Các chuyên gia phim ảnh nổi tiếng ở Đông Nam Á tỏ ra kinh ngạc vì đến giờ đa số phim truyền hình Việt Nam còn tiến hành lồng tiếng.

{keywords}
Cầu vồng tình yêu là một trong những phim truyền hình thu tiếng trực tiếp của diễn viên.

Một sự kiện được giới làm phim cũng như báo chí quan tâm trong Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình đầu tiên tại VN diễn ra từ 19-21/6 tại Hà Nội là cuộc hội thảo nâng cao chất lượng phim truyền hình.

Ngoài hai đại diện của Việt Nam là đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài THVN (VFC) và bà Bích Hạnh - PTGĐ công ty BDH còn có nhà làm phim Chee Kong Cheah - Giám đốc bộ phận sáng tạo của Group Entertainment tại Singapore, bà Janine Stein - TBT tạp chí ContentAsia Singapore và ông Mohd Mahyidin Mustakim - Giám đốc điều hành Hiệp hội sáng tạo nội dung Malaysia (FINAS).

Sau khi các bên đã trao đổi về tình hình làm phim ở nước mình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải có nói rằng một trong những cố gắng của trong việc nâng cao chất lượng phim truyền hình cũng như giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm thời gian chính là cố gắng sắp tới các phim đều tiến hành thu hình và tiếng trực tiếp. Thông tin này khiến cả 3 vị khách nước ngoài đều ngạc nhiên, vì họ không tưởng tượng được rằng đến giờ Việt Nam vẫn làm phim truyền hình kiểu lồng tiếng.

Ông Mohd Mahyidin Mustakim nói rằng trước đây Malaysia cũng chủ yếu tiến hành lồng tiếng cho phim nhưng đã 12 năm nay hình thức này đã hoàn toàn biến mất khỏi đời sống làm phim của quốc gia này. Trong khi đó, đa phần phim truyền hình Việt Nam đến giờ vẫn chủ yếu tiến hành làm phim kiểu hình một đằng mà tiếng một nẻo.

Năm 1996, bộ phim Gió qua miền tối sáng khi công chiếu đã tạo ra ý kiến nhiều chiều chính bởi đây là một trong những bộ phim hiếm hoi đầu tiên tiến hành thu tiếng trực tiếp mà khán giả thì chưa quen với việc nghe giọng thật của các diễn viên. Với các bộ phim dài tập, trừ những vai diễn đặc biệt việc tiến hành lồng tiếng là một công việc cực kỳ phức tạp và mất thời gian.

Chính vì vậy, các dự án phim dài hơi sau này như Cầu vồng tình yêu, đặc biệt là phim sitcom như Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Dù gió có thổi... đều tiến hành thu tiếng trực tiếp và dần chiếm được cảm tình của khán giả.

{keywords}
Đa số các đạo diễn đều chọn giải pháp an toàn là lồng tiếng cho phim.

Tuy nhiên, việc thu hình và tiếng trực tiếp không được nhiều nhà làm phim lựa chọn, các diễn viên nghiệp dư thì lại càng sợ hơn. Bởi chỉ có các diễn viên có khẩu hình tốt mới thích hợp với những phim dạng này. Thêm nữa, nó đòi hỏi họ phải học thuộc thoại, thực sự nhập tâm và nhập vai để vai diễn không bị giả và cứng. Đặc biệt với những cảnh đòi hỏi diễn xuất nội tâm và diễn viên phải gào khóc khi thoại trực tiếp thì thực sự là thách thức với họ. Việc thu hình và tiếng trực tiếp cũng đặt các đạo diễn vào tình huống khó khăn hơn bởi khó mà tiến hành lồng tiếng riêng cho mỗi cảnh quay có lỗi.

Sự phát triển của các bộ phim thu hình và tiếng trực tiếp cho khán giả cơ hội được nghe nhiều giọng nói đa dạng hơn thay vì cứ nghe lặp đi lặp lại một vài giọng nói quen thuộc lồng tiếng cho hết bộ phim này đến phim khác, từ vai người già đến vai người trẻ, từ chị nhân viên văn phòng đến cô bán cá ngoài chợ.

Khán giả cũng đã phát ngán với cảnh miệng diễn viên thì nói một đằng mà tiếng thì lại đi một nẻo rồi danh xưng thay đổi tứ tung chỉ vì diễn viên lồng tiếng ẩu. Đã thế, có đạo diễn còn "mạnh dạn" đổi giọng của nguyên một dàn diễn viên người Bắc sang giọng Nam khi phim công chiếu mà không rõ vì mục đích gì khiến nhiều người xem mà cứ tức anh ách.

Một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong cuộc hội thảo nâng cao chất lượng phim truyền hình diễn ra tại Hà Nội chiều 20/6 chính là vấn đề chất lượng và kinh phí. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải ngay lời phát biểu mở đầu đã khẳng định dù số lượng phim truyền hình thời gian qua không ngừng tăng lên, phim Việt phủ sóng rộng hơn trên truyền hình nhưng điều đó lại không đồng nghĩa với chất lượng. Và càng đi sâu vào làm phim anh càng thấy thiếu những nhà sản xuất giỏi biết nắm bắt được thị hiếu khán giả, biết tổ chức sản xuất.

Vấn đề kinh phí cũng là một hạn chế lớn khiến phim truyền hình Việt Nam khó bán được cho nước ngoài. Bà Bích Hạnh của công ty BHD nói vấn đề của chúng ta là không có kinh phí để thực hiện một tập phim giới thiệu để chào hàng các hãng nước ngoài như trường hợp của bộ phim ca nhạc Kitchen Musical của đạo diễn Chee Kong Cheah (Cheek). 

{keywords}
Kitchen Musical giành 1 đề cử International Emmy Awards 2012.

Kitchen Musical gồm 13 tập với thời lượng 60 phút mỗi tập. Bộ phim ca nhạc với nội dung xoay quanh căn bếp ở một nhà hàng này đặc biệt nổi tiếng ở châu Á và đạt được tỉ lệ người xem rất cao ở Singapore, Malaysia... 

Cheek cũng đã mang tập phim giới thiệu cùng vài trích đoạn ấn tượng trong Kitchen Musical để giới thiệu cho khán giả Việt Nam. Anh nói ngày nay khán giả có rất nhiều lựa chọn do vậy áp lực với các nhà làm phim cực lớn. Làm sao để làm ra một bộ phim có nội dung hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả, có nội dung, có diễn xuất, có hát, có nhảy....và thuyết phục được nhà đầu tư bỏ tiền cũng như khiến các đài truyền hình hứng thú mua nó. Cheek cho hay những bộ phim như Kitchen Musical không thể làm trong thời gian ngắn và cũng ngốn nguồn kinh phí cực cao.

Trong khi đó, phần lớn các bộ phim truyền hình Việt Nam hiện nay đều đang được làm với tốc độ nhanh chóng mặt, có phim chỉ cần 1 ngày để hoàn thành 1 tập và 1 diễn viên có thể chạy sô vài ba phim trong 1 ngày. Từ Kitchen Musical, câu hỏi đặt ra là đến khi nào phim truyền hình Việt Nam mới đạt được chuẩn quốc tế và tìm được ngôn ngữ chung để tiến ra thế giới khi vẫn đang làm phim ở giai đoạn lồng tiếng như hiện nay?

Hoàng Vy