- Mất cha từ năm lớp 8, Thành Tài vẫn luôn đau đáu về tâm nguyện hãy thay cha theo đuổi con đường ca hát. Đến với sân khấu 'Hát mãi ước mơ', chàng trai nghèo hi vọng mình có thể hoàn thành lời trăng trối cuối cùng của cha.

 

Thí sinh 22 tuổi Võ Thành Tài xuất hiện tại Hát mãi ước mơ đã gây chú ý bởi ngoại hình rất sáng. Thành Tài sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, ba là công nhân và mẹ gánh chè đi bán, cuộc sống cơ cực nhưng vui vẻ, hạnh phúc. Năm Thành Tài lên lớp 8, cha cậu bị chẩn đoán ung thư và cuối năm, cha cậu qua đời. Trước khi mất, cha đã dặn dò cậu con trai út hãy giúp cha hoàn thành ước mơ ca hát mà ông đã không thể làm được.

Câu nói đó khiến Thành Tài trăn trở, biến nó thành động lực để cố gắng. Tài tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM, chuyên ngành Thanh nhạc. Thế nhưng, gia cảnh không cho phép chàng trai trẻ tiếp tục đam mê. Mẹ cậu đã buôn gánh bán bưng suốt bao năm nuôi ba người con trai lớn khôn. 

Thành Tài đành tạm gác chuyện ca hát sang một bên, làm công nhân để phụ giúp gia đình, đỡ đần cùng mẹ. Chàng trai sở hữu ngoại hình sáng sân khấu, chất giọng vang, tình cảm. Thành Tài hi vọng được hát cho người mẹ tần tảo nuôi con, hát cho ước mơ còn đang dang dở của người cha.

{keywords}
Thí sinh 22 tuổi bước lên sân khấu, như đong đầy tâm trạng trong ca khúc Gánh hàng rong. Mẹ Thành Tài không giấu nổi niềm tự hào, khen con trai hát hay và giống cha ở khoản ca hát.

Danh hài mong Thành Tài mạnh mẽ, có cá tính, đột phá, tự tin hơn vào bản thân mình. Trấn Thành đã khơi dậy trong chàng thanh niên lòng quyết tâm theo đuổi đam mê bởi câu nói: “Nỗi đau là vết sẹo cho những người sợ nó nhưng là vũ khí cho những ai biết tận dụng nó”. Kyo York thấy được sự đặc biệt của Thành Tài ở nỗi đau, sự xúc động của cậu khi kể chuyện bằng bài hát. Kyo York cũng rưng rưng cho biết, được một lần hát, nhìn xuống thấy mẹ của mình cũng là mơ ước dang dở của bản thân anh.

{keywords}
Trấn Thành nhắc nhở Thành Tài nếu muốn trở thành ca sĩ thì điều trước tiên là phải có tự tin, trong khi cậu thanh niên lại co ro trên sân khấu.

Trải qua 3 vòng thi, nhờ chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả, cùng với sự đánh giá cao của bộ ba giám khảo Trấn Thành- Cẩm Ly- Kyo York, Võ Thành Tài là thí sinh đạt điểm cao nhất, trở thành người chiến thắng với số tiền thưởng 50 triệu đồng. Chiến thắng này mở ra cho chàng trai 22 tuổi cơ hội thực hiện ước mơ ca hát chuyên nghiệp, viết tiếp nguyện vọng của cha và của chính mình.

Tập 5 của Hát mãi ước mơ cũng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của các thí sinh khác. Những ước mơ được hát lên với nhiều cung bậc cảm xúc, lay động người xem.

{keywords}
Mở đầu chương trình là câu chuyện của giáo viên dạy thể dục của trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông- thầy Trần Quang. 

