- "Đối với người Việt, làm phim cổ trang vẫn là một con đường rất gian nan, rất dài". -hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức khẳng định.

Làm phim không khác gì chui vào giá treo cổ 

'Lịch sử hay lắm, không vớ vẩn như phim'
Có gì trong tay mà làm phim cổ trang
Thách thức khi làm phim "mặc giáp sắt cưỡi ngựa"
Chuyện lùm xùm quanh phim "Huyền sử Thiên đô"
Nháo nhào tìm kiếm diễn viên phim cổ trang


Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức thường được trong giới gọi bằng cái tên Đức "nhà sàn". Anh là con trai thứ của cố nhà văn Kim Lân và là em ruột của hoạ sĩ Thành Chương. Nguyễn Mạnh Đức là hoạ sĩ thiết kế bối cảnh phim có tiếng với hàng loạt dự án phim cổ trang như: Long Thành cầm giả ca, Thời xa vắng, Lều chõng và một số bối cảnh, đạo cụ cho phim Hạt mưa rơi bao lâu... Mới đây anh giành giải Họa sĩ xuất sắc nhất tại giải Cánh diều 2011.


Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (giữa) nhận giải Cánh diều hồi  tháng 3/2011 tại TP.HCM.

Hoạ sĩ thiết kế bối cảnh có thể nói là nhân vật quan trọng bậc nhất quyết định sự thành bại của một bộ phim cổ trang. Chính họ là người sẽ trao cho bộ phim hình hài và hồn cốt Việt Nam. Tiếp tục mạch bài mổ xẻ dòng phim này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức để tìm hiểu về công việc của anh cũng như những thách thức mà các hoạ sĩ phải đối mặt khi làm bối cảnh cho phim lịch sử.

Nghe nói trước đây anh đã từng thiết kế bối cảnh cho phim Mùa Hè chiều thẳng đứng của đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng?

Không, tôi chỉ là người hỗ trợ cho Trần Anh Hùng, tham vấn cho anh ấy về đạo cụ của người Việt chứ không đặt vấn đề là một công việc.


Đến nay anh đã làm hoạ sĩ thiết kế cho bao nhiêu phim rồi và trong số đó có bao nhiêu phim cổ trang?


Phim của Trần Anh Hùng là phim đầu tiên giúp tôi hiểu một chút về những mối quan hệ trong ngành điện ảnh. Còn phim chính thức đầu tiên tôi thiết kế một số bối cảnh cho Hạt mưa rơi bao lâu của chị Đoàn Minh Phượng. Phim thứ hai là Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh. Nhưng với phim này tôi cũng không đặt hoàn toàn tâm sức vào đó mà có tính chất tổ chức là chính và để hai hoạ sĩ khác trực tiếp làm. Chỉ khi dựng những bối cảnh lớn tôi mới tham gia còn không theo đoàn từ đầu đến cuối dù là hoạ sĩ thiết kế chính. Bộ phim tôi tham gia đầy đủ từ đầu đến cuối sau đó là Lều chõng của anh Nguyễn Thanh Vân. Tiếp theo là Long Thành cầm giả ca
Đinh Tiên Hoàng Đế.


Làm phim cổ trang trong bối cảnh hiện đại, là họa sĩ thiết kế bối cảnh cho phim anh đã phải đối mặt với những khó khăn gì?


Để tìm được một không gian rộng, tương đối thật lại không bị ảnh hưởng bởi yếu tố đời sống bên ngoài vào là tương đối khó. Vì ngay cả một ngôi nhà cổ bây giờ bước vào cũng đầy rẫy những thứ thuộc đời sống mới như cột điện, dây ăng ten, đèn đóm... Bản thân đồ trong nhà và những hình ảnh của cuộc sống hiện đại cũng vào không gian đó rất nhiều mà mình thì vẫn chưa có một phim trường. Thêm nữa, kinh phí để dựng ra một khu vực tương đối hoàn thiện không đủ để thực hiện. Cho nên chúng ta rơi vào tình trạng đa phần quay ở những góc hẹp, tổng thể lớn chung để đưa vào những khu vực chi tiết rất hạn chế.


Kể cả Thiên đường Bảo Sơn, khu vực xây dựng theo mô hình phố cổ thực ra thời ông Nguyễn Du, Nguyễn Trãi hay xa nữa thì cũng đã không đúng rồi. Kể cả phủ Thành Chương cũng vậy, vẫn là lối tiện nghi mới bây giờ. Đó là một không gian chung có nhiều yếu tố của đời sống sau này đưa vào. Khó khăn nữa là giải quyết giữa quan niệm của người xem, của các nhà sử học đối với phim ảnh - loại hình nghệ thuật riêng biệt, hay trong nội bộ đoàn làm phim cũng đã có những quan điểm không thống nhất. Đây là điều đè nặng lên tất cả các đoàn làm phim cổ trang hiện nay. 


Với những đạo cụ, bối cảnh để hiểu rõ ngày xưa như thế nào thì cũng không phải có nhiều người nắm được. Không thể loay hoay mãi với ao chuôm, nhà cửa lụp xụp được mà bắt buộc người ta phải nâng nên thành một không gian lớn hơn, quy mô hơn. Nhưng xác định lớn hơn như thế nào mà vẫn giữ được tinh thần để ai xem cũng bảo đó là người Việt Nam là điều rất khó khăn và vẫn đang gây tranh cãi rất nhiều. Tư duy của người Việt càng phát triển lên đến đỉnh cao thì lại càng gần với Trung Quốc nhiều hơn.


