Bốn năm nay, cứ mỗi dịp giáp Tết, từng tập trong bộ sách “Sài Gòn chuyện đời của phố” lại ra mắt bạn đọc. Như những khối trầm tích lắng đọng, từng câu chuyện nhỏ của những số phận con người từng sống trên đất Sài Gòn – Gia Định xưa, theo một cách nào đó đã góp phần tạo nên đời sống đa thanh của thành phố này. 

Qua gần 30 bài viết, những chuyện đời hiện ra với đủ chiều kích không gian, thời gian. Chạm tay vào trang sách, cảm giác như đang chạm vào một thế giới cổ xưa, vừa thanh nhã vừa bụi bặm, vừa vất vả, xót xa, vừa thấm đẫm tình người.

Cuốn sách, cũng như tác giả của nó, không ồn ào, không vồn vã, không khua trống khua chiêng. Cứ nhẹ nhàng, giản dị, chân tình mà cuốn hút. Như một ống máy quay, Phạm Công Luận zoom thật kỹ từng chi tiết: mái tóc xức dầu dừa, kiểu tóc bánh lái và chiếc vòng cẩm thạch của người phụ nữ xưa, đến đĩa gỏi khô bò của ông già “Chemise noire” góc đường Lê Lợi. 

Có lúc lia ống kính cận cảnh cô bé Vân mà những người Hoa yêu mến gọi là A Hoành trong hẻm Tô Châu, người mẹ Triều Châu với câu chuyện tình gây sóng gió, chăm chút cho đàn con riêng của chồng đến những tiếng gọi tự phía bên trong của họa sĩ Marcelino Trương Lực và ám ảnh quê cha. Hoặc là thói quen kéo cả nhà đến tiệm ảnh chụp chung tấm ảnh ngày Tết của người Sài Gòn, được minh họa bằng những tấm ảnh xưa thật cảm động. 

{keywords}

Các bài viết “Sống giữa trái tim thành phố”, “Xóm cổ Đít – Xơ – Mít”, “Tiếng rao trên đường phố Sài Gòn”, “Sài Gòn xưa trong mắt André Maire”, “Huỳnh Hiếu – tay trống số một Đông Dương”, “Tiếng đờn ca từ tiệm hớt tóc”, “Chương trình ngâm thơ Tao Đàn”, “Làng Lai Xá, trùm nghề ảnh ở Sài Gòn”, “Ảnh cũ người xưa”, “Phạm Văn Tiếc – cầu thủ Ngôi Sao Gia Định”, “Cuộc sống ven đô Sài Gòn”, “Góp thêm mảnh vụn về một ngôi sao”, “Danh ca hát ở giảng đường”, “Huyền Chi, cô ở đâu” với nhiều phát hiện mới về tư liệu cũng như hình ảnh là những mạch ngầm len lỏi, chắt lọc để tích tụ và mở ra một Sài Gòn xưa thu nhỏ trên tay bạn đọc. 

Cuộc đời buồn nghệ sĩ sân khấu tiền phong Tư Chơi, lừng lẫy từ thập niên 1930 với vai trò thầy Tuồng, chồng đầu tiên của NSND Phùng Há lần đầu tiên được thể hiện qua cái nhìn của người trong gia đình. Làng Lai Xá, một ngôi làng nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng đóng góp rất nhiều cho nghề nhiếp ảnh của cả nước và của Sài Gòn. Bác sĩ Phạm Văn Tiếc, cầu thủ vô địch bóng đá Nam Kỳ thập niên 1920, người viết cuốn sách đầu tiên về bóng đá bằng tiếng Việt để hướng dẫn người Việt chơi bóng thuở ban đầu...

Đó là vài thí dụ mang tính phát hiện mới của tác giả về đời sống thành phố này trong suốt thế kỷ qua, bên cạnh nhiều phát hiện khác trong hầu hết bài viết trong sách. Cuốn 4 bộ sách này vẫn giữ được phong độ từng có của 3 cuốn sách trước.

Ngoài một số minh họa cho các bài viết bằng tranh trích từ bộ tranh chuyên khảo có minh họa về Đông Dương (Monographie dessinée de I’Indochine) do học sinh trường Mỹ thuật Gia Định xuất bản năm 1935 – 1938, bài viết về bộ tranh của André Maire khá thú vị, tranh minh họa đẹp và độc đáo. Dưới con mắt trào phúng, hiếu kỳ của André Maire, Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20 qua những bức tranh của ông gợi lên “một thứ hương xa vắng của một thành phố còn ngây thơ, rụt rè với văn minh đô thị… khiến người xem mênh mang nghĩ và cảm về những bước đi của tổ tiên ông bà mình sống trên thành phố này”. 

Cuốn thứ 4 trong bộ sách “Sài Gòn chuyện đời của phố” của nhà báo Phạm Công Luận đã được tác giả đầu tư công phu, vẫn với mục đích đóng góp những giá trị tinh thần nhằm lưu giữ những nét đẹp của một Sài Gòn xưa trong nhịp sống hối hả hôm nay. Đây cũng là bộ sách về Sài Gòn bán chạy nhất hiện nay.

Mai Hoa