- "Mọi sự tiết kiệm suy cho cùng đều là tiết kiệm về mặt thời gian" - câu nói kinh điển của Karl Marx được dùng như trích dẫn và là nguồn cảm hứng chính trong tác phẩm của TS Nguyễn Sĩ Dũng.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN

"Những nghịch lý của thời gian" - tác giả TS Nguyễn Sĩ Dũng - là một cuốn sách quý và hiếm ở Việt Nam. Hiếm vì nó là sách do một chính khách Chính phủ viết nên khi còn đang đương nhiệm, nhìn về mọi khía cạnh chính trị, xã hội, lập pháp, con người - vừa gần gũi, vừa hiệu quả, vừa đổi mới. Hơn nữa nó quý, bởi khối lượng, chất lượng, sự tươi mới của tri thức và tầm tư duy mang lại.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Sĩ Dũng hiện đang là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông thi đậu khoa Văn, ĐH Tổng hợp với số điểm cao, được Nhà nước cử đi du học tại Liên Xô cũ. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh loại xuất sắc, ông được giữ lại làm nghiên cứu sinh về giáo dục học.

Trước khi giữ cương vụ Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông đã có 6 năm làm Giám đốc trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng  Quốc hội.

{keywords}

Tuyển tập "Những nghịch lý của thời gian" dày hơn 400 trang nhưng lại hết sức hấp dẫn, dễ đọc và dễ hiểu. Các luận đề phức tạp được tác giả xử lý sáng sủa, minh bạch và nhân văn trong 3 phần chính: Xã hội, Chính trị và Kinh tế.

Tại mỗi phần, Nguyễn Sĩ Dũng lần lượt phân tích lợi hại và đưa ra các góc nhìn mới (mà có thể người đọc sẽ phải ngạc nhiên về quan điểm riêng của một chính khách) trước những báo cáo thiếu minh bạch của địa phương (bài "30% sự thật"), hoạt động công chức kém hiệu quả (bài "Nhất Châu Á!?"), bệnh thành tích, độc quyền, minh bạch, chi phí xã hội và việc ban hành luật pháp, các hình thức dân chủ: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ điện tử...

Cuốn sách cũng chứa đựng những lý giải ngụ ngôn thú vị với giới trẻ như: "Trứng có trước hay gà có trước?", "Hai con dê, một chiếc cầu", "Thời mobile", "Thế hệ @", "Tư duy mở"....

Một số phát ngôn ấn tượng của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng trong tác phẩm này: "Triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng. Triết lý của dân chủ là kẻ yếu phải có cơ hội",  "Giáo điều, về bản chất là một sự sai lệch về thời gian, khi chân lý của quá khứ được áp đặt cho hiện tại và tương lai", "Không một mục đích cao đẹp nào có thể biện hộ cho sự lạm quyền".

* Hai trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Những nghịch lý thời gian" - tác giả Nguyễn Sĩ Dũng viết. Thái Hà Books phát hành năm 2011.

TRỨNG HAY GÀ CÓ TRƯỚC?

Trứng có trước hay gà có trước? Câu hỏi đơn giản này lại là một thách thức khôn cùng về mặt lô gíc. Có người cho rằng trứng có trước vì trứng nở ra gà; có người lại cho rằng gà có trước vì gà đẻ ra trứng. Thế nhưng, con gà đẻ ra trứng thì lại nở ra từ một quả trứng, và quả trứng đó lại do một con gà đẻ ra… Cứ như vậy, vô tận là những cuộc tranh luận- những “cơn bão tố trong ấm nước trà”.

Thực ra, một thứ chân lý chung chung là điều rất khó đạt được. Chân lý bao giờ cũng cụ thể: Con gà đẻ ra quả trứng, thì có trước quả trứng; quả trứng nở ra con gà, thì có trước con gà. Việc trứng có trước hay gà có trước là điều chúng ta chỉ có thể biết được một cách chắc chắn tại những thời điểm xác định trong dòng chảy vô tận của thời gian.

{keywords}

Giáo điều, về bản chất, là một sự sai lệch về thời gian, khi chân lý của quá khứ được áp đặt cho hiện tại và tương lai. Nên chân lý bao giờ cũng phải cụ thể.

Có hai phạm trù luôn luôn tồn tại khách quan và quyết định bản chất của sự vật. Đó là không gian và thời gian. Chân lý chỉ tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định. Nó không tồn tại ngoài không gian và thời gian đó.   Ví dụ, nước sôi ở nhiệt độ 100 oC chỉ đúng với vùng đồng bằng, chứ không đúng với vùng núi cao, chỉ đúng với thời nay, chứ không đúng với thời Trái đất có áp suất không khí lớn hơn (hoặc nhỏ hơn).

Trong mọi chuyện nghiên cứu, học hành, điều quan trọng là phải luôn luôn nhớ đến các yếu tố không gian và thời gian. Những lý luận chung chung nằm ngoài khuôn khổ của các yếu tố nói trên, đều chứa đựng rủi ro sai lệch hoặc giáo điều.

Giáo điều, về bản chất, là một sự sai lệch về thời gian, khi chân lý của quá khứ được áp đặt cho hiện tại và tương lai. Điều tệ hại nhất là các giáo điều thường làm tê liệt khả năng tư duy của con người. Mà thiếu một khả năng tư duy phê phán, con người không thể nắm bắt được những quy luật thay đổi và phát triển không ngừng của cuộc sống.  

Quả trứng hôm qua có thể đã nở thành con gà hôm nay. Vạn vật đều biến đổi vô tận trong không gian và thời gian. Nên chân lý bao giờ cũng phải cụ thể.

CHÍNH TRỊ CỐT Ở ÍT VIỆC

"Chính trị cốt ở ít việc" là lời dạy của Lê Quý Đôn, một trong những vĩ nhân của đất  Việt chúng ta. (Lời dạy này rất giống với lời dạy: "Nhà nước quản lý tốt nhất là nhà nước quản lý ít nhất" của Thomas J.Jefferson, một trong những vĩ nhân của nước Mỹ). 

{keywords}

"Chính trị cốt ở ít việc" (Lê Quý Đôn), "Nhà nước quản lý tốt nhất là nhà nước quản lý ít nhất" (Thomas J.Jefferson)


“Chính trị cốt ở ít việc” thì tất nhiên không phải là chính trị tập trung, quan liêu, bao cấp. Với chuyện tập trung, quan liêu, bao cấp, chính trị không còn cốt ở ít việc, mà thành ra cốt ở nhiều việc. Nhà nước bao cấp mọi mặt của đời sống xã hội. Từ việc lo cho dân cái ăn, đến việc lo cho dân cái mặc đều là công việc của nhà nước. Dân thì có đến hàng chục triệu người, nên nhà nước buộc phải phìng ra thật to để lo cho hết mọi việc.

Bất kể sự lo lắng nói trên chân thành đến đâu, thì "nền chính trị cốt ở nhiều việc" đã không mang lại được gì nhiều cho đất nước ngoài một cuộc sống khó khăn và sự thiếu thốn triền miên. Thì ra, nếu tạo điều kiện để những người dân tự lo cho mình và đóng thuế cho Nhà nước, thì nền chính trị vừa ít việc, mà sự ấm no lại đạt được dễ dàng hơn. Quá trình đổi mới vừa qua chính là quá trình giảm bớt sự bao biện của nhà nước và mở rộng không gian tự chủ của người dân. Đó chính là việc áp dụng ý tưởng của của Lê Quý Đôn trên thực tế.

“Chính trị cốt ở ít việc” thì tất nhiên pháp luật phải dành cho người dân quyền tự do nhiều hơn. Một hệ thống pháp luật dành cho Nhà nước những quyền năng quản lý to lớn và bao trùm sẽ chỉ làm cho công việc nhiều ra. Mặc dù, quản lý có thể là cần thiết, nhưng nó hoàn toàn không phải là một giá trị tự thân. Vừa qua, Chính phủ đã có những cố gắng to lớn để bỏ bớt các loại giấy phép. Đây là cách làm thiết thực để chính trị trở nên ít việc. Tuy nhiên, cần cảnh giác với vô số các loại giấy phép con có thể được tiếp tục đẻ ra.

“Chính trị cốt ở ít việc”, thì sự chồng chéo chức năng giữa các cơ quan trong hệ thống là điều nên tránh. Sự chồng chéo này vừa vô hiệu hoá chế độ trách nhiệm, vừa làm cho các cơ quan đều quá tải.

Cuối cùng, không ai có thể phủ nhận rằng chính trị là một công việc khó khăn. Tuy nhiên, càng khó khăn thì càng không nên làm cho nó nhiều thêm ra. Lời dạy của Lê Quý Đôn sẽ luôn luôn có giá tri. Bởi vì vậy, có thể cần học các tư tưởng chính trị của thế giới, nhưng cũng đừng quên di sản của cha ông. 

Vân Sam