- Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014 diễn ra tối ngày 13/11.

Đây là những cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành giáo dục và xã hội.

{keywords}

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tối 13/11 - Ảnh: Văn Chung

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Dù tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương, nhưng những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.

Không có thầy cô giáo không có giáo dục, không có giáo dục nói gì đến kinh tế, văn hoá…

Chắc chắn rằng mãi mãi sau này người thầy giáo và nghề giáo sẽ luôn được tôn vinh. Ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ luôn là ngày hội của nhân dân ta”.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần thấy rằng chất lượng thầy cô giáo, chất lượng cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo. Do vậy, tôi đề nghị Bộ GDĐT cần chú trọng chỉ đạo hơn nữa công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong đó chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo, thường xuyên chăm lo phẩm chất chính trị, đạo dức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo...

Để người thầy giáo thật sự là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh, là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, khát khao cống hiến cho những thế hệ học trò; là những tấm gương sáng để học trò noi theo”.

Bí quyết làm nghề

Trao đổi bên lề lễ kỷ niệm, mỗi Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho biết có phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khác nhau. Nhưng điểm chung nhất của những người thầy này là học hỏi và làm việc không ngừng.

GS Lê Quang Long, nguyên Trưởng Bộ môn Sinh lý người và Động vật, Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay đã 95 tuổi. Nhiều sinh viên của thầy đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành, công tác tại những trung tâm khoa học lớn của đất nước như ĐHQG Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…

{keywords}

GS Lê Quang Long, nguyên Trưởng Bộ môn Sinh lý người và Động vật, Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội,  95 tuổi, là một trong những NGND năm nay - Ảnh: Văn Chung

Là nhà giáo cao tuổi nhất trong đợt trao tặng năm nay, người thầy có 64 năm làm việc liên tục xúc động cho biết thầy đã từng dạy qua 16 trường phổ thông, 37 trường đại học trong cả nước. Khi tới tuổi về hưu, thầy vẫn xin tiếp tục được công tác, vẫn đi thỉnh giảng, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học...

PGS.TS Lê Đình Trung, cũng là giảng viên Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, chia sẻ: “Trong 44 năm công tác ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi đã cống hiến hết sức cho sự nghiệp đào tạo sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, đặc biệt đối với nhiệm vụ phụ trách khối khoa học công nghệ của nhà trường. Tôi luôn cố gắng học hỏi thế hệ đi trước để làm tốt cả hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Hiện nay, thầy Trung vẫn tiếp tục cùng các đồng nghiệp trẻ nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

“Đào tạo sư phạm là đào tạo nghề, nên cần phải theo hướng đào tạo năng lực cho giáo viên, để sinh viên ra trường có thể làm việc tốt. Nhất là trong giai đoạn này, khi công việc đổi mới giáo dục đào tạo đang được triển khai. Người thầy phải truyền được sự nhiệt tình vào bài giảng cho người học, cũng là truyền nhiệt huyết, kinh nghiệm cho tương lai”.

Cô Mai Thị Thắm, giáo viên trường Tiểu học An Lộc B, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước là người trẻ tuổi nhất được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú của năm nay. Cô Thắm cho biết cô được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên đã sớm phải rời trường phổ thông. Sau đó cô theo học chương trình trung cấp sư phạm 9 + 3.

{keywords}

Cô Mai Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học An Lộc B, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Văn Chung

Rồi cô tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, rồi đại học. “đứng trên bục giảng, nhìn vào ánh mắt học trò, tôi thấy rằng kiến thức cơ bản lĩnh hội ở trường là chưa đủ. Tôi tiếp tục học thêm ở thầy, ở bạn bè đồng nghiệp. Gần gũi với học trò để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp với mỗi học sinh” - cô Thắm tiết lộ bí quyết làm nghề của mình.

“Hiện nay có rất nhiều vấn đề trong ngành giáo dục. Có rất nhiều câu chuyện vui nhưng cũng có những chuyện buồn. Quan trọng nhất là cái tâm đối với nghề” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Giảng viên cao cấp, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQG Hà Nội tâm sự.

“Nghề giảng dạy đòi hỏi cao. Người dạy phải luôn nâng tầm trí tuệ, kiến thức của mình để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Nói một cách dân dã, mình đã đi dạy thì phải xứng đáng là người đi dạy, phải phấn đấu không ngừng”.

Từ năm 1988 đến năm 2012, qua 12 đợt xét, Chủ tịch nước đã phong tặng 528 Nhà giáo nhân dân và 6735 Nhà giáo ưu tú. Riêng năm 2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 39 Nhà giáo nhân dân và 680 Nhà giáo ưu tú.

Trong số 39 nhà giáo nhân dân được phong tặng hôm nay có 2 nhà giáo là nữ. Nhà giáo nhân dân cao tuổi nhất năm nay là GS Lê Quang Long (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), 95 tuổi.

Trong số 680 nhà giáo ưu tú được phong tặng có: 288 nhà giáo là nữ; 19 nhà giáo là người dân tộc; 432 nhà giáo đang làm việc tại các trường phổ thông, 248 nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học. Nhà giáo ưu tú trẻ tuổi nhất năm nay là Cô giáo Mai Thị Thắm (tỉnh Bình Phước), 34 tuổi.

Ngân Anh