Cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu những tưởng là đầy danh vọng lẫn quyền lực nhưng hóa ra lại đau khổ và cô đơn cho đến tận những năm tháng cuối đời.

Với một gia thế giàu có, cuộc đời của người con gái mang tên Nguyễn Hữu Thị Lan lẽ ra đã bình lặng và sung sướng hơn nhiều nếu như không có cuộc gặp gỡ định mệnh với vị hoàng đế trẻ tuổi của nước Đại Nam - Hoàng đế Bảo Đại. Sự thăng trầm đó của Nguyễn Hữu Thị Lan được tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang tái hiện trọn vẹn trong cuốn sách “Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng” do Saigon Books và NXB Thế giới ấn hành.

{keywords}

Trước khi trở thành Hoàng hậu Nam Phương, Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái thứ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Sinh thời, ruộng đất của gia đình ông Hào rải rác khắp các tỉnh Nam Kỳ. Tại quận Long Mỹ thuộc tỉnh Rạch Giá, sau sát nhập vào tỉnh Cần Thơ, có một nghìn mẫu ruộng thuộc gia đình Nguyễn Hữu Hào. Vì thế, ông chọn địa danh Long Mỹ làm tước phong cho mình: Long Mỹ Quận công. Ông Hào là một trong những đại điền chủ có học thức, biết cách kinh doanh đồn điền. Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ngày 14-12-1914 tại Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang).

Bà còn có tên theo Pháp tịch là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. Không chỉ thông minh, Thị Lan cùng người chị gái có vóc dáng cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường. Sinh ra trong một gia đình giàu có, cuộc sống của thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan cùng người chị gái diễn ra trong sự sung sướng và đủ đầy. Họ cùng trải qua thời thanh xuân êm đềm và mơ mộng, và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này trở thành hoàng hậu. Thay vì ở quê nhà Gò Công, hai chị em đến ở trong căn nhà của gia đình tại Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Du, để đi học. Sau khi đã học hành xong ở trong nước, năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris - một trường do các nữ tu dòng Đức Bà điều hành, đào tạo học sinh hết sức nghiêm ngặt. Trong quá trình học tập ở đây, cô Thị Lan nhận được sự hậu thuẫn rất mạnh về tài chính từ người cậu Denis Lê Phát An.

Tại Pháp, cứ mỗi lần cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ học, Thị Lan được cậu An đánh xe tới trường Couvent des Oiseaux để đón về nhà ăn cơm với gia đình. Cuộc sống cứ êm đềm diễn ra như thế cho đến năm Thị Lan 18 tuổi, cô tốt nghiệp tú tài toàn phần (tương đương với tốt nghiệp trung học phổ thông ngày nay) và lên tàu để quay về Việt Nam. Về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Nguyễn Hữu Thị Lan và vua Bảo Đại, theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, nhiều tài liệu khẳng định, trên chiếc tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime đưa cô Nguyễn Hữu Thị Lan về nước có sự hiện diện của vị vua trẻ Bảo Đại, người cũng vừa kết thúc chương trình du học ở Pháp và quay lại Việt Nam để đảm nhận việc cai trị dưới sự bảo hộ của người Pháp.

Tuy nhiên, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng liệu hai người có từng gặp nhau trên chuyến tàu này hay không. Cũng có tài liệu kể rằng, thật ra hai người đã gặp nhau từ trước, khi còn đang du học ở bên Pháp. “Chuyện là tại Pháp, gia đình Denis Lê Phát An, cậu của Thị Lan, thường xuyên tổ chức những buổi tiệc sang trọng và mời nhiều quan khách danh giá đến tham dự, trong đó có vợ chồng toàn quyền Pasquier và vợ chồng cựu Khâm sứ Charles, cha mẹ nuôi của Bảo Đại. Có một vài lần, họ cũng đưa Bảo Đại đi cùng và nhiều khả năng là vị vua này đã gặp hoàng hậu tương lai của mình trong những dịp như vậy.

Tuy nhiên, do được cha mẹ nuôi dặn dò phải giữ gìn tác phong của một vị vua, nên Bảo Đại chưa bao giờ dám tự do quá mức mà buông lời tán tỉnh cháu gái của gia chủ”, tác giả viết. Đến khi về nước, cơ duyên (hay sự sắp đặt?) đã khiến Bảo Đại có cơ hội được gặp lại cô gái miền Nam mang tên Nguyễn Hữu Thị Lan. Trong những tháng hè, Bảo Đại thường được vợ chồng cựu Khâm sứ Charles đưa lên Đà Lạt chơi, trong khi Thị Lan cũng nghỉ mát ở đây, trong những căn biệt thự sang trọng mà gia đình đã mua. Thỉnh thoảng, vợ chồng cựu Khâm sứ lại mời gia đình họ Lê cùng cháu gái đến chơi quần vợt. Nhờ đó mà Bảo Đại có dịp so tài với Thị Lan trên sân quần vợt và chính những lần gặp gỡ này đã làm cho con tim Bảo Đại rung động.

Ngoài ra, hai người còn sánh bước bên nhau trong nhiều buổi dạ tiệc. Dù có ý ngăn trở, tuy nhiên triều đình và bà Từ Cung lúc đó không còn cách nào khác là chấp thuận để Bảo Đại lấy Nguyễn Hữu Thị Lan. Lễ cưới diễn ra ngày 20/3/1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Trở thành vợ của vua một nước với danh hiệu Nam Phương Hoàng hậu, cuộc đời Nguyễn Hữu Thị Lan đã bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác, những tưởng là đầy danh vọng lẫn quyền lực nhưng hóa ra lại đau khổ và cô đơn cho đến tận những năm tháng cuối đời.

T.Lê