Cảnh trong phim "Long Thành cầm giả ca".


Nói đến chuyện giống Trung Quốc, khi xem "Long Thành cầm giả ca" nhiều người có chung cảm nhận đây là một bộ phim thuần Việt, từ bối cảnh đến phục trang. Trong quá trình thiết kế bối cảnh cho phim, anh có phải suy nghĩ nhiều đến việc phải tránh tuyệt đối cái này cái kia có thể giống Trung Quốc?


Điều đó cũng không có gì đáng phải tránh đâu. Tôi cũng không tránh cái gì cả. Cái quan trọng nhất là người nghệ sĩ cảm nhận được đâu là hồn Việt, đâu là thần thái của người Việt. Có những thứ ở trong phim tôi dùng đồ Trung Quốc thật chứ không phải không. Nhưng người Việt Nam dùng ô tô không giống như người Tây dùng ô tô. Người Việt Nam dùng đồ Trung Quốc không giống người Trung Quốc dùng đồ Trung Quốc. Vậy thì cái gì bảo đó là người Việt thì chỉ ở là chuyện cảm thụ thôi.


Tôi lấy ví dụ, cùng là bày đồ sứ Trung Quốc trong nhà nhưng người Việt bày khiêm tốn hơn, không trưng diện. Trong không gian sống chung của người Việt có thần thái riêng. Cũng ăn bằng đũa nhưng người Việt dùng đũa khác người Trung Quốc, trong một không khí khác, tinh thần khác. Người Việt vốn từ văn hoá lúa nước, đời sống bề bộn nên đồ đạc đưa vào không gian không có tính chất trưng diện mà phải dẫn vào không gian người ta đang sống. Người Việt có thói quen sống với đồ chứ không bày đồ ra một không gian riêng biệt chỉ để ngắm.


Khi nhận làm hoạ sĩ thiết kế bối cảnh cho "Long Thành cầm giả ca", anh mất bao nhiêu thời gian cho nó?


Thời gian rất ngắn. Các đoàn làm phim bằng kinh phí nhà nước rất khổ. Quá trình đi quay có thể kéo dài 2-3 tháng. Tôi làm việc với đoàn trước đó chừng 2-3 nữa nhưng đi chỉ là để xem xét bối cảnh, chọn khu vực mình sẽ thực hiện thôi. Việc chuẩn bị cho nó với ý nghĩa thực thi dự án này chỉ có thể triển khai khi có tiền rót về. Do vậy từ lúc tôi nhận được tiền chỉ còn 5 ngày là phim bắt đầu quay nên khá vất vả và phải làm cuốn chiếu. Khi đang thực hiện tại Bắc Ninh thì mình đã phải triển khai ở thiên đường Bảo Sơn rồi, trong quá trình làm ở Bảo Sơn thì đã phải triển khai ở Sơn Tây rồi và khi ấy thì đã phải có người chuẩn bị ở phủ Thành Chương. Dù bối cảnh có sẵn nhưng khi quay vẫn phải đưa đồ của mình vào quay, thay đổi toàn bộ cấu trúc trong nhà. Thời gian rất gấp rút và căng thẳng.


Theo anh thì thách thức lớn nhất đối với hoạ sĩ khi thiết kế bối cảnh cho một bộ phim cổ trang ở VN là gì?


Cái khó nhất là đối với đời sống hiện nay, khi kinh phí của một đoàn làm phim quá thấp như vậy và với tư liệu quá ít như vậy mà làm một bộ phim vẫn mang hồn Việt song vẫn phải có tính thẩm mỹ cao là thách thức lớn nhất.


Anh có thể tiết lộ kinh phí dành riêng cho thiết kế bối cảnh trong Long Thành cầm giả ca?


Toàn bộ bối cảnh, đạo cụ, vận chuyển, đi lại... là 1,1 tỉ đồng. Quá ít!


Nguyễn Mạnh Đức tham gia thiết kế 1 số bối cảnh cho phim "Hạt mưa rơi bao lâu".


Với những khó khăn chồng chất như vậy, tại sao anh vẫn chọn dòng phim này?


Thứ nhất, khu vực này là khu vực mình hiểu biết. Tôi vốn theo đuổi, yêu mến nó từ lâu rồi. Với văn hoá dân gian, văn hoá Việt cổ tôi là người chơi với nó, sống với nó nên cũng khá là thuận lợi trong những điều kiện mình hiểu biết được. Thứ hai, vì nó còn rất mới, chưa được xác định một cách đầy đủ nên mình muốn tham gia. Khi làm tôi muốn nó có tính khẳng định văn hoá truyền thống của người Việt có thể làm nên những bộ phim rất tốt về mặt hình ảnh, từ màu sắc đến đạo cụ, bối cảnh, trang phục. Cuối cùng, quy mô một bộ phim có thể như vậy hoặc hoành tráng hơn thế vẫn làm được với điều kiện mình hiểu được tinh thần của người Việt.


Khi được trao giải Cánh diều cho Hoạ sĩ xuất sắc nhất cho phim "Long Thành cầm giả ca", anh nghĩ gì?


Tôi chỉ có suy nghĩ rằng: đối với người Việt, làm phim cổ trang vẫn là một con đường rất gian nan, rất dài và một mình tôi không giải quyết được gì. Với một giải thưởng cho một bộ phim như thế trong giai đoạn khởi đầu vẫn còn là quá dễ. Nếu mọi người đều hiểu biết và các họa sĩ cùng tham gia thì mới có thể công bằng, cạnh tranh.


Hạnh Phương