Từng thử sáng tác thơ rồi ngậm ngùi "gác bút"

- Thông thường, một người được đánh giá là thẩm mỹ tốt không chỉ thể hiện ở sản phẩm sáng tạo mà đồng bộ ở việc họ ăn, mặc, ở, nghe xem... và đọc gì. Gu đọc của anh thế nào?

Tôi lại cho rằng nền tảng về trí thức và sự cập nhật, đổi mới không ngừng sẽ quyết định tất cả yếu tố còn lại để phát triển. Tôi không tự nhận mình có thẩm mỹ tốt mà là người có quan điểm riêng, chính kiến rõ ràng. Mọi sự mày mò, gạn lọc hay vốn kiến thức cao siêu tới đâu đều phải dựa trên nền tảng. 

Nền tảng ở đây có thể là cách bạn dành thời gian đọc sách, trang bị sự hiểu biết, bồi đắp kiến thức của chính mình bằng những ngôn ngữ văn học. Khi có được kiến thức sách vở vững chắc, ta song song tới với việc học bằng mắt và thực tế.

Chẳng vậy mà ngày nay người ta hay có câu "Back to basic" (quay về giá trị cơ bản - PV) để thấy tầm quan trọng của “nền tảng căn bản" thế nào trong việc phát triển, sáng tạo mọi yếu tố của đời sống, sự nghiệp của chính bạn và hoàn thiện cái "vóc" của một cá tính không trộn lẫn của một con người.

{keywords}
Tùng Dương: Nghệ sĩ trích dẫn kiến thức sai là hơi liều!

So với rất nhiều người bạn của mình, tôi tự nhận thấy mình không phải là người đọc quá nhiều. Tuy nhiên, tôi luôn ý thức gắt gao tầm quan trọng của việc đọc sách.

Tôi sinh ra trong một gia đình có các ông trẻ là nhà thơ, nhà văn Phạm Hổ, Phạm Văn Ký, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ... Bố và bác ruột của tôi đều là nhà giáo giảng dạy bộ môn Văn học Việt Nam và Văn học Nga. Sống trong một "bầu khí quyển" giáo dục và văn chương như vậy, tuổi thơ của tôi cũng có thói quen hoàn thiện kiến thức, tri thức của mình qua việc đọc sách.

Từ nhỏ, tôi “chuyên trị” các bài hát người lớn về tình yêu thay vì các bài thiếu nhi, đã là già dặn trước tuổi rồi! (cười) Từ lúc đó, tôi cũng hình thành bản năng luôn lựa chọn cái gì khác biệt, theo năm tháng hình thành gu riêng của mình.

- Anh chia sẻ cụ thể hơn thói quen đọc của mình?

Tôi không thể đọc ở những nơi công cộng, ồn ào. Đã đọc sách phải ở những nơi cực kỳ yên tĩnh. Tĩnh lặng cho tôi sự tập trung cao độ để thẩm thấu một cách hiệu quả và nhanh nhất. Dĩ nhiên sẽ có những cuốn sách, những chương hay trường đoạn, bạn phải đọc đi đọc lại mới thẩm thấu. Cho phép tôi không nói số lượng mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách. Biết đâu tôi nói ra người khác lại cười vì chưa ăn nhằm gì với những “mọt sách” đích thực. 

Ở thế hệ của mình, chúng tôi được tiếp cận nhiều nhất với văn học và điện ảnh Xô Viết thời thơ ấu. Đó là những tác phẩm với tầm ảnh hưởng đến lịch sử của Maksim Gorky – người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội trong văn chương đồng thời là nhà hoạt động chính trị người Nga. Tôi nhớ mãi câu nói của ông: Văn học là nhân học. Các danh tác như Chiến tranh và hoà bình (Lev N. Tolstoy); Thép đã tôi thế đấy (Nikolai A. Ostrovsky); Ruồi trâu (Ethel L. Voynich)… cũng như gắn bó với tôi, gia đình tôi và rất nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu văn hoá Nga. Với chúng tôi, những tác phẩm huyền thoại ấy đã thuộc làu từng trang.

