Tuyển tập "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" cho thấy chuyển động của lịch sử, văn hóa xã hội Đài Loan (Trung Quốc) sau chiến tranh thế giới thứ hai.

{keywords}

Sách mới "Giấc mộng trong ngõ Hồ Lô" gồm 8 truyện ngắn: Thánh mẫu tháng ba, Lễ tế thánh mẫu trên trời, Chiếc vòng cổ hoa hồng, Dòng họ kiếm ăn, Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô, Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya, Hoa lay ơn và bột mỳ, Không hẹn mà gặp. Đây là những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Diệp Thạch Đào - một nhà văn quan trọng hàng đầu, mở đường và được mệnh danh là người thắp sáng cho văn học Đài Loan.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học KHXHNV nhận xét về văn chương của Diệp Thạch Đào: "Đó là thứ văn chương của những xung đột, đối thoại và tiếp biến văn hóa, đó là thứ văn chương mang đậm tinh thần hậu thuộc địa". Từ điểm nhìn đó, có thể thấy những tương đồng rất đỗi gần gũi giữa sáng tác của ông và văn chương của không ít nhà văn Việt Nam đương đại, từ Nguyễn Xuân Khánh đến Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh… Hy vọng qua việc giới thiệu tập truyện ngắn này, sẽ khai mở thêm những chân trời mới của văn chương viết bằng Trung văn đến người đọc và giới nghiên cứu ở Việt Nam.

Diệp Thạch Đào (1925 - 2008) sinh tại thành phố Đài Nam (Đài Loan - Trung Quốc). Ông là nhà phê bình, nghiên cứu văn học sử và tiểu thuyết gia của văn học đương đại Đài Loan. Với công trình Sử cương văn học Đài Loan, Diệp Thạch Đào trở thành người đầu tiên biên soạn lịch sử văn học dân tộc. Hơn 60 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản hơn 100 cuốn sách bao gồm tác phẩm văn học và công trình nghiên cứu, phê bình văn chương. Diệp Thạch Đào nhận nhiều giải thưởng như: "Giải phê bình văn học" của Hội Văn học Nghệ thuật Trung Hoa (1969), "Giải cống hiến trong lĩnh vực văn hóa" của thời báo Trung Quốc dành cho cuốn Sử cương văn học Đài Loan (1987), "Giải thưởng văn học Oxford" của Đại học Alethia (1998)...

Cuốn sách do nhóm dịch giả khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển ngữ và Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

T.Lê