- Lựa chọn chanh cốm, giải trí hay sâu sắc, cổ điển là tùy ca sĩ, khán giả. Nhưng nếu chọn giá trị, hẳn người ta sẽ tìm đến những thương hiệu như Vũ Khanh – Ý Lan.

Mỗi khi bị phê phán hát giọng bị vênh, phô hoặc vướng sự cố như lộ hát nhép, các ca sĩ đều vin vào và đổ cho những lỗi khách quan như chất lượng kỹ thuật âm thanh, yêu cầu truyền hình trực tiếp. Nghe, xem hai giọng ca Vũ Khanh – Ý Lan hát sống ấn tượng trên sân khấu phòng trà Tiếng Xưa, TP.HCM trong hai đêm 2 – 3/6/2012, không khỏi liên tưởng đến những màn ra rả đổ lỗi của các ca sĩ thiếu bản lĩnh để đưa mình vào chỗ ngụy biện đó.

Vũ Khanh và Ý Lan trên sân khấu phòng trà Tiếng Xưa tối 2/6. Ảnh: V.Tiến

Không gian sân khấu nhỏ, chất lượng âm thanh ánh sáng chưa phải là chuẩn nhất, hoặc hoành tráng kiểu lấy thịt đè người như các sô diễn của những giọng ca thị trường, nhưng Vũ Khanh – Ý Lan đã làm cho người thưởng ngoạn có nhiều hơn những giây phút tưởng chừng đây mới là thánh đường ca hát.

Cứ cho là Vũ Khanh có sức khỏe mà ông đùa “còn giai, còn dai” để hát liên tục mỗi đợt gần chục bài không nghỉ giải lao. Nhưng bài nào, dù “Phượng hồng”, “Khúc thụy du” hay “Áo lụa Hà Đông”, “Cô hàng nước”, cũng làm người nghe nổi da gà hoặc phải nhổm dậy trên ghế, thì Vũ Khanh quả là gừng càng già càng… hay.

Một điều mà các giọng ca hậu sinh lẫn những MC ngày nay phải xách bị gạo theo Vũ Khanh học nghề là không chỉ hát hay, ông còn là người dẫn chuyện rất ngọt. Vũ Khanh làm mê hoặc toàn bộ khán giả bằng giọng hát của mình, và hoàn toàn làm chủ sân khấu bằng những câu chuyện có vẻ như có thật để dẫn vào ca khúc mà ông sắp hát.

Hết Vũ Khanh đến Ý Lan, hoặc cả hai, cùng phiêu trong những bản tình ca làm nên thương hiệu đôi song ca vàng mười từ hải ngoại, và cùng tung hứng những câu chuyện làm quà cho khán giả mà phải rất hiểu nhau mới có thể hấp dẫn đến thế. Nếu phải dẫn ra đây, sẽ làm hỏng những câu chuyện đó, bởi nó hay khi nằm trong không gian, bối cảnh của sân khấu, với chất giọng, ngữ điệu của Vũ Khanh và cả tiếng cười của “người đàn bà đẹp từng centimét” Ý Lan.

Sẽ không phải phép khi nói đến một đêm nhạc mà lại không có nhận xét nào về âm nhạc. Nhưng càng không phải phép nếu đánh giá khi Vũ Khanh – Ý Lan phong độ vẫn vàng mười như thế. Âm thanh có lúc bị giật rột rẹt, dù hát với dàn nhạc, hay chỉ với tiếng dương cầm của nhạc sĩ Bảo Chấn, Vũ Khanh và Ý Lan vẫn không cho người xem... kịp chớp mắt. Thậm chí, khán phòng của phòng trà Tiếng Xưa có những góc xem không thuận, có vài vị khách tầm nhìn bị vướng cột nhà vẫn say sưa nghe, nhẩm hát theo, không nhất thiết lúc nào cũng cần nhìn thấy ca sĩ.

Đến đây, lại liên tưởng đến những giọng hát mà khán giả phải nhìn thấy mặt thì mới biết đó là ca sĩ nào. Và chuyện những trò diễn, áo xống chói lóa khỏa lấp giọng hát nhạt nhòa. Với những giọng ca như thế, thì phải hội đủ hai yếu tố nhìn thấy mặt và chứng kiến trò phụ trợ mới thành một ca sĩ, mới ra một tiết mục. Dẫu biết đó là điều tất yếu của một đời sống âm nhạc, lựa chọn chanh cốm, giải trí hay sâu sắc, cổ điển là tùy ca sĩ, khán giả. Nhưng nếu chọn giá trị, hẳn người ta sẽ tìm đến những thương hiệu như Vũ Khanh – Ý Lan.

Vũ Khanh bảo sau lần đầu tiên trở về hát trên quê nhà vào tháng 3/2012 sau hơn 20 năm, những tưởng sẽ rất lâu ông mới có dịp quay lại. Nhưng ông đã có mặt ở đây, để hát cho những người yêu tiếng ca và mến tính cách của ông. Giữa vài pha ồn ào trong sự bão hòa của sân khấu ca nhạc hiện nay, sự xuất hiện của Vũ Khanh (và Ý Lan) là một giá trị. Giá trị của một trong những giọng ca nam hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.

Võ Tiến