"Bất chấp nhiều người nghi ngại rằng: Việt Nam sao làm nổi musical (nhạc kịch)? thì tôi vẫn có niềm tin. Nếu không chịu làm, chỉ sợ hãi và bàn lùi, chúng ta không thể vươn ra thế giới", pianist Nguyễn Công Phương Nam.

Nhạc sĩ/pianist nổi tiếng Nguyễn Công Phương Nam, hiện đang là thành viên của Dàn nhạc Big Band Không quân Đức. Dù bận rộn với lịch lưu diễn ở nhiều nước nhưng anh vẫn tranh thủ bay đi bay về giữa Đức và Việt Nam để thực hiện mong muốn mang âm nhạc của mình đến gần hơn với khán giả quê nhà. 

{keywords}

Nguyễn Công Phương Nam từng thắng giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2010 với ca sĩ Tùng Dương bằng album Li ti.

- Âm nhạc đến với anh từ cơ duyên hay sự lựa chọn?

Tôi bắt đầu ấn tượng sâu đậm với âm nhạc lúc còn học mẫu giáo. Trong giờ chơi, bất ngờ một cô giáo bước đến cây đàn piano và chơi bài Fur Elise của Beethoven. Như một phép màu xảy ra, tôi bị âm nhạc hớp hồn, đứng thẫn thờ lắng nghe tiếng đàn.

Đến 5 tuổi, mẹ phát hiện năng khiếu âm nhạc trong tôi và bắt đầu đặt ra chương trình học nghiêm khắc. Lúc đầu, tôi chỉ học cho vừa lòng cha mẹ nhưng ít lâu sau, máu nghệ sỹ lớn dần lúc nào không hay. Tôi thích chơi nhạc nhẹ, lén tự học. Đầu tiên là bài Gimme! Gimme! của ABBA, sau đó đến Nothing’s Gonna Change My Love For You của George Benson... Đến khi đụng Jazz, tôi quyết tâm theo đuổi mộng làm nghệ sỹ thực sự.

Giữa thập niên 1980, mẹ tôi sang Đức lao động vì kinh tế gia đình khó khăn. Khi bức tường Berlin sụp đổ, tôi xin mẹ bảo lãnh sang Đức để theo học nhạc một cách chuyên nghiệp thực sự. Lúc đó, tôi 20 tuổi, đã là nhạc công chuyên nghiệp trong nước, độc lập về kinh tế và có người yêu... Sau khi sang Đức, tôi phải bắt đầu từ con số không đúng nghĩa. Vì kiến thức mình đã có ở Việt Nam chẳng là gì tại Đức.

Tuy nhiên thời gian học ở Đức, tôi đã đúc kết được bài học quan trọng nhất của cuộc đời mình. Duyên may chỉ là cơ hội. Muốn thành công, mỗi ngày, phải nỗ lực và kiên trì, không bỏ cuộc, bền bỉ luyện tập. Rồi đến một ngày, bạn trở thành một người tài năng lúc nào không hay.

- Làm sao một người Việt Nam “nhỏ bé” như anh lại có thể ghi tên vào biên chế quân đội Đức?

Chơi trong một band quân nhạc thì không cần phải phi thường gì cả, nhưng riêng với Bigband của Quân đội Đức thì khác. Họ không chơi nhạc quân hành mà đảm nhiệm các buổi diễn của Bộ ngoại giao, những event quan trọng của Chính phủ Đức, tiếp các nguyên thủ...

Để trở thành một thành viên của dàn nhạc Big Band Không quân Đức, suốt ba tháng liền tôi đã phải trải qua các kỳ huấn luyện quân sự khắc nghiệt. Giữa mùa đông lạnh giá dưới độ dưới O°C, tôi phải tập luyện thể lực như điên, để đạt tiêu chuẩn của một quân nhân. Nhiều lúc, tôi tự nhắc nhở mình rằng: không có cực hạn nào hết, mình sẽ vượt qua được. Đối với người chơi đàn piano, quý nhất là đôi bàn tay nhưng lúc đó những ngón tay của tôi rách toác, nứt nẻ vì tháo lắp súng, vì dầu mỡ máy móc... Tuyệt nhiên, không đàn không nhạc. Lúc đó, thậm chí tôi quên mất rằng mình là một nghệ sỹ.

