Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gây ra sự lệch lạc về tính cách, nhân cách; danh tiếng được gây dựng từ sự hậu thuẫn của người cha và sự trơ tráo, hoang tưởng của bản thân… là hai trong nhiều bí mật về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ trong cuốn sách Quá nhiều và không đủ: Gia đình tôi đã tạo nên người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới như thế nào (Tân Việt Books & NXB Dân trí ấn hành) do Mary L. Trump, nhà tâm lý học, đồng thời cũng là cháu gái của Donald Trump viết nên.

{keywords}
 

Mary L. Trump là cháu gái ruột duy nhất của Donald Trump. Bà là con gái của anh trai Donald, Frederick Christ Trump Jr., thường được gọi là Freddy. Bà có bằng Tiến sĩ tâm lý học của Viện Nghiên cứu tâm lý tiên tiến Derner và giảng dạy nhiều khóa học về chấn thương tâm lý, rối loạn tâm thần và tâm lý phát triển.

Quá nhiều và không đủ: Gia đình tôi đã tạo nên người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới như thế nào được ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2020, sau sự ngăn cản bất thành từ Robert Trump, em trai đồng thời cũng là người ủng hộ trung thành của Donald Trump.

Trong cuốn sách ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 7/2020 này, Mary L. Trump kể lại lịch sử đen tối của gia đình để giải thích về con người, tính cách, cách hành xử của vị Tổng thống Mỹ (khi ấy đang ở cuối nhiệm kỳ lần thứ nhất và tiếp tục chạy đua cho nhiệm kỳ thứ hai) đang đe dọa sức khỏe, an ninh kinh tế và kết cấu xã hội của nước Mỹ cũng như trật tự thế giới.

Donald Trump cùng với 4 người anh em khác của mình được sinh ra trong một gia đình khiếm khuyết theo kiểu đặc biệt. Mẹ ông, bà Mary Trump, sau biến chứng của cuộc sinh nở thứ 5, buộc phải cắt bỏ cả tử cung cũng như buồng trứng, và mắc phải chứng loãng xương nghiêm trọng do thiếu hụt estrogen đột ngột. Bà thường xuyên phải chịu đựng sự đau đớn do xương cốt yếu. Tình hình sức khỏe, bệnh tật khiến bà không còn tâm trí quan tâm, dành tình cảm cho những đứa con, đáng kể nhất là Donald khi ấy mới 2 tuổi rưỡi và Robert mới được 9 tháng tuổi.

Trong khi đó cha Donald, ông Frederick Christ Trump, thường được gọi là ông Fred, là một người rối loạn nhân cách chống đối xã hội với các đặc điểm: thiếu đồng cảm, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người khác, độc đoán, có hành vi ngược đãi, thờ ơ trước đúng sai… Ngay cả khi gánh vác trách nhiệm là một phụ huynh duy nhất trong nhà, ông vẫn cho rằng xoay trở với đám trẻ không phải là công việc của ông. Khi các con còn nhỏ, ông hầu như dành toàn bộ thời gian cho công việc ở Trump Management, như thể chúng có thể tự chăm sóc bản thân. Khi các con dần lớn lên, cách đối xử với con cái của ông càng có vấn đề, gây ra những bóng ma tâm lý, sự lệch lạc về nhận thức, nhân cách cũng như khoảng cách ngày xa giữa chúng…

Cha của tác giả, ông Freddy, nhận được sự chú ý của ông Fred đơn giản vì được coi là người thừa kế đế chế Trump Management. Để xoay xở, Donald Trump bắt đầu phát triển những cách tự vệ sơ đẳng nhưng mạnh mẽ, đánh dấu bằng sự thù địch ngày càng tăng với người khác, và sự thờ ơ trước thái độ của người khác; từ đó hình thành nên sự ái kỉ, cao ngạo, kiểu hành xử oán hận bao gồm thói bắt nạt, vô lễ, hung hăng… theo thời gian càng trở thành vấn đề lớn hơn.

