- Điện ảnh trở thành công cụ hữu hiệu mà nhiều nước trên thế giới sử dụng để quảng bá thành công hình ảnh đất nước mình, thậm chí còn “bành trướng”, “áp đặt” thị hiếu toàn cầu...


Công cụ hữu hiệu quảng bá tên tuổi đất nước

Loại hình nghệ thuật thứ 7 ra đời đã chi phối và ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Tác phẩm điện ảnh là bức tranh đời sống thu nhỏ, chứa trong đó nguồn thông tin đa chiều, phong phú về mọi lĩnh vực đặc biệt là những kiến thức nền tảng về văn hoá của mỗi quốc gia.

Bộ phim truyền hình dài tập "Nàng Dae Jang Geum"

Có lẽ vì vậy, điện ảnh trở thành công cụ hữu hiệu mà nhiều nước trên thế giới sử dụng để quảng bá hình ảnh đất nước mình và đã thành công. Đặc biệt “bành trướng”, “áp đặt” gu thẩm mỹ và thị hiếu tới toàn cầu nhờ điện ảnh đương nhiên là “ông lớn” Hollyood; nhưng không phải vì thế mà người xem không xúc động về một đất nước Austraylia hùng tráng khi xem “Nước Úc”. Hình ảnh người dân Do Thái cho dù giản dị nhưng thể hiện tinh thần không gì đốn ngã, bẻ gãy của một dân tộc kiên cường, bất khuất trong “Cuộc sống tươi đẹp”.

Không chỉ kể đến các siêu phẩm điện ảnh hoành tráng của những quốc gia đứng đầu về phim ảnh, mà ngay cả bộ phim truyền hình nhiều tập “Nàng Dae Jang Geum” cũng làm quá tốt nhiệm vụ quảng bá văn hóa cho đất nước Kim Chi.

Lực bất tòng tâm

Biết rõ như vậy, và mặc dù các hãng phim Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thể  cân bằng được thị trường phim Việt hiện nay. Từ các kênh truyền hình Việt đến các rạp chiếu, phim ngoại đã và đang chiếm ưu thế. Số lượng phim Việt thực sự chất lượng và được đánh giá cao, thu hút khán giả còn quá ít, biết bao giờ mới có thể bàn đến việc phát hành ra thị trường thế giới nhằm kéo doanh thu và xây dựng hình ảnh, thương hiệu Việt.

Hình ảnh phim "Austraylia"

Tính từ thời điểm bắt đầu mở cửa hội nhập với thế giới cho đến nay thì điện ảnh Việt Nam gần như chỉ một chiều, qua phim ảnh chúng ta biết thêm nhiều về thế giới nhưng thế giới đã biết gì về chúng ta?

Nếu phải điểm lại những phim Việt có giá trị và sức sống trong lòng người xem, lại phải ca mãi “bài ca không quên” về những tác phẩm thời chiến và hậu chiến; khiến cho không chỉ bạn bè thế giới lầm tưởng là cuộc chiến tranh ở Việt Nam chưa chấm dứt, mà ngay cả người Việt Nam cũng chưa khi nào thấy mình được “giải thoát” khỏi “món chiến tranh” đã ăn đi ăn lại trên “bàn tiệc” điện ảnh.

Cần gì cho tương lai của thương hiệu Việt

Xét về tầm ảnh hưởng của điện ảnh tới việc truyền thông văn hóa và phát triển thương hiệu quốc gia thì có thể nói dòng phim cổ trang lịch sử tiềm ẩn sức mạnh đặc biệt.

Thật khó có thể chối bỏ một thực tế là người dân dường như thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam, bởi điện ảnh, mà cụ thể là phim cổ trang, lịch sử, dã sử Trung Quốc xâm nhập vào thị trường phim Việt từ rất nhiều năm nay và chiếm thời lượng khá lớn trên các kênh truyền hình. Trong khi đó, số lượng phim lịch sử Việt Nam quá ít ỏi và mới chỉ bùng phát gần đây, trước thềm Đại lễ (2010).

Tuy ít ỏi và còn đầy những hạt sạn to tướng nhưng sự khởi đầu này dẫu sao vẫn có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài. Thế nhưng, sau tất cả những sự kiện đã và đang diễn ra với số phận của những bộ phim được thực hiện theo đề tài lịch sử cùng những cố gắng và nỗ lực của các nhà làm phim, câu hỏi đặt ra là tương lai của dòng phim cổ trang lịch sử Việt sẽ ra sao?


Cảnh phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long"

Mọi điều kiện dường như không ủng hộ khiến các nhà đầu tư chuẩn bị xông vào lĩnh vực phim lịch sử, cổ trang hẳn sẽ… sợ mất mật. Tuy vậy, hãy cứ hy vọng rằng đó không phải là dấu chấm hết mà chỉ là một câu hỏi lớn dành cho cả nền điện ảnh Việt Nam và khán giả. Bởi vì mọi vấn đề đều có thể giải quyết nếu có phương pháp.

Hướng đi như thế nào thì dẫn tới cái đích mong muốn là có được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đáp ứng sự trông đợi của khán giả. Điện ảnh Việt Nam liệu có thể tự mò mẫm để chinh phục một thể loại phim mới ở Việt Nam nhưng đã cũ trên thế giới?

Hay là, nói rộng ra thì để xây dựng thương hiệu quốc gia, không chỉ cần ngành điện ảnh, truyền hình, mà cần nhất là sự chỉ đạo xứng tầm của các nhà lãnh đạo, sự đầu tư đúng hướng của nền kinh tế, và cần cả xã hội có cái nhìn rộng hơn về điện ảnh, đặc biệt là với dòng phim lịch sử, cổ trang để những trang sử hào hùng cùng những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc, những tiềm năng và sức mạnh của đất nước được tái hiện, lưu giữ, đi vào trong đời sống mỗi người dân, đồng thời có thể giới thiệu ra thế giới.

Thiện Nhân