Điều gì đã khiến nhiều độc giả Việt “ngốn” gần 900 trang tiểu thuyết “1Q84” của Haruki Murakami, mà vẫn háo hức chờ đợi tập thứ ba của cuốn sách?


Hai tập đầu tiên của tiểu thuyết “1Q84” được xuất bản lần lượt tại VN vào năm ngoái, có phần chậm hơn so với thế giới. Khi mà tin tức về độ nóng của cuốn sách tại nhiều thị trường đã được truyền tới, gây ít nhiều tò mò cho những ai hâm mộ nhà văn 64 tuổi người Nhật Haruki Murakami.

 

{keywords}

Nhà văn người Nhật Haruki Murakami. Ảnh: The Guardian

Nhưng ngoài tiền đề ấy, việc “1Q84” có mặt nhiều tuần lễ trong danh sách bán chạy của một số kênh phát hành tại VN, cũng là một xác nhận cho tính hấp dẫn và cuốn hút của bản thân cuốn sách. Đồng thời buộc người ta đặt dấu hỏi: làm cách nào một tiểu thuyết tâm lý lại đủ sức lôi kéo người xem miệt mài dõi mắt qua hàng trăm trang sách, mà khi kết thúc, tổng dung lượng của nó ước chừng lên tới 1.500 trang?

Những ai đã chìm đắm trong thế giới hiện thực đầy những chuyện kỳ ảo của “1Q84” hẳn đều vương vấn những câu hỏi quan trọng còn để ngỏ ở cuối tập hai. Những câu hỏi, dù là người khó chịu vì sốt ruột muốn biết hay phó mặc cho câu chuyện lộ ra, ai nấy đều muốn bước đến tập cuối cùng của nó để tường tận ngọn ngành.

Tạo ra được niềm kỳ vọng luôn là điều kiện cần phải có, nếu tiểu thuyết gia muốn dẫn dắt người đọc đi hết từ tập sách này tới tập sách khác. Nhưng đó luôn là thành công đi kèm với nguy hiểm tiềm ẩn.

Những tác phẩm trước đó như “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”, “Kafka bên bờ biển” hay “Biên niên ký chim vặn dây cót” cho thấy Murakami luôn biết cách dẫn dụ người đọc dấn sâu vào thế giới hiện thực vừa chia sẻ với người đọc những trải nghiệm sống gần gũi, thân quen và tinh tế, lại vừa giăng mắc làn sương mù quyến rũ của những chuyện kỳ ảo lạ lùng.

“1Q84” không ngoại lệ. Trong hai tập đầu, Murakami tiếp tục dụng công một kết cấu quen thuộc trong nhiều tác phẩm của ông, đó là trần thuật hai câu chuyện riêng biệt của hai nhân vật chính, xen kẽ qua từng chương sách. Cùng diễn ra từ cuối mùa xuân ở Tokyo năm 1984, Tengo – một thầy giáo dạy toán ở trường dự bị đại học và làm bán thời gian công việc biên tập sách, viết báo – bất ngờ bị lôi kéo vào vụ gian lận viết lại một tác phẩm dự thi văn chương mà anh là người đọc sơ tuyển.

Còn Aomame – nữ huấn luyện viên thể lực, kiêm sát thủ chuyên ám sát những gã đàn ông vũ phu bạo hành phụ nữ - chấp nhận phi vụ quan trọng và khó khăn cuối cùng, sẽ làm thay đổi cuộc đời cô mãi mãi. Theo từng cách khác nhau, cả hai nhận ra họ đang mắc kẹt trong một thế giới là “phiên bản khác” của năm 1984, mà Aomame tạm gọi là “năm 1Q84” với chữ Q (Question) hàm ý những câu hỏi còn để ngỏ.

{keywords}

“1Q84” tập một và hai ra mắt lần đầu cùng lúc tại Nhật Bản vào tháng 4/2009

 

Kết cấu hai câu chuyện song song quả đã tạo hiệu ứng như một thứ từ trường khiến dòng ý thức của người đọc luôn nhạy cảm với bất cứ “dấu hiệu” nào có thể kết nối hai câu chuyện lại với nhau. Như thể người chơi trò ghép hình, ông đã thành công trong việc dịch chuyển hai thế giới từ song song độc lập đến hòa nhập vào với nhau, diễn ra trong nỗ lực hai nhân vật chính nhận ra họ đang tìm kiếm nhau và đã thuộc về nhau từ kiếp nào. Trong quá trình ấy, khi việc kể lể lối sống và sự lựa chọn cách sống của các nhân vật đã thành dông dài, ông bất ngờ tung chi tiết bí hiểm hoặc kịch tính làm người đọc khó lòng buông bỏ số phận của họ. Yếu tố kỳ ảo đã giúp ông làm rất tốt nhiệm vụ này.

Mặt khác, ông luôn dụng công mô tả kỹ chuyện các nhân vật nghe nhạc gì, nấu và ăn món nào, ngồi quán bar ra làm sao, làm tình như thế nào, lang thang trên phố hay ngồi tàu điện ngầm rồi nghĩ về quá khứ mất mát cùng hiện tại trống rỗng …Bởi ít nhất, nó giúp ông tạo hình các nhân vật của mình vừa gần gũi với văn hóa đại chúng thời toàn cầu hóa, lại vừa có không khí thi vị, lãng mạn theo đúng nghĩa tiểu thuyết. Phải chăng lý do này khiến có ý kiến chê tác phẩm của ông là “có mùi bơ sữa”?

Hành trình số phận của Tengo và Aomame sẽ kết thúc ra sao là điều còn chờ độc giả ở tập ba chuẩn bị ra mắt qua chuyển ngữ của dịch giả trẻ Lục Hương, người đã dịch hai tập đầu. Rất có thể đó tiếp tục là cái kết không gây hài lòng, bởi đây luôn là điểm yếu nhất trong nghệ thuật tiểu thuyết của Murakami.

Nhưng dù vậy, ông sẽ luôn có được số lượng độc giả trung thành đông đảo bởi cách ông mang lại cho họ cuộc phiêu lưu đi qua những suy tư, những miền cảm xúc tinh tế khác nhau, khi lạ lùng khi gần gũi. Mà khi trang sách cuối cùng gấp lại, đó mới là điều quan trọng. “1Q84” ăn khách cũng dễ hiểu bởi chứa đầy những thi vị như vậy, nào là chuyện nhìn thấy hai mặt trăng, “giao hợp hiểu theo đa nghĩa”, rồi lạc tới thành phố mèo…

Dù rõ ràng, không phải ai cũng đồng ý với ông từ góc tiếp cận này để chạm tới những đề tài nghiêm túc và nhức nhối của thời đại như các giáo phái cực đoan và bạo lực gia đình.

Minh Chánh