Triển lãm "Men đàn bà" trưng bày 24 tác phẩm cùng vẽ về những người đàn bà nhưng có những góc khai thác rất riêng - kiểu tính xấu trong những người đàn bà. 

Từ ngày 22/12/2017 đến 05/01/2018, tại Đông A Gallery, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm tranh Men đàn bà trưng bày và giới thiệu 24 tác phẩm của hai họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An.

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Không nghe - Không thấy - không nhìn của tác giả Thu An

Tại buổi khai mạc triển lãm, hai họa sĩ sẽ có buổi trò chuyện cùng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên xoay quanh con đường nghệ thuật của mình.

Cùng sinh ra tại vùng đất Đồng Hới, Quảng Bình, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An bén duyên với hội họa và suốt nhiều năm qua vẫn song hành trên bước đường sáng tác. Cả hai đều có những triển lãm cá nhân và nhóm trong thời gian trước và "Men đàn bà" là triển lãm chung đầu tiên của hai họa sĩ.

{keywords}
Căn phòng mùa đông

Chia sẻ về lần triển lãm chung này, họa sĩ Đặng Thị Thu An cho biết: "Chúng tôi đã đi nhiều nơi, vẽ cũng rất nhiều, cùng tham gia triển lãm nhóm với rất nhiều hoạ sĩ, cùng vẽ, cùng chia sẻ với nhau về quan điểm sống, quan điểm sáng tác, về định hướng nghệ thuật. Nhưng chúng tôi chưa từng triển lãm cùng nhau như thế này. Trên phương diện nguời làm nghệ thuật và là họa sĩ, chúng tôi cũng hiểu rằng nếu đã đi trên con đường nghệ thuật ấy tìm được một tiếng nói chung là không dễ. Thế nên chúng tôi muốn thực hiện một cuộc triển lãm chung lấy tên là Men đàn bà. Cuộc triển lãm trưng bày 24 tác phẩm cùng vẽ về những người đàn bà. Anh ấy làm đẹp hình ảnh "người đàn bà của anh ấy" còn tôi tôi khai thác tính xấu trong những nguời đàn bà đẹp".

{keywords}
Áo dài bay

Trong các tác phẩm của cặp vợ chồng tài hoa này, có một chủ đề nhất quán và xuyên suốt - đó là hình tượng người phụ nữ. Nhưng, chủ đề đó lại được biểu hiện bằng những chất liệu, ý tưởng rất riêng của mỗi người. Với chàng họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Huy thì nghệ thuật không ở đâu xa mà ở chính cái đẹp dung dị thường ngày. Anh từng tếu táo nói rằng: "Một trong những hình ảnh tạo dấu ấn đậm nhất, rõ nét nhất cho tôi bắt đầu sáng tác bộ tranh về những người đàn bà mập mạp mũm mĩm là từ người bạn đời của tôi".

Chính vì thế trong các sáng tác của mình, anh từ chối cái đẹp mảnh mai e ấp mà lựa chọn hình mẫu những người đàn bà đẫy đà. Không có số đo ba vòng hoàn hảo, không có khuôn mặt V-line chuẩn mực nhưng những người đàn bà ấy vẫn toát lên một vẻ đẹp mang tính bản năng, khỏe khoắn và đầy duyên dáng từ làn da xám xịt hay nâu bánh mật, khuôn mặt tròn trịa và dáng người phốp pháp.

{keywords}
Chuyện của nàng

Không còn những nét đẫy đà cùng đôi mắt hiền phúc hậu, những người đàn bà ta bắt gặp trong tranh Đặng Thị Thu An có vóc người thanh mảnh, quyến rũ, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt nhiều biểu cảm. Dường như, cô họa nên những góc cạnh muôn hình vạn trạng trong tâm thức của "tạo vật khó hiểu nhất thế gian" bằng đôi mắt. Đôi mắt ấy khi thì bình thản hiền hòa, khi lại xếch lên đầy kiêu hãnh, có lúc lại liếc ngang đố kị, và lắm phen cũng rũ xuống u buồn. Những biểu cảm ấy được lột tả một cách thái quá, đẩy những kiêu kì, ganh ghét, phô trương… trong nội tâm lên đối lập gắt gao với vẻ bề ngoài đáng yêu vốn có.

{keywords}
Bộ tranh tứ mùa thu

Qua đó, mỗi một nhân vật Nàng dường như đều đang kể câu chuyện của chính mình với những nét tính cách đương đại và phức tạp ẩn giấu bên trong tà áo dài nền nã đậm khuôn khổ truyền thống. Dù tiếp cận nghệ thuật bằng những con đường, phương thức, góc độ và quan điểm rất riêng nhưng cặp đôi nghệ sĩ trẻ vẫn gặp nhau nơi nỗi thổn thức say mê trước vẻ đẹp của người phụ nữ. Đến với tranh Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An là bước chân vào chốn vẻ đẹp thăng hoa và phô bày một chất men kì lạ - men đàn bà - thứ men khiến người đời không nhấp mà say.

{keywords}
Trong vườn hoa

Triển lãm lần này với thông điệp: “Men đàn bà là hơi men tạo nên sức sống mới, sự sáng tạo về cái đẹp, một cảm nhận khác trong cái đẹp” tiếp tục ghi dấu một chặng đường mới trong quá trình sáng tác không ngừng nghỉ của hai họa sĩ, đem lại một cái nhìn đa chiều cho giới yêu nghệ thuật và tạo một dấu ấn mới - trẻ và lạ - cho nền hội họa Việt Nam.

T.Lê