GS Ngô Bảo Châu hài hước chia sẻ, khi lâu ngày không được làm toán, ông chỉ muốn ‘đánh nhau’.

Trong khuôn khổ Hội sách mùa thu 2016, sáng ngày 11/9, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi trò chuyện, giao lưu cùng độc giả với chủ đề Tình yêu và toán học. Ông giới thiệu một vài cuốn sách khoa học theo xu hướng mới với độc giả đặc biệt là các bạn trẻ. Ngoài ra, ông còn tiết lộ những bí quyết học tập của bản thân, đồng thời lý giải về mối quan hệ giữa toán học và các lĩnh vực khác.

GS Ngô Bảo Châu tâm sự, ông vào chuyên Toán từ lớp 6 theo định hướng của bố. Ban đầu, ông không cảm thấy thích môn này, nhưng tình yêu với Toán càng ngày càng lớn lên trong quá trình học.

GS thật thà tâm sự, khi mới vào cấp 2, ông học không quá giỏi, tuy nhiên, ông rất "máu". Khi bản thân không thể tìm ra lời giải một bài toán khó mà phải lén xem đáp án, ông cảm thấy “uất ức” vì đã thua trong cuộc chiến với chính bản thân mình. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, chúng ta chỉ có thể tiến bộ khi cảm nhận được "sâu sắc sự dốt nát của chính mình".

{keywords}

GS Ngô Bảo Châu ký tặng độc giả tại buổi tọa đàm ‘Tình yêu và toán học’. Ảnh: Hà Thu.


Bí quyết học toán của GS Ngô Bảo Châu là phương pháp hệ thống hóa: “Khi làm một đề toán, tôi thường nhớ đến những dạng bài tương tự đã làm, chúng giống nhau, khác nhau ở điểm nào về cố gắng hệ thống hóa lại để sau đó, bạn không phải nhớ đến hàng nghìn, hàng triệu dạng bài khác nhau. Ngoài ra, tôi cũng rất khắc nghiệt với bản thân mình trong việc tự tìm ra lời đáp thay vì dễ dàng chấp nhận để người khác giải thích cho mình. Thậm chí, ngay khi có lời giải trong tay, tôi vẫn không bằng lòng với nó mà phải tìm lời giải hay hơn”.

Nói về mối liên hệ giữa tình yêu "bất định" và toán học minh xác, GS Ngô Bảo Châu nhận định, loài người đã cố định nghĩa tình yêu suốt hàng nghìn năm nay nhưng không thành, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những biểu hiện của nó, chẳng hạn như "gặp thì vui, lâu không gặp thấy nhớ nhung".

Tình cảm GS Ngô Bảo Châu dành cho toán học cũng như vậy. Ông hài hước tâm sự: "Trong 2 tháng về Việt Nam, do bận bịu với các hoạt động công tác xã hội, tôi nhớ toán kinh khủng. Nếu các bạn thấy tôi có vẻ khó chịu, các bạn hãy nhớ rằng lâu rồi tôi không có thời gian làm toán. Vì vậy, tôi chỉ muốn đánh nhau thôi! Khi làm toán, tôi có cảm giác như được đối diện với người bạn, người yêu đã lâu ngày không gặp".  

GS Ngô Bảo Châu nhận định, mỗi một lứa tuổi cần có phương pháp đọc sách khác nhau. Ông không khuyến khích việc đọc quá nhiều, ông cho rằng điều quan trọng là người đọc cần xác định mục đích của bản thân và tự biết đặt ra những câu hỏi trong quá trình thu nạp kiến thức.

{keywords}

Cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của mà GS Ngô Bảo Châu là đồng tác giả với nhà văn Nguyễn Phương Văn.

Nói về mối quan hệ giữa toán học và các lĩnh vực khác, đặc biệt là văn chương, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, toán học thực chất là một dạng ngôn ngữ “vượt qua ngôn ngữ thông thường hằng ngày của chúng ta”. Vẻ đẹp của toán học nằm ở chỗ, “nó có thể biểu đạt một số hiện tượng thiên nhiên, xã hội bằng cách ngắn gọn, sáng sủa, rõ ràng và chính xác”. Ông cho rằng, văn chương cũng hướng đến những điều như vậy thông qua con đường biểu đạt khác.

Trong dự án Tủ sách cánh cửa mở rộng, GS Ngô Bảo Châu đã giới thiệu khá nhiều cuốn sách văn chương kinh điển. Ông tìm đến văn học mỗi khi "có tâm trạng" hoặc bản thân ông đang đi tìm lời giải cho một số câu hỏi của bản thân, lúc đó, văn học là tấm gương để vị giáo sư tài ba chiêm nghiệm về cuộc sống: "Mỗi cuốn sách văn học phản ánh cuộc đời mỗi con người và kinh nghiệm của họ, tôi có thể đối chiếu điều đó với cuộc sống của mình, qua đó, tôi tìm thấy một số lời giải đáp, gợi ý cho những vấn đề của bản thân".

GS Ngô Bảo Châu bật mí, đôi lúc, ông cũng đến với văn học đơn giản vì cảm thấy cách diễn đạt của nhà văn đó rất thú vị. Tác phẩm ấy khiến tâm trạng ông vui vẻ, thoải mái hơn dù "câu chuyện ấy chẳng liên quan đến mình".

GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học nổi tiếng, người Việt Nam đầu tiên dành được Huy chương Fields của Hiệp hội Toán học Quốc tế (IMU). Ông là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách Tình yêu và toán học, đồng dịch giả cuốn Oscar và bà áo hồng của tác giả Eric-Emmanuel Schmitt, đồng thời là đồng tác giả cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, xuất bản năm 2012.

Theo Zing