Năm nhạc sĩ: Trần Viết Bính, Triều Dâng, Trương Tuyết Mai, Phan Long và Văn Thành Nho tiếp tục khiếu kiện về danh sách đề nghị lên hội đồng Bộ VH-TT&DL xét tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai
Bên cạnh những bức xúc cá nhân (cả năm nhạc sĩ đều bị loại khỏi danh sách đề cử), năm tác giả này cùng thắc mắc vì sao một tác giả thuộc hàng “cây đa cây đề”, được biết đến với tác phẩm Ðất nước trọn niềm vui như nhạc sĩ Hoàng Hà cũng bị gạt khỏi danh sách.

Nhạc sĩ Phan Long (tác giả của Mẹ, Lời yêu gửi Noọng, Chợ tình Sa Pa...) bức xúc: “Nhạc sĩ Hoàng Hà không chỉ nổi tiếng với nhiều tác phẩm như: Ðất nước trọn niềm vui, Ánh đèn trên cầu Việt Trì, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, giao hưởng, hợp xướng bốn chương Côn Ðảo... mà còn được mọi người yêu mến, kính trọng bởi nhân cách. Tôi không hiểu vì sao một người như ông mà vẫn bị loại khỏi danh sách đề cử. Ở tuổi 83, ông vẫn phải viết đơn và làm hồ sơ xin xét duyệt. Nếu bây giờ không trao giải thưởng cho ông thì năm năm sau theo đúng định kỳ, biết ông có còn cơ hội!”.

Các nhạc sĩ cũng chia sẻ những khó nhọc trong việc làm hồ sơ: phải đến các đài phát thanh hay truyền hình để xin lại các bản ghi âm, ghi hình những tác phẩm từ nhiều năm trước; sao y có công chứng các bằng khen, giấy khen; các tác phẩm, công trình nghiên cứu... Mỗi bộ hồ sơ như vậy đều phải được sao y bốn bản để nộp cho hội đồng.

“Chúng tôi còn sống thì còn làm được. Chứ những người đã chết thì ai sẽ làm hồ sơ, đơn xin cho họ? Như nhạc sĩ Trần Quang Huy (tác giả của Tình biển, Ngõ vắng xôn xao, Phù sa nồng nàn, Bông hồng tặng cô, Hoa ban vào lớp...) đã qua đời thì ai sẽ làm cho ông?” - nhạc sĩ Văn Thành Nho (tác giả của Ðất nước lời ru, Xuân trăng ả đào, Tình ca Thị Mầu) tâm tư.

Các nhạc sĩ cũng e sẽ còn nhiều nhạc sĩ bị bỏ sót như trường hợp của nhạc sĩ Hoàng Hà, bởi không ai biết danh sách 40 nhạc sĩ bị loại gồm những ai.

Vậy nên nhạc sĩ Trần Viết Bính (77 tuổi, tác giả của Hạt gạo làng ta, Người bạn thiếu niên miền Nam anh hùng, ca cảnh Lời thề quyết chiến) và nhạc sĩ Triều Dâng (78 tuổi, tác giả của Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, Chiều trên sông Ô Môn...) đề xuất hội đồng cần công khai danh sách những người bị loại và biên bản có chữ ký cho từng trường hợp xét duyệt để tránh những sai sót đáng tiếc.

Nhạc sĩ Hoàng Hà (Ảnh: Sưu tầm)

Cả năm nhạc sĩ đều cho biết việc đấu tranh này không phải để có tên trong danh sách đề cử mà vì sự công bằng, minh bạch với mong muốn góp phần bảo vệ uy tín, giá trị cho các giải thưởng nhà nước.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai (tác giả Huế tình yêu của tôi) nhấn mạnh: “Chúng tôi bất bình trước những việc làm tắc trách của hội đồng. Chúng tôi không kết tội nhưng có quyền suy nghĩ những điều bất lợi cho hội đồng đề cử khi có quá nhiều đề cử chưa xứng đáng”.

Mong nhận được phản hồi chính thức từ phía hội đồng cơ sở, cả năm nhạc sĩ cũng hi vọng hội đồng sẽ sửa sai bằng cách đưa vào danh sách những tên tuổi xứng đáng và loại bỏ những người chưa xứng đáng ra khỏi danh sách mà hội đồng đã trình lên Bộ VH-TT&DL.

Theo Tuổi trẻ