- Một tập truyện ngắn đầy ám ảnh của cây bút trẻ Nguyễn Anh Đào về những số phận éo le của những người phụ nữ phải gánh chịu những bi kịch về cuộc sống do những hủ tục còn tồn tại trong xã hội.

"Giếng hoang" gồm hai truyện vừa là "Hai giọt sương" và "Giếng hoang".

Truyện "Hai giọt sương" là câu chuyện về người phụ nữ sinh toàn con gái đã mạnh mẽ đứng lên, vượt qua tư tưởng lạc hậu "trọng nam khinh nữ" để giành giật sự sống cho con gái. Nhân vật chính ở đây là Nguyệt. Làm dâu ở một gia đình coi trọng con trai, nhưng Nguyệt chỉ sinh được hai cô con gái. Ở lần mang thai thứ ba, Nguyệt mang thai đôi, nhưng lại là con gái. Mẹ chồng và chồng bắt cô phá thai, nhưng Nguyệt không đồng ý. Chồng Nguyệt đã đánh cô khiến một đứa trẻ trong bụng cô không thể giữ được. Để giữ đứa trẻ còn lại, cô phải nằm bất động ở viện mấy tháng ròng. Đứa con chào đời trong niềm hạnh phúc của người mẹ và nỗi ân hận, day dứt của cha và bà nội.

{keywords}
"Giếng hoang" - tác phẩm ám ảnh về thân phận người phụ nữ.

Song song với câu chuyện về cuộc đời của Nguyệt là lời kể của “hai giọt sương”. Hai giọt sương đã nguyện cầu được làm người. Rồi cả hai cũng được toại nguyện, được hoài thai trong bụng của Nguyệt. Nhưng vì trận bạo hành mà một trong hai giọt sương không được chào đời với hình hài một con người. Giọt sương ấy đã âm thầm ở bên để giúp đỡ, cổ vũ giọt sương còn lại hình thành một con người.

Truyện "Giếng hoang" kể về nhân vật tên Du - một cô bé mồ côi cha mẹ phải ở với dì và dượng từ khi mới sinh ra. Năm 10 tuổi, Du phát hiện mình có cha nhưng dì của Du không đồng ý cho cô tới ở với cha mình vì chuyện bà nội phản đối tình cảm của mẹ và cha Du mà dẫn tới việc mẹ cô qua đời ngay khi vừa sinh cô. Đến năm 16 tuổi, Du mới được phép dọn về ở cùng cha. Nhưng ngày cuối cùng Du ở nhà dì đã bị dượng hiếp dâm, khiến cô hoảng loạn tột độ. Chứng kiến cảnh ô nhục của gia đình, Thúy (con gái của dì và dượng) đã trẫm mình xuống giếng hoang. Sau 8 năm, Du yêu và cưới Lãng. Những tưởng, từ đây, hạnh phúc đã mỉm cười với cô. Nhưng Du đã không thể thắng được những hủ tục, những nghiệt ngã của cuộc sống…

Mẹ Lãng không đồng ý cuộc hôn nhân này vì Du đã không còn trong trắng. Ngày cưới, bà bắt cô không được đi vào bằng cửa chính mà phải vào bằng lối chuồng bò, phải nhảy qua ngọn lửa để trừ tà đến ngất xỉu. Mâu thuẫn cứ mãi nảy sinh, đỉnh điểm là khi sau cưới mãi mà Du vẫn chưa sinh được con, Lãng sa vào rượu chè rồi mất do trúng gió sau một lần đi uống rượu về khuya. Kết thúc truyện là cảnh Lãng hiện về khuyên Du nên tiếp tục cố gắng sống hạnh phúc.

Có thể thấy, những người phụ nữ ở đây dù bị đày đọa, đau khổ đến cùng cực nhưng họ đầy bao dung, nhân ái, luôn muốn tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp. Họ cũng lãng mạn, yêu đời và khát khao yêu thương, làm mẹ, đó là khát vọng rất đàn bà.

Đọng lại sau những câu chuyện đó là những trăn trở, những day dứt về những tư tưởng lạc hậu trong xã hội. Những thân phận phụ nữ, những nỗi đau lặp lại trong cuốn sách cứ ám ảnh chúng ta. Nhưng vượt lên trên hết là tư tưởng nhân văn cao cả, là tấm lòng khoan dung, khát vọng hạnh phúc, đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam.

Một cuốn sách đong đầy giá trị nhân đạo khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ làm sợi chỉ xuyên suốt những câu chuyện. Tác giả đã đi đến tận cùng ngóc ngách tâm hồn, tận cùng nỗi đau sâu thẳm mỗi nhân vật để thổn thức cùng họ.

Ở "Hai giọt sương", tác giả sử dụng nghệ thuật trần thuật theo trật tự thời gian tuyến tính theo quá trình lớn lên của hai chị em. Nội dung được xây dựng mới lạ qua cách kể chuyện lồng song song hai câu chuyện về cuộc đời của Nguyệt và hai giọt sương. Cách xây dựng hình ảnh trong truyện cũng thật giàu giá trị biểu tượng. Hình ảnh hai giọt sương là ẩn dụ cho hình ảnh thai đôi trong bụng Nguyệt.

Ở "Giếng hoang", tác giả đã tổ chức linh hoạt điểm nhìn bên trong nhân vật, tạo dựng liên tục những tiết đoạn độc thoại và đối thoại nội tâm, tạo nên những lớp nghĩa đầy tính chất suy tưởng xoay quanh những cay đắng, bất hạnh của cuộc đời. Hình ảnh chiếc giếng hoang trong truyện cũng đầy tính biểu tượng. Vòng xoáy của cuộc sống nó giống miệng giếng hoang, bên dưới có thể chết chóc nhưng cũng có thể là ánh sáng mà người phụ nữ xã hội hiện đại đang bị cuốn vào và đang buộc phải bước qua...

Linh Giang