Khi trẻ bước vào giai đoạn chập chững biết đi, hầu như bố mẹ nào cũng sắm món đồ này cho con mà không biết nó là nguyên nhân gây ra hàng loạt những tai nạn thương tâm.

Cách đây chưa đầy 1 tuần, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp cấp cứu nghiêm trọng bởi tai nạn do xe tập đi gây ra. Bệnh nhân là cháu N.X.L (6 tháng tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) đã được đưa đến viện trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt do mất nhiều máu, tình trạng rất nguy kịch. Người nhà bé L cho biết bé được ngồi trong xe tập đi và khi chiếc xe mất đà trượt xuống cầu thang, mặt bé bị va đập vào các bậc cầu thang gây đau đớn và chảy rất nhiều máu.

Sau khi cấp cứu truyền thuốc giảm đau, truyền máu, bệnh nhi đã được chỉ định chụp cắt lớp vùng hàm mặt. Kết quả cho thấy tai nạn trượt xe tập đi đã khiến cháu L bị gãy rời di lệch xương hàm dưới. Rất may mắn là sau 6 tiếng kể từ khi vào viện, bé đã qua cơn nguy kịch và ngày 11/4/2016, bé đã được các bác sĩ cho ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

{keywords}

Những chiếc xe tập đi chứa đầy hiểm họa khôn lường cho bé (Ảnh minh họa).

Nhiều tai nạn thương tâm từ xe tập đi

Theo Th.BS Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu - chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương), những trường hợp tai nạn do xe tập đi như bé L không phải hiếm gặp. Điển hình như vào năm 2007, cũng xảy ra một trường hợp tương tự khi một bé gái 7 tháng tuổi (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngồi xe tập đi đã bị ngã vào nồi nước sôi gây tử vong.

Còn trong năm 2005, ngày 11/7, Khoa Phỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi Đ.Q.T.T., 8 tháng tuổi, đến từ Bệnh viện Đắk Lắk trong tình trạng bỏng nặng ở vùng mặt và hai tay. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán em bị bỏng độ 2 với tỉ lệ 4%. Đây là một trong những trường hợp nhập viện do tai nạn từ xe tập đi được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Cũng vào đầu năm, bệnh viện cũng tiếp nhận một bé gái 10 tháng tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM, nhập viện do xe đẩy bị rơi từ trên lầu. Mặc dù được cứu chữa tận tình, nhưng em cũng không qua khỏi vì chấn thương sọ não quá nặng.

Được biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 12-15 trường hợp trẻ bị tai nạn từ xe tập đi, chủ yếu ở trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi. Chấn thương thường gặp là chấn thương tay, sọ não, bỏng hoặc đa chấn thương. Đó là chưa kể đến các tật khác của chân như chân yếu, biến dạng xương...

{keywords}

Canada đã cấm bán và dùng xe tập đi cho trẻ em.

Xe tập đi không được khuyến cáo dùng cho trẻ ở nhiều nước trên thế giới

Nước đầu tiên ban bố lệnh cấm bán và dùng xe tập đi cho trẻ em là Canada. Lệnh cấm này được Bộ Y tế Canada ban hành trên toàn đất nước bắt đầu từ 07/04/2004 bao gồm việc cấm bán hàng tiếp thị, quảng cáo, nói quá về tác dụng của xe tập đi. Không những vậy, bất kỳ ai thực hiện việc buôn bán loại xe này, kể cả xe cũ cũng có thể bị kết án lên đến 10 triệu đô la Canada tiền phạt.

Còn tại Mỹ, mặc dù loại xe này không bị cấm nhưng Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP), và Hiệp hội quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cấm bán xe tập đi trên thị trừờng. Theo họ, xe tập đi tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng có hại sau đây:

- Dễ khiến trẻ gặp tai nạn:

Thông thường, xe tập đi sẽ được thiết kế khung tròn có gắn bánh xe và khi trẻ được đặt ngồi trong xe, theo lực đẩy chân của trẻ, xe sẽ được di chuyển với tốc độ rất nhanh. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ: tốc độ di chuyển của trẻ trong xe tập đi có thể lên tới 91cm/giây. Với tốc độ này thì việc một đứa trẻ mới chỉ 8 – 12 tháng tuổi hoặc trẻ mới học cách bước đi sẽ không thể kiểm soát được tốc độ của xe. Vì vậy, chỉ cần cha mẹ hơi lơ là một chút hoặc trong quá trình di chuyển, có vật cản đường xe của trẻ hoặc trẻ di chuyển tới cầu thang thì trẻ rất dễ dàng gặp tai nạn đáng tiếc.

Nguy hiểm hơn, khi trẻ ngồi trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã sẽ có xu hướng chúi đầu về trước, khiến trẻ bị kẹt trong xe khi ngã nên chấn thương nặng nề hơn so với trẻ té tự do.

- Nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng, chân biến dạng ở trẻ

Có thể cha mẹ không ngờ được rằng việc sử dụng xe tập đi sớm cho trẻ dưới 9 tháng còn gây ra chân vòng kiềng do xương trẻ chưa đủ cứng để chịu sức nặng của cơ thể. Không những vậy, việc cho trẻ ngồi và tự “đứng”, “di chuyển”, “chịu trọng lực” quá sớm là trái tự nhiên, phản khoa học. Điều này mang lại nguy hiểm tiềm tàng không chỉ về phát triển tâm thần vận động mà còn có thể gây tổn thương tích lũy lâu dài cho cột sống.

- Xe tập đi không giúp trẻ biết đi sớm mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ

Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy xe tập đi không giúp được gì trong phát triển của trẻ mà còn có thể có tác dụng ngược lại. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng một đứa trẻ sử dụng xe tập đi thường có chỉ số kỹ năng nhận thức thấp hơn trẻ không sử dụng. Cứ mỗi 24 giờ sử dụng xe tập đi, trẻ sẽ chậm thêm 3,7 ngày để có thể tự đứng được, chậm thêm 3,3 ngày tự đi được mà không cần giúp đỡ. Có nghĩa là khi bé sử dụng xe tập đi càng nhiều, bố mẹ càng làm chậm bước phát triển vận động của con.

{keywords}

Nếu vẫn dùng xe tập đi cho trẻ, bố mẹ cần phải theo sát trẻ ở mọi lúc, mọi nơi.

Một nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy những trẻ dùng xe tập đi sẽ chậm biết đứng, biết đi hơn trẻ không dùng loại xe này. Nguyên nhân là do trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ xương không lớn mạnh được như bình thường.

Không những vậy, chúng ta đều biết trẻ lớn lên, phát triển trí não thông qua tiếp xúc bàn tay, bàn chân, vị giác, thị giác và thính giác. Cho tự do bé để khám phá không gian sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh. Khi ngồi trong xe tập đi để luyện tập, bé đang bị mắc kẹt trong một không gian nhỏ, mất sự tự do để khám phá không gian xung quanh.

Bố mẹ cần lưu ý gì nếu vẫn cho trẻ dùng xe tập đi?

Nếu vẫn dùng xe tập đi cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý nhưng điều sau:

- Luôn phải theo sát trẻ bởi bé có thể tự cho xe đi khắp nhà, dễ va đập hoặc tiếp xúc với các đồ vật có hại đến trẻ như ổ điện, bình nước, bếp...

- Tránh để trẻ ngồi trong xe tập đi ở những chỗ dễ trơn trượt, đặc biệt không cho trẻ chơi ở các khu vực gần cầu thang để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra cho trẻ.

(Theo Afamily.vn)

Tin liên quan: