“Thu Vọng Nguyệt” tổ chức từ 29/9-1/10/2017 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là sự kiện được đánh giá cao vì tính quy mô và sự hoành tráng chưa từng có với những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam - Tổng đạo diễn chương trình đã chia sẻ góc nhìn mới về sự kiện văn hóa hiếm hoi này.

Tái hiện những mùa trăng, lưu giữ khoảnh khắc đoàn viên quý giá

- Lý do anh quyết định đạo diễn “Thu vọng nguyệt”?

Những người từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội sẽ không quên không khí đón Trung thu của người Hà Nội. Chúng tôi mong mỏi có thể tái hiện không gian xưa, làm sống lại cảm xúc một lần nữa, để chúng ta cùng nhắc nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp đang dần bị mai một trước sự “đổ bộ” của lối sống hiện đại xô bồ và vội vã.

{keywords}

Anh Phạm Hoàng Nam - Tổng Đạo diễn sự kiện Thu Vọng Nguyệt.

Để biến ý tưởng thành hiện thực cũng là mối lương duyên. Khi chị Phạm Thị Bích Hạnh - đại sứ ẩm thực Việt, chủ sở hữu thương hiệu Quán Ăn Ngon - khởi xướng ý tưởng về một sự kiện gợi nhớ về trung thu quá khứ và kết nối với hiện tại tôi, nhạc sĩ Quốc Trung (Giám Đốc Âm Nhạc), họa sĩ Lê Thiết Cương (Giám đốc Mỹ thuật) và một số anh chị em khác thấy tâm đắc và quyết định bắt tay làm luôn.

Chúng tôi thấy tiếc nuối khi hiện nay, những mối liên kết trong gia đình như cha mẹ và con cái, con cháu và ông bà, anh chị em với nhau đang dần nhạt nhòa vì người ta xao lãng, thu hút bởi quá nhiều mối quan tâm khác trong cuộc sống.

Vì vậy, chúng tôi muốn mang Thu Vọng Nguyệt đến như là một dịp đặc biệt để mọi người có thể gắn kết, cùng nhau vui đùa, cùng nhau thưởng thức và lưu giữ những khoảnh khắc đoàn viên quý giá. Người lớn thấy ấm lòng khi được gợi nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ trong quá khứ, trẻ con trải nghiệm không khí trung thu truyền thống, phần nào biết được cuộc sống ông bà bố mẹ mình thuở xưa.

{keywords}

Ban Tổ chức Thu Vọng Nguyệt tại buổi gặp gỡ báo chí hôm 25/9/2017

Sẽ không ai bị bỏ quên trong Tết Trung thu

- Nhiều người bị gắn với suy nghĩ “Trung thu là của trẻ con”. Anh nghĩ sao về điều này?

Chúng ta vẫn thường nói “Trung thu là Tết đoàn viên”, tức là sự kiện dành cho mọi thành viên trong gia đình. Trẻ em là đối tượng được quan tâm, ưu ái nhiều nhất, nhưng chúng ta dường như quên mất chính mình cũng có phần trong đó. Mỗi người lớn hôm nay đều từng là một đứa trẻ ngày xưa, chúng ta cũng phải có phần chứ.

Trong sự kiện này, sẽ không ai bị bỏ quên, không ai bị đứng bên lề vì chúng tôi đã thiết kế chương trình chia thành nhiều phần phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, chúng tôi muốn làm nổi bật lên sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, xưa và nay, truyền thống và hiện đại, Đông và Tây… Vì thế, không chỉ trẻ em mà cả ông bà, cha mẹ đều có thể thưởng ngoạn và vui chơi trong lễ hội Thu vọng nguyệt này.

- Điểm độc đáo của sự kiện này là gì ạ?

Sự kiện “Thu Vọng Nguyệt” kéo dài trong 3 đêm, nhưng mỗi đêm sẽ có một chủ đề với nội dung chương trình hoàn toàn khác biệt. Đêm 1 “Thu Tinh Hoa” đúng như tên gọi của nó, những gì tinh túy nhất của Trung Thu xưa và nay sẽ được tái hiện, có thể gói gọn trong hai từ “sang trọng” và “cổ điển”.

Đêm thứ hai “Thu Tương Ngộ” lại là sân chơi của âm thanh và ánh sáng. “Tương ngộ” ở đây không chỉ là sự sum vầy gia đình mà muốn nhấn mạnh đến sự “gặp gỡ” của cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây, của các thế hệ với nhau.

Còn với đêm thứ ba “Thu tuổi thơ”, chúng tôi muốn dành không gian vui chơi cho các em nhỏ và gia đình. Một đêm hội của trẻ thơ với phong cách trang trí và những trò chơi truyền thống dân gian sẽ giúp các bạn nhỏ được trải nghiệm bầu không khí Trung Thu truyền thống mà bố mẹ hay ông bà vẫn hay nhắc nhớ trong mỗi câu chuyện mùa trăng rằm tháng Tám. Xem múa sư tử, rước đèn, phá cỗ, cùng chơi các trò chơi dân gian…

{keywords}

Anh Phạm Hoàng Nam và ekip dàn dựng chương trình.

- Quá trình chuẩn bị cho sự kiện này anh có gặp khó khăn?

Với một sự kiện quy mô như thế này, lại đòi hỏi chất lượng cao trong từng yếu tố nên chúng tôi phải quy tụ rất nhiều cá nhân xuất sắc của các lĩnh vực, từ những bác nghệ nhân cho đến các nghệ sĩ.

Mọi người gắn kết với nhau nhờ tình yêu với Hà Nội, là nỗi đau đáu với việc lưu giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Khó khăn nhất của chúng tôi là phải sắp xếp kế hoạch công việc phù hợp bởi ai cũng rất bận rộn với những kế hoạch riêng. Rất may mọi người đều nhiệt tình, cố gắng thu xếp để cùng tham gia, kết nối với nhau.

- Tại sao anh lại quyết định tổ chức sự kiện này ở Văn Miếu?

“Thu Vọng Nguyệt” không chỉ là một lễ hội về trung thu mà thông qua đó, chúng tôi muốn gợi nhớ về nhiều giá trị khác nữa bên cạnh trung thu, một trong số đó là truyền thống hiếu học.

Vì thế, lựa chọn tổ chức ở Văn Miếu hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Đây là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam, nơi ghi danh rất nhiều tấm gương hiếu học. Tôi cũng đã bàn với Xuân Bắc, làm thế nào để khi tổ chức chương trình cho các con không chỉ khiến các con cảm thấy hào hứng vì được thoải mái chơi vui mà còn phải khơi gợi các câu chuyện xưa, để các con thấy được thế hệ đi trước đã nỗ lực và đạt được thành quả như thế nào, từ đó truyền cảm hứng và động lực để các con hăng hái học tập hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Thu Vọng nguyệt do Công ty Phúc Hưng Thịnh và chuỗi thương hiệu Quán Ăn Ngon, Món Ngon Sài Thành tổ chức, diễn ra 3 đêm 29/9, 30/9 và 1/10/2017 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Thuý Ngà (thực hiện)