Gắn với nghiệp sân khấu và hài kịch nhiều năm năm nay nhưng ít ai biết được nghệ sĩ Trung Dân có cả một khoảng trời riêng đằng sau những tiếng cười 'mua vui cho thiên hạ'.

Nghệ sĩ Trung Dân là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều những ngày qua liên quan đến phát ngôn hỗn hào của Hương Giang Idol trong một gameshow. Vốn không phải người ồn ào, cũng ít khi tham gia các gameshow nên việc nghệ sĩ Trung Dân bức xúc rời khỏi chương trình vì câu trả lời của Hương Giang Idol là điều dễ hiểu.

Sinh năm 1967 ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, Sài Gòn trong một gia đình sinh sống bằng nghề nông. Từ nhỏ, ông đã có lòng đam mê biểu diễn trên sân khấu nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trung Dân đã nộp đơn thi vào trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) và tốt nghiệp khóa diễn viên vào năm 1992. Xuất thân từ nông dân, có lẽ chính vì thế mà Trung Dân luôn chọn cho mình hình ảnh của một anh nông dân hay một chàng hai lúa, nhà quê trong các vai diễn ở phim ảnh hay các vở kịch.

{keywords}
 Trung Dân được đàn em Hoài Linh, Trấn Thành kính nể 

Hình ảnh của một lão nông dân khó tính hay chửi bới, nói móc mỗi khi xuất hiện trên sân khấu đã trở thành thương hiệu rất riêng mà chỉ có ở Trung Dân.

Lắng đọng đằng sau những vai diễn cười ra nước mắt, nghệ sĩ Trung Dân từng tâm sự trên Đời sống và pháp luật: "Dù hiện nay tôi cũng đã được những thành quả bước đầu và gặt hái cũng không ít thành công trên con đường nghệ thuật nhưng tôi vẫn mãi là tôi. Tôi vẫn là một người con của đồng ruộng, của một miền quê nghèo và chính cái miền quê ấy, sự chân tình của những người nông dân đã giúp cho tôi có được những vai diễn rất thực và khá gần gũi với những người nông dân một nắng hai sương".

Bị đồng nghiệp nghi kỵ, đưa vào tròng

Hầu như tham gia nhiều vào các bộ phim, vở kịch nhưng ít thấy nghệ sĩ Trung Dân tham gia vào các buổi họp báo ra mắt phim, kịch. Anh từng chia sẻ lý do 'biến mất' tại các buổi họp báo trên Thể thao văn hoá: "Tôi từng đến lễ ra mắt phim của Hồng Ánh vì cô ấy mời nhiệt tình quá, nhưng đến rồi thì xuống ngay phía sau nói chuyện với mấy anh âm thanh, ánh sáng rồi đi về. Cảm giác của tôi ngay lúc đó là nếu được mời đến những nơi như thế lần nữa, tôi sẽ từ chối. Bởi đi về tôi khó ngủ lắm. Tôi nhìn thấy ở hầu hết mọi người đến đó sự tò mò, ánh mắt ganh tị, nụ cười giả tạo. Nhìn vào đó tôi càng hiểu một điều, làm sao nghệ thuật có thể phát triển khi trong máu những người làm nghệ thuật sự ích kỷ nhiều hơn bèo hoa dâu, còn sự công bằng, trung thực là cái gai, cục gạch cho sự thẳng tiến của nhiều người".

Gắn bó với sân khấu kịch hơn chục năm nhưng nghệ sĩ Trung Dân cuối cùng cũng phải rời thánh đường này bởi một biến cố rất lớn đã xảy ra ở đó mà người trong làng kịch hầu như ai cũng biết. Có một sự hiểu lầm rất lớn, nghệ sĩ Trung Dân không liên quan trực tiếp nhưng ông lại bị cuốn theo sự hấp dẫn của câu chuyện về việc báo ân, báo oán.

"Một người thầy đã từng cưu mang học trò và sau đó bị chính người học trò đó tố cáo, bị khai trừ khỏi Đảng và đuổi ra khỏi trường. Rất nhiều người đã bị cuốn vào chuyện này, bị hành hạ tinh thần bởi những cú điện thoại nặc danh và tôi đã bị vu khống là người gọi, đến mức công an phải vào cuộc. Rất may sự việc đã dừng lại mà không xảy ra điều tồi tệ nhất. Tôi sẽ làm phim về chuyện đã xảy ra với tôi, những câu chuyện mà tôi không tiện nói với truyền thông", nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ trên Tri thức trẻ.

Cũng theo người nghệ sĩ chuyên trị vai nông dân này, ông cũng từng bị vu khống là ăn cắp, đánh người khi quay phim "Bìm bịp kêu chiều".

{keywords}
Những vai nông dân đã gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ Trung Dân

Ồn ào ngoài cánh cửa

Cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Trung Dân gặp nhiều trắc trở bởi những nghi kỵ, bởi tính thẳng thắn của ông nhưng sau tấm màn nhung lại có một Trung Dân hoàn toàn khác.

Ông về nhà, trồng rau trên sân thượng. Cả không gian tĩnh lặng của vùng nông thôn gắn bó tuổi thơ ông ngày nào đã hiển hiện gần như đủ đầy trong căn nhà 3 tầng khang trang của ông giữa lòng Sài Gòn.

{keywords}
Thú vui của nghệ sĩ Trung Dân sau ánh hào quang của nghệ thuật

Thời gian rảnh, nghệ sĩ Trung Dân ngồi viết văn, ông chỉ nhận mình nghiệp dư trong việc viết lách vì chỉ viết những gì mình thích, vơi đi những tâm sự chất chứa chứ không hoàn toàn vì mục đích mưu sinh. Chả thế mà cho tới bây giờ, nghệ sĩ Trung Dân sở hữu 22 truyện ngắn mà toàn viết về nông dân, làng quê.

Nhưng rời văn chương, Trung Dân cũng có thú khác, đó là vẽ tranh. Tranh ông vẽ treo đầy nhà tịnh không bán. Người nghệ sĩ đa tài, cũng nhiều scandal vô tình bủa vây trong quãng đời nghệ thuật nhưng cứ thế đằng sau mỗi tiếng cười 'mua vui cho thiên hạ' Trung Dân tìm về ngôi nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn, ông không phải diễn mà thực sự sống với những gì mình muốn, với gia đình nhỏ và các con yêu dấu.

Bích Ngọc