- Đạo diễn, NSND Hải Ninh, một trong những cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam, tác giả của hàng loạt bộ phim kinh điển như Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông, Em bé Hà Nội đã ra đi vào 5h50p sáng 5/2, thọ 83 tuổi.

Hai cha con NSND Hải Ninh và Thanh Vân.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân, con trai của NSND Hải Ninh cho biết cách đây 10 ngày cha anh còn rất tỉnh táo và hào hứng sẽ đón Tết tại nhà vì nhiều năm ông thường ăn Tết trong bệnh viện. NSND Thanh Vân cho hay gần đây cha mình nói cảm thấy khỏe hơn nên gia đình khá tin tưởng vào sức khỏe ông đang phục hồi. "Sau cuộc đại phẫu thuật diễn ra cách đây 7 tháng, sức khỏe của ông dần ổn định hơn nhưng 10 ngày trước một cơn hạ huyết áp đột ngột khiến ông bị bại não và hôn mê sâu. 5h50p sáng nay ông đã qua đời tại Bệnh viện Hữu Nghị", NSND Thanh Vân cho biết.

NSND Hải Ninh mắc trọng bệnh, ông phát hiện khối u ở tuyến tụy cách đây 2 năm và chính các bác sĩ cũng không tin sự sống của ông có thể kéo dài đến tận bây giờ. Thời gian qua ông gầy đi nhiều và sức khỏe xuống dốc nhưng NSND Hải Ninh vẫn tích cực tham gia đọc tham luận trong hội thảo khoa học sáng tạo văn học, nghệ thuật về đ tài lịch sử hồi cuối tháng 12 tại Hà Nội. Mới đây ông còn lên tiếng đấu tranh để đòi lại nhà thủy phi cơ nằm trong Hãng phim truyện Việt Nam.

Dù sự ra đi của ông đã được tiên liệu trước nhưng việc NSND Hải Ninh qua đời sáng 5/2, ở tuổi 83, sau 10 ngày hôn mê sâu đã khiến nhiều nghệ sĩ bất ngờ. NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, những người tham gia đóng phim của ông đều rất sốc trước tin buồn này.  

NSND Thế Anh, người tham gia đóng 3 phim do NSND Hải Ninh đạo diễn gồm Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Đêm hội Long T cũng không giấu nổi niềm thương xót và tiếc nuối khi hay tin ông đã ra đi. "Riêng với bản thân tôi, việc bác Hải Ninh mất là một mất mát lớn với điện ảnh Việt Nam. Vì đó là 1 con người quá say mê, quá nhiệt tình với điện ảnh. Cách đây 2 tháng tôi còn ra HN để giao lưu, giới thiệu Em bé Hà Nội. Hôm đó trời lạnh, ông ấy mặc áo măng tô đến tham gia mặc dù gia đình và con cái không đồng ý. Ông Hải Ninh là vậy, cứ nghe tin gì về điện ảnh là lao đi.

3 bộ phim tôi hợp tác cùng ông, nhờ có ông mà tôi mới có tên. Đó là những bộ phim để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Ông Hải Ninh là một đạo diễn khó tính, chắt chiu nghệ thuật và rất tài năng. Khi làm việc thì ông rất khó tính nhưng chăm chăm chút cho diễn viên từng chút một. Ngoài đời ông sống rất tình cảm, năm nào cũng gửi thiệp chúc tết vào Sài Gòn cho tôi".

Nhà biên kịch Lê Phương, người từng cộng tác với đạo diễn Hải Ninh trong bộ phim Đêm hội Long Trì nói: "Bác Hải Ninh là người rất cẩn thận. Tôi thấy ít người coi điện ảnh nghiêm túc như bác ấy. Anh em bây giờ coi trọng việc như bác ấy ít lắm. Khi làm Đêm hội Long trì và Biệt động Sài Gòn, dù khi ấy là Giám đốc Hãng phim truyện VN nhưng ông vẫn ngồi cẩn thận dựng lại từng cảnh phim và làm việc say mê. Tôi thấy ít ai máu nghề như bác ấy. Một người tử tế, có tâm. Một đạo diễn có nhân cách, tinh thần với nghề nghiệp như vậy hơi hiếm".

NSND Huy Thành, bạn cùng lớp của NSND Hải Ninh trong khóa đạo diễn đầu tiên của Việt Nam chia sẻ: "Cũng như những người bạn thân thiết khác, nghe tin một đồng nghiệp như thế mất, tôi thấy rất tiếc. Sau Hải Ninh, lớp 16 người chúng tôi ngoài bắc chỉ còn lại Bạch Diệp, trong nam còn lại Huy Thành. Về mặt nghề nghiệp, Hải Ninh là 1 trong những người có những tác phẩm đối với VN mình gọi là kinh điển, có giá trị nhất định. Hải Ninh cũng là một trong những người xây dựng nên chỗ đứng của điện ảnh VN mình. Hải Ninh đi để lại được những tác phẩm đi vào kho sử liệu của điện ảnh đất nước. Chắc chắn vào tháng 3 tới, kỷ niệm 60 ngành điện ảnh VN, những tác phẩm của Hải Ninh sẽ tiếp tục được nhắc tới".

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết bà bàng hoàng khi hay tin NSND Hải Ninh ra đi vì thấy tinh thần của ông vẫn minh mẫn. "Anh Hải Ninh với tôi rất gần gũi. Tôi là người rất kính trọng NSND Hải Ninh bởi anh là là nhà lãnh đạo tài ba, là nhà quản lý lâu năm của Hãng phim truyện VN. Dưới thời ông, nhiều nghệ sĩ đã thành danh vì ông quý mến người có tài. Ông luôn đòi hỏi sự sang trọng, tôn trọng người nghệ sĩ. Ông quyết liệt trong công việc, muốn việc gì cũng đến nơi đến chốn nhưng cũng rất nghệ sĩ, đầy cảm thông với nghệ sĩ. Tôi  học hỏi từ ông sự say mê, hết lòng với công việc".

Lễ viếng NSND Hải Ninh bắt đầu lúc 10h sáng ngày 7/2, tức 27 tháng Chạp, tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Tang lễ tiến hành lúc 11h30 cùng ngày, an táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ.

Hạnh Phương