Khi được chọn vào lớp chọn Văn của trường THCS, tôi tự mở rộng cho mình để tìm đọc các tác phẩm. Cả một chân trời văn học đã mở ra. Có lẽ sự nhạy cảm, bản năng nghệ sĩ đã thôi thúc tôi trở nên yêu thơ văn từ lúc nào. Tôi từng tập tành sáng tác thơ đấy nhưng rồi nhận ra dường như ông Trời không cho ai tất cả…

{keywords}
 

Nghệ sĩ trích dẫn sai kiến thức là hơi liều 

- Việc đọc bổ ích với Tùng Dương thế nào trong tư cách ca sĩ, tư cách người của công chúng và tư cách con người trong thời đại mới?

Mỗi người sẽ có cách rèn luyện để hoàn thiện chính mình với đam mê khác nhau để hướng tới nghề nghiệp của mình. Tôi nghĩ ở thời đại nào, con người cũng phải trau dồi và mở rộng kiến thức của mình. Có những điều không thể giải quyết ý nghĩa của nó tốt hơn con chữ được. Đọc một cuốn sách cho phép bạn tìm được giá trị thông qua nội dung, tính triết lý của nó. Tôi nhớ triết gia người Scotland Thomas Carlyle từng nói: Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách.

- Một số nghệ sĩ Việt phát ngôn sai kiến thức, thông tin, thậm chí là sai một cách ngô nghê đến khó hiểu, chưa kể phần hình thức. Điều này không ổn nếu nghệ sĩ trong một hình thái xã hội là những người có sức ảnh hưởng đến số đông. Phải chăng, thực trạng này có một phần do nghệ sĩ quá bận rộn nên ít đọc? Trách nhiệm của nghệ sĩ với phát ngôn của mình trước đại chúng nên thế nào?

Thời đại công nghệ, việc đọc sách giấy sẽ ít hơn so với đọc online đồng thời văn hoá nghe - nhìn lấn át văn hoá đọc. Điều này khiến các bạn trẻ có vẻ như xa dần với thói quen đọc mỗi ngày, thay vào đó là mở rộng các chương trình online. Việc này có những mặt hiệu quả nhưng cũng mang lại điều đáng tiếc về sự khiếm khuyết hay cảm xúc thiêng liêng thế nào khi ta đọc xong và suy ngẫm một cuốn sách. Sách có thể dạy chúng ta cách giải quyết những khúc mắc, cách nhìn, tháo gỡ dễ dàng mọi vấn đề trong cuộc sống.

Với người của công chúng, họ càng phải cẩn trọng hơn trong hiểu biết của mình. Theo tôi, việc phát ngôn, nhận định thường mang tính cá nhân nên hãy khoan phán xét đúng sai nhưng khi bạn trích dẫn kiến thức mà để sai, lỗi thì quả là hơi liều! (cười) Hành động ấy vô tình sẽ cho khán giả của bạn phần nào nhìn thấy văn hoá đọc của bạn ở mức nào. Do vậy, tôi có kinh nghiệm rằng không bao giờ trích dẫn những gì mà tôi không chắc chắn.

{keywords}
Việc đọc bổ ích cho Tùng Dương nhiều phương diện, trong đó có tư duy và thẩm mỹ.

- Nếu phải review sâu 1 cuốn sách mà anh tâm đắc với độc giả VietNamNet, đó sẽ là tác phẩm gì nhỉ? Cuốn sách ấy tác động đến anh hay (có thể) thay đổi anh, như thế nào?

Suốt mùa dịch, tôi dành thời gian làm nghệ thuật cũng như đọc sách. Sách cho tôi chìm vào thế giới của tác phẩm ấy. Cuốn sách tôi đang đọc là Zarathustra đã nói như thế của Friedrich Nietzsche – một triết gia người Đức. Đó là cuốn sách đầy ẩn ý thâm thúy với luận thuyết sâu sắc lẫn bí ẩn về triết học và đạo đức học, có nhân vật chính hư cấu là Zarathustra.

