Có nghệ sĩ nói đùa: 'Tên hãng liệu có đổi thành Công ty CP Sông - Truyện… không?' rồi 'Tất cả nghệ sĩ đi làm thủy thủ luôn à?'…


Xung quanh việc 'bán' Hãng phim truyện Việt Nam cho Tổng công ty Vận tải thủy, trước ý kiến lo ngại của nhiều nghệ sĩ về việc 'chủ' mới không có chuyên môn về làm phim, VietNamNet đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam.

{keywords}
Địa chỉ số 4 Thụy Khuê giờ chỉ còn là quá vãng.

 - Những ngày qua giới làm phim xôn xao với thông tin Hãng phim truyện Việt Nam phải tiến hành bán cổ phần ra ngoài để 'cứu' hãng. Theo bà thì câu chuyện phía sau cổ phần hóa thực chất là gì? Và tại sao một hãng phim lại thuộc cổ đông phần lớn của Công ty đường sông tàu thuỷ nào đó?

50 năm chưa được cấp sổ đỏ thật là vô lý

Thật sự tôi cũng không rõ lắm vấn đề này. Dường như chỉ những người có trách nhiệm (Bộ, Cục, Hãng) mới biết rõ thực hư như thế nào. Vấn đề cổ phần nghe rục rịch, râm ran từ lâu, người nọ kháo với người kia rằng cổ phần xong rồi, cổ đông chiến lược có rồi, rằng công ty đường sông tàu thủy này có nhiều tiền… có thể 'cứu' được hãng. Cứu như thế nào thì tôi cũng chịu. Cứ mỗi một giai đoạn người ta lại phải thay đổi cơ chế cho phù hợp với xu thế hiện hành thì phải. Tôi nhớ ngày xưa bao năm chỉ tồn tại mỗi cụm từ Hãng phim truyện Việt Nam (PTVN). Thật hãnh diện và tự hào khi được làm việc, sáng tạo tại đó, dưới cái tên kiêu hãnh này.

Trước nữa thì là xưởng phim truyện VN. Nghe khiêm tốn và bé nhỏ quá sau đổi thành Hãng PTVN. Đó là thời bao cấp. Sau đó tên vẫn vậy nhưng cơ chế thì là sự nghiệp có thu. Sau một dạo, tên vẫn giữ thế nhưng ruột thì đổi là doanh nghiệp, chập chững kinh doanh bằng sản xuất phim, khó khăn quá lại đổi là Doanh nghiệp công ích, dù tên vẫn giữ nguyên. Gần đây thì đổi cả hình thức (tên gọi) và nội dung là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN và bây giờ thì là Công ty Cổ phần… Chưa biết tiếp theo còn là Hãng PTVN nữa không hay tên khác?

Mỗi cơ chế có những đặc tính gì, nhà hoạch định chính sách có thể nắm rõ nhưng các nghệ sĩ e rằng chịu. Không biết nó sẽ có những đặc thù và ưu đãi gì dưới các cơ chế đó. Chỉ biết rằng mục đích và nghề nghiệp, công việc chính vẫn chỉ là sản xuất phim. Vật đổi sao dời gì, thay tên đổi họ gì thì chức năng và nhiệm vụ vẫn chỉ là một: sản xuất phim. Thế thôi! Và các cán bộ, nghệ sĩ ở đây cũng chỉ có thạo một công việc, một niềm say mê duy nhất: sản xuất phim.

- Đã từ lâu, Hãng phim truyện Việt Nam đã trở nên 'mất hình tượng' trầm trọng. Bởi ngoài việc chỉ sản xuất mỗi năm 1-2 phim truyện nhựa theo tiền Nhà nước, hãng như 'chết lâm sàng'. Nhà xưởng xập xệ, xuống cấp, hàng quán tràn lan.... Từng là giám đốc của Hãng, bà có đau lòng không?

Thật sự tôi cũng như các anh chị em cán bộ, nghệ sĩ cả đời từng gắn bó với Hãng nhìn thấy tình cảnh của Hãng như vậy rất lấy làm đau lòng. Chúng tôi chỉ mong muốn một điều làm sao để Hãng PTVN vươn lên, khởi sắc, lấy lại phong độ của mình bằng các bộ phim hay, bằng cuộc sống cho cán bộ, nghệ sĩ của Hãng ổn định, khá giả. Số 4 Thụy Khuê có bề dày lịch sử của mình. Hãng PTVN ở đó đã hơn 50 năm mà TP Hà Nội không cấp cho mảnh đất sổ đỏ thì thật là vô lý.

Thành phố không chật hẹp gì mà không giúp cho địa chỉ đi vào lịch sử văn hóa như số 4 Thụy Khuê có tính pháp lý và phát triển giữ vững truyền thống của mình. Cơ chế cũng do con người nghĩ ra, thấy không hợp lý thì phải sửa đổi. Chỉ vì một khó khăn không được tháo gỡ này mà Hãng lỡ đi bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu kế hoạch đầu tư, xây dựng và phát triển suốt bao nhiêu năm, kéo theo bao hệ lụy về sản phẩm cũng như đời sống của cán bộ công nhân viên xập xệ như ngày hôm nay, thiết nghĩ lỗi cũng một phần vì điều này...

- Theo bà thì vì sao một hãng phim tồn tại hơn nửa thế kỷ, sản sinh ra những bộ phim kinh điển, những diễn viên và đạo diễn tài năng như vậy lại lâm vào tình trạng như hôm nay? Hình như chúng ta chỉ biết kêu ca, ai cũng vô can và hình như không ai làm gì cả, cứ mặc cho cái hãng đó chết hẳn thì phải?

Không, các nghệ sĩ không chỉ ngồi kêu ca than vãn. Họ cũng đã chạy đi đập cửa các nơi, nhưng cửa vẫn không chịu mở. Đơn từ cũng nhiều lần gửi, báo chí cũng góp nhiều tiếng nói nhưng vẫn không xoay chuyển được gì. Thật sự rất đáng lo ngại.

{keywords}
Cùng với việc 'đổi chủ', Hãng phim truyện VN chính thức bước sang giai đoạn tự vật lộn với cơ chế thị trường.

Tên hãng liệu có đổi thành Công ty CP Sông - Truyện… không?

- Thực ra hiện trạng Hãng phim truyện Việt Nam không phải đến lúc này mới báo động. Sự xuống cấp nặng nề cùng sự kém thích nghi với thị trường kèm theo tư duy làm phim bao cấp nặng nề đã triệt tiêu sự nhạy bén của nó. Sự tồn tại của nó giống như: "Cha chung không ai khóc"?

Tôi nghĩ mọi việc đều thay đổi theo thời gian, không cái gì đứng yên một chỗ. Nó đều phải chuyển biến và vận động để thích nghi. Có thể tốt lên có thế xấu đi phụ thuộc vào nhân tình thế thái. Nhưng thay đổi gì thì cũng phải biết gìn giữ và kế thừa những thành quả mà các thế hệ đi trước đã đạt được. Gìn giữ những cái tốt, có tính truyền thống: đó là sự chuyên nghiệp, một thương hiệu lớn được xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ nghệ sĩ tài năng. Thay đổi cơ chế gì thì cũng phải bảo tồn và phát triển đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, có tài. Mục đích chính là sản xuất phim phải giữ bằng được. Nếu xa rời mục đích đó, biến nó thành chức năng khác, làm việc khác thì coi như không còn Hãng PTVN nữa. Mà nó đã đổi mầu sang ngành nghề khác rồi.

Có nghệ sĩ nói đùa: 'Tên hãng liệu có đổi thành Công ty CP Sông - Truyện… không?' rồi 'Tất cả nghệ sĩ đi làm thủy thủ luôn à?'… Thật ra anh em nói vui vậy nhưng bên trong có chứa đựng sự lo lắng. Hãng PTVN góp vốn vào cổ phần không chỉ đất đai, nhà xưởng, máy móc, con người, mà còn cả thương hiệu của mình nữa… Bao năm qua vật lộn với cơ chế thị trường Hãng đã bộc lộ ra nhiều điểm yếu như nhà báo nói ở trên.

Bây giờ làm sao để 'rũ bỏ những cái kém cỏi, vươn dậy chói lòa' làm mới lại mình, nhanh nhẹn, thích nghi, khỏe khoắn tươi tắn hơn trước. Bộ phim nào sản xuất ra cũng hay cũng làm trong giới giật mình như ngày xưa. Dù sao đây cũng là mong ước. Chỉ lo không biết cổ phần xong rồi nó có được như vậy không?

- Hướng đi nào cho hãng phim truyện Việt Nam? làm thế nào để cứu hãng? hình như là những câu hỏi khó trả lời lúc này. Ý kiến của bà thì sao?

- Tôi hưu đã lâu rồi, nói gì bây giờ cũng sợ lạc hậu, bảo thủ. Nhưng chỉ vì lòng vẫn yêu mến Hãng, vẫn có nhiều mong muốn tốt đẹp hướng về nơi mình đã từ đấy mà trưởng thành. Nên chỉ nghĩ, bằng cách nào đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hãy quan tâm chú ý và thận trọng tìm hướng đi phù hợp cho Hãng PTVN. Nếu cổ phần quả là xu hướng tất yếu, là lối thoát duy nhất trong lúc này thì tôi cũng chẳng biết nói và làm được gì hơn. Chỉ mong những người ghé vai với Hãng bây giờ - ngoài sự sòng phẳng đến lạnh lùng của kinh tế thị trường - thì vẫn còn sự trân trọng, yêu mến những người làm cái nghề này, dốc sức bảo vệ và phát triển nó, khôi phục lại thương hiệu lớn mà hơn 50 năm Hãng đã xây dựng được...

- Cám ơn bà!

B.Hạnh
Ảnh: H.Hoàng

Bài sau: Bộ Văn hóa giải thích lý do 'bán' Hãng phim truyện Việt Nam