{keywords}
{keywords}

2/9 các năm trước, Hòa nhạc Quốc gia Điều Còn Mãi luôn có sự góp mặt của nhạc sĩ Hoàng Vân ở hàng ghế khán giả. Năm nay nhạc sĩ Hoàng Vân không còn nữa, điều này khiến anh cảm thấy thế nào?

- Bố tôi mất đi để lại một khoảng trống rất lớn. Đó là sự trống vắng trong tâm hồn, trong ngôi nhà, trong khung cảnh đường phố mà ông thường xuyên hiện hữu. Năm nay Điều Còn Mãi chắc chắn vắng chiếc ghế của ông nhưng tôi sẽ động viên để mẹ có mặt tiếp nối những truyền thống còn sống bố tôi để lại đó là đi dự những buổi hòa nhạc của con trai mình, không chỉ riêng Điều Còn Mãi.

Điều Còn Mãi năm nay sẽ dựng 2 tác phẩm của bố tôi. Một tác phẩm hợp xướng, lĩnh xướng với dàn nhạc có tên "Việt Nam muôn năm". Tác phẩm thứ 2 là ca khúc "Hát về cây lúa hôm nay". Mọi năm tôi đều hỏi ý kiến ông như: Con định làm như này, bố có thích không? Bố thích ai hát hay bố có lời khuyên gì không?... Năm nay sự chuẩn bị đó là trống vắng, nhưng vì tôi rất hiểu ông nên cách dàn dựng sẽ có sự đồng điệu nhất định..

Sự trống vắng của bố còn trực tiếp ngay cả trong những khâu chuẩn bị vì bất kỳ làm chương trình gì ở Việt Nam bao giờ tôi cũng hỏi ý kiến ông về tác phẩm, tác giả, thậm chí cả những lời khuyên về ca sĩ, nghệ sĩ.

Clip: Nhạc trưởng Lê Phi Phi nói về cha mình - nhạc sĩ Hoàng Vân. 

- Từ khi bố mất, anh làm thế nào để lấp đầy những khoảng trống trong mình?

- Lúc ông vừa mất tôi mơ rất nhiều. Có lẽ là sẽ tiếp tục những giấc mơ nhưng quan trọng nhất là tại tâm, luôn luôn nhớ về ông. Nhớ về ông quá đơn giản vì chỉ cần nghe những bài hát của ông là đã nhớ rồi. Tôi cũng lập bàn thờ ở bên nước ngoài, nơi tôi sinh sống, làm việc. Khi làm bất kỳ món ngon tôi lại thắp hương mời ông ăn, rót ly rượu 2 cha con uống như cuộc sống ông vẫn tồn tại song song với tôi. Nhà tôi nghĩ mọi chuyện tương đối thoáng vì vậy luôn thấy sự hiện hữu của ông trong cuộc sống hàng ngày.

{keywords}

- Nhưng vì nghĩ thoáng nên trong đám tang của nhạc sĩ Hoàng Vân thiếu vắng sự có mặt của vợ anh và con trai?

- Bố tôi mất quá đột ngột ngày đưa tang lại rất gần. Con trai tôi đang đi học còn vợ phải chuẩn bị một chương trình biểu diễn đúng thời gian đó. Ở Việt Nam quan niệm những ngày như vậy dâu rể đều phải có mặt nhưng nhà tôi không quá nặng nề.

Con trai tôi ngày ông ngoại mất cháu cũng không đi ra mộ vì có những người chịu được những áp lực đó, có những người không. Tất nhiên trong trường hợp bố tôi, con trai tôi rất muốn về, vợ tôi cũng thế, nhưng không mua được vé. Tôi đã phải đi vòng 36 tiếng để có thể về đến Hà Nội kịp lo cho bố. Dù vợ và con trai không về Việt Nam dịp đó nhưng điều quan trọng nhất là sự hiện diện của họ ủng hộ tinh thần tôi.

Trong đám tang nhạc sĩ Hoàng Vân, anh khóc và nói: "Nếu như có điều ước con ước sẽ không sang nước ngoài sinh sống để có thể ở gần bố nhiều hơn, chăm sóc bố nhiều hơn". Có vẻ như chỉ đến khi bố mất đi lời tiếc nuối mới như một bản ngã bật ra trong anh?