Ngày tốt nghiệp, mặc bộ quân phục trắng của Không quân Đức, tôi hãnh diện vô cùng. Trên đường về nhà, tôi ưỡn ngực hãnh diện với bộ quân phục mà tôi, bằng chính nỗ lực của mình đạt đến. Thế rồi, khi bước về căn nhà nhở ở Born, nhìn thấy cây đàn bám bụi nơi góc nhà, nước mắt tôi cứ thế chảy ra. Cây đàn nhắc nhở tôi là ai và lý do tại sao tôi có mặt ở cuộc đời này.

{keywords}

Phương Nam là thành viên của dàn nhạc Big Band Không quân Đức.


- Trở về Việt Nam lần này, anh nhận làm Đạo diễn âm nhạc cho vở nhạc kịch nửa triệu USD 'Chuyện tình nàng Giáng Hương'. Anh có thấy mạo hiểm, khi nhạc kịch hiện vẫn là một hình thức giải trí hoàn toàn mới ở Việt Nam?

Bất chấp nhiều người nghi ngại rằng: Việt Nam sao làm nổi musical (nhạc kịch)? thì tôi vẫn có niềm tin vào dự án 'Chuyện tình nàng Giáng Hương' lần này. Nếu không chịu làm, chỉ sợ hãi và bàn lùi, chúng ta không thể vươn ra thế giới.

Đơn cử từ tôi, với uy tín cá nhân, tôi không thể làm phần nhạc qua loa cho có. Cả tháng trời, tôi tập cùng nghệ sỹ, làm việc 14 tiếng/ngày chỉ để làm nhạc, để tìm cho bằng được màu sắc biến ảo phù hợp với màu liêu trai, thần thoại phương Đông của Từ Thức lạc Thiên Thai. Tất nhiên, những bất ngờ của tiết tấu sẽ luôn là điều mấu chốt trong phần nhạc của musical.

Với tất cả những yếu tố từ ca hát, nhảy múa, diễn xuất cùng ánh sáng và sân khấu kỳ ảo của đạo diễn sân khấu người Pháp Sylvain Merille, hy vọng các bạn sẽ bất ngờ và thích thú khi xem vở nhạc kịch.

- Anh đánh giá thế nào về năng lực của nhiều ca sĩ Việt Nam hiện nay? Họ cần khắc phục điều gì để vươn xa và hội nhập quốc tế?

Đại đa số ca sĩ Việt Nam hiện nay đều yếu về nhịp phách và thiếu phong cách riêng. Thế nên nhiều ca sĩ chỉ bật lên nhờ hát ca khúc trữ tình với giai điệu đẹp, tiết tấu chậm. Chỉ cần gặp bài đảo nhịp là ca sĩ... "bơi" liền. Theo tôi, để thành công, mỗi ca sĩ cần có kỷ luật, có phong cách riêng cho mình. Và trau dồi ngoại ngữ nếu muốn vươn mình ra biển lớn.

- Riêng với các ca sĩ – diễn viên trong nhạc kịch 'Chuyện tình nàng Giáng Hương', anh tuyển chọn dựa trên những tiêu chí nào?

Nhiều ca sĩ trong vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương đáp ứng được yêu cầu của tôi, đặc biệt là về nhịp phách. Quan trọng hơn nữa là họ cầu tiến, kiên trì, không ai nói với tôi: “Khán giả của em chỉ cần tới vậy thôi”. Đó là lý do tôi ở đây, đào tạo từ từ để các em tiêu hóa từ từ (cười).

- Sau dự án này, anh có kế hoạch, dự định gì cho tương lai ở Việt- Đức?

Sắp tới, tôi sẽ làm nhạc cho một bộ phim điện ảnh sắp ra mắt và một số album cho các ca sĩ ở Việt Nam. Nói chung cũng khá bận rộn nhưng tính của tôi không bao giờ tính cái gì quá xa. Tính nhiều quá lại trở thành người nói nhiều làm ít mà tôi là người nói ít làm nhiều.

Cám ơn nhạc sĩ!

Anh Đinh (thực hiện)