Những điều tưởng như giản đơn, rất đỗi bình dị trong cuộc sống nhưng lại đại diện cho phong cách của con người một thời được gói trong 2 tập tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội và Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn. 

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" là tinh hoa tích tụ từ hàng nghìn năm, từ trăm miền đất nước bồi đắp nên nét đẹp văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Thanh lịch, văn minh là bản sắc đặc trưng của người Hà Nội. Một thứ nếp sống bao quát trên nhiều mặt tạo nên lối sống hào hoa phong nhã của người kinh thành kẻ chợ; chỉ nhìn vào trang phục, dáng đi, nghe tiếng nói là nhận ra ngay.

2 tập tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội và Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn một lần nữa mang đến những trải nghiệm thú vị về con người Hà Nội ở những phương diện bình dị của cuộc sống là ăn và chơi. Những cái thú ấy đã được nâng lên thành một nghệ thuật.

"Có ai mà không ghi nhớ những ngày thơ ấu có tết Đoan ngọ với bữa giết sâu bọ lúc sáng sớm. Cái tục lệ đi tắm lúc bình minh rồi ra đồng hứng những giọt sương trong bông hoa vừng về tra mắt…như khúc nhạc dạo đầu, như màng tự mộ của vở kịch tưng bừng hội quả từ đây cho đến ngày hoa cúc, hoa đào khoe sắc...". 

{keywords}

Từ tản mạn về ăn, tản mạn về uống, người Hà Nội ăn quà, bữa ăn thường ngày, cái bàn nước, nhịp quả đầu mùa, bát nước chấm, gia vị, món luộc, cơm nắm, bún, bánh đúc quê hương, bánh dày bánh giò, xôi lúa, thịt bò khô, bánh cuốn Bà Hai Tầu... tản mạn về chơi, xem hát, ca nhạc ở nhà, thú sưu tập, chơi lá, hoa tết, chuyện giầy dép, nét mặc một thời đến việc lang thang qua mấy chữ "Hàng" gợi cảm, bài thơ áo dài, hương đêm Hà Nội, ngõ Hà Nội, mưa trên phố, Hà Nội mùa sương, cây xanh Hà Nội, đám tang ngày trước, hoa cúng, chợ hoa...

Những điều tưởng như giản đơn, rất đỗi bình dị trong cuộc sống nhưng nó đại diện cho phong cách của con người một thời. Người Hà Nội là thế đó, từ thú ăn, cho đến thú chơi đều toát lên những nét kiêu sa, thanh lịch.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Tiến chỉ ra chất riêng trong văn Băng Sơn rằng, văn của ông đã có sự tiếp nối từ những cây bút tài hoa Vũ Bằng, Thạch Lam nhưng lại có lối viết nhẹ nhàng, chân thành tái hiện sự vật một cách chân thực chứ không nhiều hư cấu dù người viết tùy bút hoàn toàn được làm vậy. Vì thế, người đọc sẽ cảm thấy rất dễ gần, dễ cảm.

Con trai cố nhà văn Băng Sơn - Nhà báo Trần Phương Quang cho rằng, tuy cách ăn chơi của người Hà Nội xưa và nay có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng không thể nói thời nào hơn. Văn hóa không thể đặt lên bàn cân mà sẽ tùy theo cách đánh giá, cảm nhận của mỗi con người, mỗi thời đại.

Tình Lê