khỏe nên mỗi lần lên thăm lại mang thêm một ít gạo. Lạ thay lần nào con của chị Hải lên kiểm tra cũng thấy tải gạo hết veo. Gia đình chị Hải sinh nghi, giao cho đứa con trai theo dõi xem tại sao cậu ăn khỏe thế. Sau mấy buổi tối đứng rình ở phía xa, người cháu này mới vỡ lẽ, hóa ra cậu mình mang gạo đi nuôi đám nhím, đám chim, chuột ở trong rừng.

Ngồi trong ngôi lều hoang vắng của “người rừng”, bên ánh đèn dầu leo lét chỉ chực tắt mỗi khi có cơn gió mạnh lùa qua, chúng tôi thấy ớn lạnh sống lưng khi nghĩ đến câu “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”, nhất là ở trong hoàn cảnh hoàn toàn cách biệt với thế giới văn minh như thế này. Trước lúc vào đây, người dân trong bản Tra cũng đã kể một vài câu chuyện mang màu sắc liêu trai liên quan đến khu rừng già này. Theo lời kể thì người Mường sống bao đời nay ở đây nên cũng có nhiều câu chuyện về ma thiêng, nước độc của cánh rừng. Người ta cho rằng đây là cánh rừng mà các oan hồn chết bất đắc kỳ tử, không người thân thích, không nơi nương tựa thường tụ hội về đây. Những câu chuyện kỳ bí, đầy hoang đường này đã làm cho nhiều người ngại không dám bước chân vào rừng Tra và từ bỏ ý định khi muốn xâm phạm đến cánh rừng. Vậy mà ông Bình thì lại ở được với rừng, với “những người bạn” của ông như một niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có đủ “gan dạ” đón nhận thứ hạnh phúc đó.

(Theo Lao động)