Tuy cuộc sống khó khăn, thầy Quang vẫn đau đáu cho trường hợp của cô học trò lớp 3 Nguyễn Ngọc Thảo My. Thảo My từ nhỏ đã phải sống cùng căn bệnh sắc tố da quái ác, khiến những đốm đen nổi lên khắp người. Cô bé 8 tuổi luôn tủi thân vì bạn bè xa lánh, thậm chí bị trêu chọc là “chó đốm”. Theo lời bà của Thảo My, muốn chữa trị cho phần tay và mặt của bé sẽ tiêu tốn khoảng trăm triệu, vượt xa khả năng của gia đình chứ chưa dám nghĩ đến chữa cả người. 

Hiệu trưởng trường Vàm Cỏ Đông cũng bày tỏ nguyện vọng khi chương trình phát sóng, các bác sĩ biết được hoàn cảnh của bé sẽ tìm ra hướng chữa trị, hỗ trợ cô học trò nhỏ có ngoại hình bình thường như các bạn khác, để cô bé tự tin tiếp xúc với bạn bè và xã hội.

{keywords}
Kyo York thật sự xúc động cho sự dũng cảm của Thảo My và khen thầy Quang chọn bài hát đúng chủ đề về tương lai, về việc vươn lên trong cuộc sống.

 

{keywords}
Kế đến là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Hạnh Dung, người khiếm thị, hát giúp đỡ cho người bạn cũng bị khiếm thị và khó khăn hơn mình là cô Nguyễn Thị Công. Cô Công đang sống trong một căn nhà tình thương xập xệ, mỗi tháng được nhà nước trợ cấp vài trăm nghìn. Giờ đây, cô Công có cô Dung và một người bạn khác cùng chung số phận, có duyên và gặp gỡ nhau, xem nhau như chị em ruột thịt. Cô Dung muốn dùng giọng ca của mình giúp chị Công có một số tiền để trang trải thuốc men hàng ngày.

 

{keywords}
Câu chuyện cuối cùng thuộc về chú Huỳnh Quốc Sỹ, hát cho người bạn là chú Nguyễn Đức Ngọc và vợ là cô Hưởng. 

Vợ chồng chú Ngọc – cô Hưởng có 7 người con, gồm 5 trai, 2 gái. Bi kịch ập đến với gia đình khi những đứa con lần lượt mắc bệnh viêm cầu thận và 3 người con đã qua đời. Đôi vợ chồng luôn day dứt vì không có điều kiện cho các con khám, chữa bệnh đến nơi, đến chốn. Vậy mà, cuộc đời chẳng buông tha khi chú Ngọc cũng mắc bệnh và phải cắt 2 bên thận, cổ hư, chỉ uống chứ không thể ăn và cũng không thể nói được. Hơn thế nữa, chú Ngọc còn bị tai biến, chỉ ngồi một chỗ, bao nhiêu gánh nặng dồn lên vai người vợ. Đến năm 2012, cô Hưởng suy sụp hơn nữa khi bản thân cũng bị chẩn đoán suy thận. Cuộc sống khó khăn, bệnh tật đến nỗi cô chẳng dám ước mơ gì. Cô chỉ mong có tiền đưa những đứa con đi khám vì sợ chúng lại bị đau rồi lại ra đi. Chú Quốc Sỹ xót xa cho hoàn cảnh của gia đình, mong hát để giúp đỡ cô Hưởng phần nào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

{keywords}
Trấn Thành xót xa khi những cái xui cứ ập đến gia đình cô, hi vọng những thành viên còn lại không mắc bệnh và động viên cô Hưởng không nên nghĩ đến những chuyện buồn, suy nghĩ tích cực hơn. Kyo York thấy bài hát và cách thể hiện rất dễ thương tuy chú Sỹ còn hơi nhút nhát.

 

{keywords}
Bản thân Cẩm Ly là một người mẹ nên cô hiểu sự lo lắng của cô Hưởng cho những đứa con còn lại. Chị Tư mong cô Hưởng đưa các con đi khám một lần để an tâm hơn. 

 

Mai Hương