Là chủ của một doanh nghiệp xây dựng biết cách luồn lách, tiếp cận, bợ đỡ những người có địa vị trong chính quyền, ông Fred đã xây dựng được đế chế bất động sản của mình bằng những khoản tiền tài trợ hào phóng từ chính phủ. Ông có quan điểm, giá trị tiền tài là giá trị con người, “bạn càng có nhiều thứ, bạn lại càng có nhiều thêm nữa”, nếu ông cho người khác thứ gì đó, người đó sẽ có giá trị hơn, còn ông thì giảm giá trị. Ông muốn rèn con trai cả của mình trở thành một “sát thủ” theo cách của ông.

Freddy, cậu con trai cả có sự nhạy cảm, máu phiêu lưu, khiếu hài hước tự nhiên bị giằng xé giữa trách nhiệm đặt trên vai và mong muốn sống cuộc đời theo cách của riêng mình, bị người cha độc đoán nhìn chằm chằm, đối xử theo cách bắt người khác tự đoán ý, chỉ toàn hình phạt, không có phần thưởng. Cuối cùng cậu được ông bố nhận xét: không đủ tiêu chuẩn thành công và chẳng bao giờ có thể thành công.

Donald, với lợi thế tuổi tác chênh lệch đến 7 năm rưỡi, có đủ thời gian để học hỏi từ việc chứng kiến cha mình sỉ nhục anh trai. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ niềm tin cơ bản của ông Fred: trong cuộc sống chỉ có thể có một người chiến thắng, tất cả những người khác đều là kẻ thua cuộc và nhiều cảm xúc là không thể chấp nhận được, lòng tốt là sự yếu đuối… nhận thức của Donald về thế giới càng bị bóp méo. Cuối cùng, việc ông Fred đề cao những lệch lạc đó của Donald – ông đồng nhất chúng với lòng quyết tâm theo đuổi mục tiêu, phẩm chất ông muốn có ở người kế nghiệp – khiến tính cách, hành xử của Donald ngày càng nghiêng về sự thái quá, hệt như nhiều nhận xét tiêu cực về ông (bên cạnh những nhận xét tích cực) cho đến thời điểm hiện nay: sự tàn nhẫn, thói hiếu chiến, ngạo mạn, bắt nạt, nói dối, cường điệu, vô trách nhiệm, thô bỉ, đê tiện…

Từ đó, cuộc đời của hai người con trai của ông Fred cũng rẽ theo hai nhánh khác nhau theo cách đối xử khác nhau của ông. Freddy, xét một cách công bằng là người tự lực và thành công nhất trong 5 người con, cuối cùng lại trở thành một người nghiện rượu, có gia đình tan nát, chết ở tuổi 42 vì rượu và bệnh tim.

{keywords}
Donald Trump

Trong khi đó Donald Trump dưới sự dung túng của người cha, dù phá sản tới 5 lần, tiêu phí của ông bố nhiều triệu đô la, vẫn huênh hoang là một tỷ phú tự thân, thành công, lợi dụng thương hiệu đó để kiếm tiền rồi lôi kéo được sự ủng hộ của nhiều người để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Khi ở vai trò của một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, hành xử của Donald Trump cũng gây ra rất nhiều tranh cãi cho người dân nước Mỹ cũng như thế giới.

Ngay trong tuần đầu tiên phát hành, Quá nhiều và không đủ: Gia đình tôi đã tạo nên người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới như thế nào đã bán được 1,3 triệu bản. Đến nay cuốn sách đã được dịch ra 13 thứ tiếng. Nhận xét về cuốn sách, tờ Los Angeles Time viết: "Bạn có thể hiểu tại sao Trump không muốn ai đọc được cuốn sách này. Nó đi ngược lại với rất nhiều câu chuyện hoang đường về bản thân mà chính ông ấy rất thích".

Tình Lê

Đừng tự phán xét, hãy yêu thương bản thân trước

Đừng tự phán xét, hãy yêu thương bản thân trước

"Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý" - cuốn sách giúp chúng ta hiểu rằng: "Đừng trốn tránh, hãy đối diện với những cảm xúc thực tế của chính mình; Đừng tự phán xét, hãy yêu thương bản thân trước".