- Hôm đọc điếu văn cũng là một ''tai nạn'' với tôi. Trước đó, tôi đã chuẩn bị một bản điếu văn rất có quy tắc như thưa, gửi, vào đề... nhưng lại để trong túi áo vest. Sáng hôm diễn ra lễ tang, tôi dậy từ 4h sáng mặc áo vest thấy nó hơi chật nghĩ nếu cả ngày hôm nay phải mặc một cái áo chật sẽ khó chịu nên thay áo vest khác. Và trong lúc thay vội vã tờ điếu văn nằm trong áo cũ. Lúc chuẩn bị lên đọc điếu văn, sờ vào túi không thấy mà đầu óc tôi cũng không nhớ mình đã để đâu. Lúc đó tất cả tinh thần, cảm xúc chân thật nhất của tôi được nói ra ngắn nhưng tình cảm và cô đọng.

{keywords}

Còn về lời chia sẻ nó đã ở trong tôi 30 năm nay kể từ khi ra nước ngoài học và sinh sống. Sự không có mặt thường xuyên ở Việt Nam là hiển nhiên, nhưng người ta luôn có câu: "Giá như được sống lại" và suy nghĩ của tôi cũng theo hướng đó. Giá như được sống một lần nữa, sống lại có lẽ tôi sẽ làm khác đi mặc dù việc tôi học và làm việc ở nước ngoài hoàn toàn tích cực vì đều được sự đồng thuận từ bố mẹ. Bố mẹ tôi hiểu rằng để học được nghề nhạc trưởng rất khó.

Và đến giờ ít nhất tôi đạt được một điều là tồn tại được với nghề của mình ở nước ngoài để phát triển cho chính bản thân. Và chính sự phát triển đó khiến tôi quay trở lại Tổ quốc để hợp tác với dàn nhạc. Thời gian 10, 15 năm cuối cùng tôi về Việt Nam rất nhiều để công tác với các đơn vị trong nước. Thực ra sự thiếu về mặt tình thần nhiều hơn vì mẹ hay lúc bố tôi còn sống đều nói rằng kể cả tôi có ở VN cũng không sống cùng bố mẹ, có thể ở chỗ nào khác. Cho nên tôi cũng không thể ngày nào cũng gặp bố mẹ được nên tinh thần quan trọng nhất.

Tôi hay nói đùa đếm số ngày giờ sống cùng bố mẹ có lẽ nhiều hơn mọi người, vì năm nào tôi cũng về Việt Nam 2 lần, nghỉ đông tháng 1 là 1 tháng, nghỉ hè ít nhất là tháng rưỡi 2 tháng. Bao giờ tôi cũng có 3 tháng sống với bố mẹ, ăn ngủ tại nhà bố mẹ. Nếu như chia đều ra 365 ngày thường mọi người sống xa gia đình có khi cuối tuần mới đến thăm ông bà 1 lần, rồi 1 tháng chưa chắc đã đủ 4 lần vì chuyện công việc, con cái học hành... vậy nên tính lại tôi cũng ở với bố mẹ không phải là ít.

{keywords}

- Ngày xưa khi bố còn sống anh có thói quen gọi facetime nói chuyện với bố mẹ hàng ngày. Bố mất, anh còn giữ thói quen đó?

- Mối liên hệ của tôi với gia đình nhiều năm qua là ngày nào cũng ít nhất phải nửa tiếng cho tới một tiếng nói chuyện với ông bà vào giờ nhất định, thường ở Hà Nội là 4-5 giờ chiều, trước khi ăn cơm tối. Thực ra hàng ngày cũng có chuyện gì để nói đâu nhưng cứ bật facetime lên để có bất cứ chuyện gì bà nói, ông nói, thậm chí có lúc 2 ông bà tranh nhau nói, cũng có lần còn dỗi nhau... Nhưng ngoài chuyện hỏi han hàng ngày quan trọng nhất vẫn là sức khỏe.

Bố mẹ tôi thường xuyên phải đi khám định kỳ, tôi luôn là người gửi kết quả cho bác sĩ để phân tích đưa ra lời khuyên... Sự giao lưu của tôi và bố mẹ hàng ngày cũng như là một phần trong cuộc sống nên xa cách cũng chỉ là tinh thần thôi còn khoảng cách rất gần. Bây giờ bố tôi mất điều quan trọng nhất là phải tập trung để lo cho sức khỏe của mẹ vì vậy tôi vẫn gọi điện hàng ngày để bà luôn thấy con trai, con gái và các cháu ở bên.

{keywords}

Thường những ngày cuối tuần tôi về thăm bà ngoại (mẹ vợ) lại bật facetime cho 2 bà nói chuyện, mặc dù cũng chả hiểu gì đâu vì một bà nói Tiếng Việt còn một bà nói tiếng Macedonia, tôi là người phiên dịch nhưng sự giao lưu cũng rất vui. Trước đây, khi mẹ tôi sang chơi, hai bà thông gia gặp nhau mẹ tôi truyền cho mẹ vợ một số bài yoga cơ bản, thái cực quyền... nên vợ chồng tôi đang tính nếu 2 bà sang ở với nhau, tập với nhau, hàng ngày nấu nướng ăn uống cũng rất vui nhưng tất cả còn đang phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ tôi.