Có lẽ nhiều bạn đọc của VietNamNet cũng đã đọc cuốn này và tìm nhiều điều tâm đắc cho mình nhưng vẫn muốn giới thiệu lại. Tôi thích triết lý của F. Nietzsche qua những câu nói thú vị tới mức ám ảnh như: Người chiến đấu với quái vật nên cẩn thận, đừng để bản thân cũng biến thành quái vật trong cuộc chiến.

Nếu chỉ đọc Kẻ phản Ki –Tô, có lẽ tôi sẽ chỉ cảm thấy Nietzsche là một nhà triết học điên. Tác phẩm với tư tưởng của ông như tìm ra đường đi cho loài người, đưa ra con đường mới, những giá trị mới hướng tới cho đời sống, tìm ra ý nghĩa của việc sống và tồn tại.

Vì vậy, tôi luôn quán chiếu về tính triết lý được đưa ra, truyền cảm hứng cho chính mình cũng như hoàn toàn an tâm với sự lựa chọn của mình trên độc đạo và sáng tạo của chính mình. Điều đó được tôi rút ra từ việc đọc sách.

Sách trong nhà nhiều ngang đĩa CD

- Hình như nhà Tùng Dương có một tủ sách to. Tủ sách có vai trò gì với anh nói riêng và với gia đình người Việt nói chung?

Tủ sách của tôi được trưng bày cùng với kệ đĩa CD, số lượng của chúng tỷ lệ thuận với nhau. Khi ta biết sắp xếp chúng một cách logic, hợp lý cũng phần nào thể hiện lòng trân trọng sự đọc của mình. Với tôi, đó là cả một bầu trời kiến thức đã cho tôi quá nhiều những triết lý sống, vốn kiến thức để ứng dụng và suy ngẫm.

Nhờ chiếc tủ này, tôi bước qua những hạn chế, những điều tưởng chừng không làm và hoạch định được của chính mình. Điều quan trọng nhất sau khi gấp cuốn sách là bạn vận dụng được gì vào đời sống để cải thiện mục đích sống, bồi đắp cho công việc của mình. Với tôi, mọi kiến thức để phục vụ cho nghệ thuật của mình tiên tiến hơn. Đó cũng là sự không thỏa hiệp để dừng lại của mỗi người.

Tủ sách và CD nhà Tùng Dương.

- Tôi có nghe anh đang ấp ủ một dự án nào đó. Đọc nhiều trong thời điểm này cũng là một cách chắt chiu, gạn lọc cho dự án ấy?

Tôi đang thực hiện album mới với tên gọi Human (Con người) – cũng là một thông điệp độc đáo đến bất biến về vạn vật , con người...  Với đề tài rộng lớn này, việc đọc sách đã góp phần phản ánh chân thực nhất thế giới quan của tôi tại thời điểm này.

Human là sự sáng tạo trở lại của tôi sau vài năm chưa có album mới. Nó sẽ là một concept album (album chủ đề - PV) rất đặc biệt với tôi, thể hiện một Tùng Dương với những suy tưởng, suy ngẫm của thời điểm chuẩn bị bước vào trung niên. Dĩ nhiên tôi vẫn giữ thái độ luôn luôn đòi hỏi khắt khe đến khắc nghiệt với chính mình trong sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng Human sẽ không làm khán giả, fan ruột của mình thất vọng!

Năm đầu sách hay Tùng Dương đề xuất độc giả VietNamNet: Một mùa ở địa ngục (Sách thơ Arthur Rimbaud); Suối nguồn (Ayn Rand); Lịch sử Do Thái (Paul Johnson); 100 Contemporary Artists A-Z (Taschen); và Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật (Denis Diderot).

Gia Bảo

MC Liêu Hà Trinh: Sách của tôi như thức ăn nhanh

MC Liêu Hà Trinh: Sách của tôi như thức ăn nhanh

"Chúng ta đang thiếu hụt về cảm xúc, thứ không tìm thấy được trong những cuốn luận đầy nghẹt kiến thức hàn lâm", Liêu Hà Trinh nói về mảng văn trẻ Việt Nam.