1/ Tháng Tư năm ngoái, báo Tuổi Trẻ viết về Hai người lính - bức ảnh nổi lên gần đây vì sự độc đáo và giá trị lịch sử. Phía dưới bài in ở Tuổi Trẻ điện tử, phần độc giả bình luận có người ghi vỏn vẹn: Tôi biết người trong ảnh. Người này ký tên Nguyễn Huy Tạo, C6D2E48F320b. Tức Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320.

 

{keywords}

Thương Tín và Mộng Vân có vai ấn tượng trong “Tình khúc 68”.

Nhắc lại một chút, hai người lính ở đây là anh bộ đội và người lính quân đội Sài Gòn khoác vai nhau chụp ảnh thời điểm 1973, hai phía có khoảnh khắc không coi nhau là kẻ thù. Bài báo xác định đã tìm ra anh bộ đội, còn người lính Sài Gòn thì chưa. Thế thì độc giả Tạo biết về cái gì?

Cuối cùng, đã ngã ngũ Nguyễn Huy Tạo chính là một trong hai người lính, không phải cựu binh Dương Minh Sắc như giả thiết trước đó. (Xem báo Tiền Phong Tết Bính Thân).

Gặp Nguyễn Huy Tạo để viết bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính, tôi hỏi: “Hình như anh không ý thức được giá trị bức ảnh nên mới im lặng lâu như vậy?” Ông Tạo cười: Tôi ý thức chứ nhưng phải im lặng. Tôi còn định im lặng lâu hơn nữa.

Tôi nhìn ảnh Hai người lính, nghe chuyện của ông Tạo, của cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành tác giả ảnh, mà nghĩ về những tình huống kỳ lạ trong chiến tranh. Tình huống ngoài đời hoặc trong phim ảnh, văn chương. Văn chương, ví dụ truyện ngắn tuyệt hay Lá thư từ Quý Sửu của Bảo Ninh.

Chẵn ba chục năm trước, bộ phim Tình khúc 68 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng gây sốt các rạp Hà Nội. Riêng tôi bị choáng bởi mấy điều: Ca khúc nền của phim - Nỗi khát khao mặt trời, sáng tác Phú Quang. Vẻ đẹp của diễn viên Mộng Vân. Và chuyện phim lãng mạn. Cả gương mặt quen thuộc của Thương Tín trong vai chính đóng cặp Mộng Vân.

Phim kể chuyện cô bộ đội xinh đẹp Đài Trang chiến đấu ở đường phố Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968, bị thương. Đồng đội liều đưa cô vào nhà dân lánh nạn, may mắn họ được bác sĩ Ngân Hà giúp đỡ. Tình thế càng hiểm nghèo khi cảnh sát ập vào khám xét. Đại úy Nguyễn Việt An xuất hiện, khác hẳn vẻ sắt máu của đồng ngũ, đã thả đồng đội của Trang và đưa cô về nhà anh dưỡng thương đến khi cô lành hẳn mới lái xe đưa về tận căn cứ.

{keywords}
Cuốn hồi ký gây bão của Thương Tín

Hai người sau đó gặp rắc rối to. Trang, bị cấp trên truy vấn sao thoát hiểm dễ thế, đã không khai tên thật của An. Điều này đã cứu anh vì hàng ngũ của ta có kẻ phản bội. Hai người còn chạm trán vài lần, trong tình thế nguy hiểm hơn nữa. Nhân vật An được xây dựng tuyệt đẹp. Đẹp trai, thông minh, lịch sự, tinh tế, biết chơi piano. Vì anh, Trang từ chối đồng đội theo đuổi cô.

Cảnh cuối phim cực kỳ cảm động. Trang trở về từ nhà tù Sài Gòn, mắt cô đã mù. Vốn là văn công, nay cô có đêm diễn giữa Sài Gòn mới giải phóng. An, trang phục quân giải phóng lạ lẫm, tình cờ ngang qua nhà hát và họ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi ngay trên sân khấu. Giây phút họ gặp lại, ca khúc Nỗi khát khao mặt trời vang lên hoàn hảo.

Phim có một đôi chỗ vô lý nhưng giờ xem lại vẫn được. Có điều, ba chục năm trước, đã lấy làm tiếc sao không xây dựng An là người tốt của bên kia, không nhất thiết “đằng mình”. Đây là một đoạn thoại phim: “Lẽ nào viên đạn bắn vào tôi lại không phải từ họng súng của ông”. “Đúng thế”. (Khi Trang bị thương, trú trong nhà An). Và khi An nói “Tuy cùng mặc một sắc áo nhưng con người có thể khác nhau”, cô hỏi lại: “Sao ông phải cùng sắc áo với họ” “Chiến tranh mà”.

Ngay từ hồi đó, đã tự hỏi, sao không xây dựng nhân vật phức tạp hơn, cốt truyện phức tạp hơn. Sao cứ phải người mình mới tốt, đẹp, đáng yêu. Từng có những nhân vật phản chiến thú vị trong phim ảnh, văn chương. Một chiến sĩ hoạt động trong lòng địch đã hay rồi nhưng sẽ khó cho nhà làm phim, khó cho cô văn công Đài Trang hơn nữa nếu đó là người của phía bên kia.

Hay điện ảnh hồi đó chỉ có thể làm được thế? Chẵn ba chục năm sau đổi mới, bốn chục năm đất nước thống nhất, cựu binh Tạo trên kia còn nghĩ sự xuất hiện của anh và những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính là hơi sớm, dễ bị đánh giá mất lập trường cơ mà?

2/ Nghĩ về bức ảnh Hai người lính, bộ phim Tình khúc 68, để rồi phải mở trang hồi ký Thương Tín một đời giông bão và nhớ lại những phim làm nên tên tuổi anh: Bài ca không quên, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Săn bắt cướp...

Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng là vai phản diện xuất sắc của Thương Tín. Cộng với vai chính diện không thể hay hơn (phim nội) - Nguyễn Thành Luân, cặp diễn viên tên Tín trong Ván bài lật ngửa đã khiến đội hình nam diễn viên miền Bắc hồi ấy lu mờ. Sự hâm mộ của khán giả là không sao kể xiết.

Thời đó, thập kỷ cuối 80 thế kỷ trước, nghe những giai thoại như: Thương Tín đi ăn phở ở Hà Nội, kinh ngạc thấy không ai chầm bập anh. Ở trong kia anh khó mà yên khi ra đường. Thực ra kiểu hâm mộ của người Hà Nội khác miền Nam, chỉ đứng ngắm từ xa nhưng câu chuyện về hai anh Tín thì len vào bữa cơm từng nhà.

Trong hồi ký, tuyệt nhiên không thấy Thương Tín kể đã đóng chác ra sao những vai diễn lớn của đời mình. Một vai như đại úy An, làm xiêu lòng bao thiếu nữ (vào mạng sẽ thấy, đến giờ nhiều người vẫn nhắc lại đầy mê mẩn) nhưng không được anh ưu ái dành cho một dòng.

Vai Tám Thương trong Bài ca không quên cũng vậy. Thấy Thương Tín khen bài hát nền hay, khiến Cẩm Vân nổi tiếng đến giờ, nhưng diễn viên chính Thương Tín không có gì để kể. Hay là khi đóng Lưu Kỳ Vọng, Việt An, Tám Thương... anh cũng ơ thờ như đóng Sáu Tâm - biệt động Sài Gòn. “Khán giả rất thích Sáu Tâm nhưng đây là phim tôi đóng thờ ơ nhất”.

Có thể anh chuyên nghiệp đến mức không cần xúc cảm vẫn diễn tốt. Như anh thú nhận: “Tôi may mắn được tổ đãi, ở ngoài thì bèo nhèo nhưng máy quay khởi động thì lập tức thành người khác”. Cho nên mới phải xoay qua chuyện tình ái?

Vai trong Ám ảnh được Thương Tín cho biết đã ám ảnh anh đến giờ, tiếc rằng anh nhớ sai tên nữ đạo diễn: Đức Hoàn, không phải Đức Hoàng.

Hay đây mới là hồi ức chuyện tình, còn chuyện nghề hẹn cuốn sau? Cách mà Thương Tín kể khiến người ta nghĩ hình như anh không có gì nhiều để kể thì đúng hơn. Bởi nếu có, dù chỉ lướt qua, sẽ khiến khán giả dễ hình dung hơn về một nghệ sĩ có sự nghiệp đồ sộ.

Chúng ta vẫn nói “Yêu như là sống”. Người ta yêu thế nào thì sống thế ấy. Thương Tín hồi ức: “Có người nói với tôi, phụ nữ thấy ông là mê. Ông có bí quyết gì”. “Có bí quyết gì đâu. Chẳng qua thời xưa thông tin ít ỏi, làm gì có internet nên làm quen đâu dễ. Phim ảnh Mỹ, Pháp phát triển nhưng trong nước thì chỉ được coi phim Liên Xô và Đông Âu. Thần tượng của mọi người chỉ loanh quanh phim Việt Nam. Là tôi hên, gặp thời mà thôi”.

Chắc anh khiêm tốn mà nói thế chứ anh có vẻ đẹp riêng mà chỉ người trong cuộc biết. Nhưng kể cả lý do anh được phụ nữ yêu là gì đi nữa, chỉ vì anh là ngôi sao điện ảnh nổi tiếng và có mã đi nữa, còn anh lên giường hết người này người kia nhưng rất khó yêu ai bởi đó là số (phận) đi nữa, thì lẽ ra anh và người chấp bút nên biết cách cắt nghĩa hơn. Những chuyện đó cũng hay mà. Chuyện tình ái đâu chỉ có giường chiếu, và giường chiếu ra giường chiếu thì đó là văn học! Hay anh chỉ có thế thật, không hơn? Độc giả đành bằng lòng với giải thích sơ sơ trên kia của anh?

Thương Tín và người chấp bút thanh minh: Chính vì từng sống bạt mạng, vô trách nhiệm nên mới phải ra hồi ký để sám hối. Có vẻ “sám hối” chỉ nảy ra khi bị một số độc giả phản ứng. Nếu cuốn sách có mục đích này thật: Bạn trẻ đọc nó để rút kinh nghiệm răn mình, thì cũng tốt. Tiếc rằng cũng chưa đạt được.

Và kể cả bây giờ nghèo, già, xấu đi, từng lỗi lầm, anh vẫn có thể giữ được vinh quang xưa cũ. Ai chẳng từng lầm lỗi? Việc anh thật thà kể trên báo rằng anh giờ xuống dốc nhưng không bao giờ ngửa tay xin ai (ngầm so sánh với đồng nghiệp trùng tên), hy vọng chỉ là cái bẫy của nhà báo. Bởi khi người ta tự trọng, người ta không cần nói về điều đó.

Cho nên, đọc hồi ký Thương Tín, nhớ lại những vai diễn tốt nhất của anh, nhớ một nam tài tử dạng hiếm, gương mặt cá tính, đôi mắt đẹp sắc lẹm, cảm giác tiêng tiếc thế nào. Hay là, như người ta vẫn nói và chúng ta đành bằng lòng rằng tác phẩm thường lớn hơn người làm ra nó một chút. Vừa qua một số bạn đọc phản ứng thái quá có lẽ cũng vì quá yêu các nhân vật của mình mà thôi.

Theo Tiền Phong