- Tưởng mọi chuyện lắng xuống trong mớ bòng bong bế tắt, mới đây GS Ngô Bảo Châu - đăng đàn phát biểu về giáo dục. GS nói về sự tha hóa và những đức tính tốt cần có của người học... Tuy nhiên giải pháp thì vẫn chưa có. GS không cho biết là vì sao?

>> GS Ngô Bảo Châu: 'Không nên thần tượng cá nhân nào'
>> Độc giả phản hồi giờ giảng của GS Ngô Bảo Châu
>> Giờ giảng 'học làm người' của GS Ngô Bảo Châu
>> GS Ngô Bảo Châu bàn về thần tượng, sự tha hóa


VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Nguyễn Văn Thạnh - cung cấp một góc nhìn khác về giáo dục Việt Nam.

GS Ngô Bảo Châu giảng bài ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Sửa chỗ này lại hỏng chỗ khác

Giáo dục là một câu chuyện dài kỳ ở Việt Nam. Từ chuyện mọi việc rất nhịp nhàng, cả nền giáo dục được giao chỉ tiêu đào tạo, phân bổ công việc trong nền kinh tế bao cấp - đến lúc chuyển sang kinh tế thị trường thì mọi việc rối loạn. Bộ GD-ĐT và người dân đi sửa những rối loạn đó, tuy nhiên đến giờ gần như chưa có giải pháp căn cơ.

Giảm tải, thay sách giáo khoa, đầu tư nâng cấp giáo viên, triển khai mô hình giảng dạy mới, thi trắc nghiệm, tuyển sinh ĐH ba cùng, cho liên thông, chấn chỉnh liên thông, cấm liên thông,…..Nói chung "càng sửa càng rối".

Quan niệm về ngành nghề

Ngày xưa tôi nghe cô giáo dạy: giáo viên là một nghề cao quí, một kỹ sư tâm hồn, rồi bác sĩ cũng là nghề cao quí vì cứu người. Rồi lớn lên tôi thấy xây dựng cũng là nghề cao quí vì xây nhà ở- có an cư mới lạc nghiệp, rồi lãnh đạo cũng vô cùng quan trọng nên có chế độ phụ cấp riêng...

Nay chính phủ xác định ngành nghề này phải ưu tiên phát triển, mai lại xác định ngành nghề khác là quan trọng, phải đầu tư, rồi xác định ngành nghề nọ chính quyền phải nắm để bảo đảm an ninh cho nền kinh tế. Kết quả của việc đó là thấy ngành nghề nào cũng quan trọng, cũng phải đầu tư và cuối cùng là thị trường rối loạn, nay thừa, mai thiếu, gây mất cân đối nghiêm trọng.

Chính lối suy nghĩ phức tạp của chúng ta làm cho ta chạy theo thúc đẩy ngành này, quan tâm ngành nọ, làm cho nền kinh tế vận hành rối rắm như canh hẹ.

Giáo dục trong hệ thống kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, giáo dục là một ngành nghề, một bộ phận. Sản phẩm cung ứng ra thị trường của nó là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là đầu vào của tất cả quá trình sản xuất. Nếu đầu vào tốt thì quá trình sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ tốt, nếu tồi thì quá trình sản xuất cho ra kết quả tồi. Việc này cũng giống như dùng bột mì làm bánh, bột tốt thì bánh ngon, bột dỏm thì bánh dở. Đến lượt ngành giáo dục cũng sử dụng rất nhiều sản phẩm đầu vào của ngành khác: đất đai, công trình trường lớp, bàn ghế, điện nước, máy tính,…..và của chính nó (giáo viên, nhân sự).

SV Trường ĐH mở TP.HCM giao lưu với GS Ngô Bảo Châu

Nếu sản phẩm nó làm ra không chất lượng: đào tạo kém, chuyên môn yếu,…thì bị thị trường đào thải. Người đi học cũng giống như một người tiêu dùng. Chị nội trợ sẽ không mua hoặc không trả giá cao cho con cá bị ươn vì không có lợi cho mình. Nhà kinh doanh cũng không mua hàng hóa nơi nhà máy sản xuất kém vì không có lợi cho mình.

Người đi học cũng sẽ không tốn tiền và công sức nếu đi học mà không kiếm được việc có thu nhập cao hơn. Tín hiệu giá cả và lợi nhuận cũng ảnh hưởng đến giáo dục như mọi nghề khác. Nghề nào có nhu cầu thì nhiều người học, nghề nào ít thì ít người học. Nơi nào đào tạo tốt thì nhiều người đến học, giá cả có thể tăng và lợi nhuận được nhiều. Ngành nghề nào được nhiều người học thì các trường sẽ mở rộng dạy và cạnh tranh nhau về giá học phí.

Trong hệ thống giáo dục, người dạy và người học cũng có động lực tìm kiếm quyền lợi, lợi nhuận như tất cả mọi ngành kinh tế khác. Là giáo viên, ai không muốn được có lương cao như các nhân viên ngành kinh tế khác? Muốn có lương cao thì phải tạo ra được lợi nhuận thông qua dịch vụ tốt. Là người học cũng như là một nhà đầu tư, không nhà đầu tư nào không muốn thu nhiều hơn chi? Bỏ tiền ra đi học để có việc làm tốt, có lương cao là một động lực chính của người đi học.

Nhiều người cho rằng, quan niệm này thực dụng việc học quá. Đi học không chỉ là để đi làm mà còn là mục tiêu học làm người, học để yêu tổ quốc, học để sống nhân văn hơn,….Tôi cho rằng quan niệm trên không sai. Tuy nhiên phú quí ắt sinh lễ nghĩa. Khi giàu có, nền pháp lý nghiêm minh thì con người sống nhân văn hơn. Khi giàu có, con người có điều kiện để tìm hiểu nhiều cái khác hơn, có thời gian và tiền bạc để sinh hoạt văn hóa hơn.

Khi thị trường cần thì nền giáo dục sẽ cung ứng. Hiện nay có rất nhiều lớp học, rất nhiều diễn giả cung ứng bài giảng về kỹ năng sống, quan niệm xử thế, nữ công gia chánh,….Tất cả từ nhu cầu thị trường, nhu cầu cuộc sống của con người mà ra.

  • Nguyễn Văn Thạnh (Đà Nẵng)