Sức khỏe của bà hiện tại thế nào?

- Khi bố mất khoảng trống của mẹ tôi rất là lớn. Nhưng sức khỏe của bà ổn định, tinh thần minh mẫn, vẫn có thể cộng trừ 9 con số tiền tiết kiệm, đến kỳ gửi, kỳ rút... đấy là điều đáng mừng cho một người ở tuổi 84. Ngoài chuyện hàng ngày đi tập, ăn uống chúng tôi nhắc mẹ phải làm công việc trí óc để duy trì sự minh mẫn. Tôi và chị gái khuyến khích mẹ viết hồi ký vì lúc bố còn sống điều này không thực hiện được, cũng như đêm nhạc vì ông bảo không muốn.

Clip: Nhạc trưởng Lê Phi Phi nói về mẹ và điềm báo trước bố mất. 

Tôi từng khuyên ông nên viết hồi lý vì đó là tư liệu lịch sử không ai có thể viết được nhưng ông nói quá khứ có quá nhiều biến động, nếu người ta sống cuộc sống bình thường thì không nói nhưng cuộc đời ông trải qua 2 cuộc chiến tranh, bao nhiêu sự biến đổi để nghĩ lại cũng là một sức nặng. Tôi nghĩ rằng việc mẹ tôi viết các trang hồi ký cũng là một tư liệu rất tốt trước hết cho gia đình và cũng có tính xã hội, mình có thể trích đoạn, in vào những cuốn sách của bố tôi chẳng hạn.

Mẹ nói với tôi việc bố mất giống như một điềm báo trước. Bà kể trước khi ông mất ít tuần có đi ra đường chơi bình thường thích gì sẽ hay mua về, một hôm tự nhiên ông lại mua một con ngựa giấy về. Bố tôi tuổi ngựa nên nhà ông sưu tầm rất nhiều tượng ngựa. Bố tôi không phải người tâm linh nên mẹ thấy lạ thì giật mình bắt ông vứt con ngựa giấy đi. Ông không vứt mà lại để con ngựa trên gác, cuối cùng hôm ông mất đúng con ngựa ông mua trước đó được gia đình mang xuống để hóa vàng 3 ngày cho ông.

{keywords}


Anh có thể tiết lộ về con trai?

- Con trai tôi năm nay 21 tuổi, tên tiếng Việt là Linh còn tên nước ngoài là Adam. Cháu rất tình cảm nhưng không thể hiện một cách nồng nhiệt ra ngoài. Khi nghe tin ông nội mất cháu ôm tôi, không nói gì, sau đó tiễn tôi ra sân bay. Tôi sau khi đã xong việc của ông trở về Macedonia câu đầu tiên cháu nói với tôi: "Đáng nhẽ năm ngoái (2017) con phải về thăm ông bà thì ít nhất con sẽ được nhìn thấy ông", nhưng tiếc là hè 2017 đúng lúc cháu lại đang thi đại học nên rất bận.

Adam Linh không theo nghề âm nhạc theo truyền thống gia đình. Bởi vì cháu quan niệm nghề này rất khó, nghề nhạc như ngành thể thao vì luôn luôn phải tập tành. Kể cả 60 tuổi, trước khi về hưu nhưng khi biểu diễn vẫn phải tập. Vợ tôi giờ vẫn ngày nào cũng phải tập đàn. Ở nhà con trai suốt ngày phải nghe tiếng đàn của bố mẹ nên nó cứ nói đùa rằng tuổi này vẫn phải tập đàn sao?... Nhưng đó là nghề rồi vì không đánh tay nó cứng nên ngày nào cũng phải đánh.

{keywords}

Buồn cười hồi đi học tiểu học con trai tôi kém nhất lại là âm nhạc. Nhìn bảng học nhạc con viết sai hết nốt nhac, đánh nốt nào vào dòng kẻ lại lệch xuống dưới, nốt nào ở giữa 2 dòng kẻ nó lại lệch bên trên. Tuy nhiên cháu rất có thiên hướng về xã hội, nhân văn nên năm kia thi đại học chọn công nghệ nhưng học nửa năm bỏ thi môn khoa học chính trị xã hội và ngoại giao. Cháu đang rất hạnh phúc với môn đó, hiện nay đang học năm thứ nhất và toàn điểm 9 cả. Tôi hy vọng trong tương lai nghề đó sẽ hợp với cháu.

Sơn Hà
Clip: Bin Leo
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Đỗ Diễm Anh