-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ví von một trong những yếu kém của giáo dục nước nhà  với "nhà cao tầng".

Theo ông Luận, hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục là một điểm yếu của giáo dục Việt Nam.

{keywords}
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hệ thống giáo dục hiện nay được ví như một nhà cao tầng, từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ. Đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại, muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải vòng xuống tầng 1 để lên.

Ông cũng nói thêm, qua tổng kết đánh giá thực trạng về giáo dục Việt Nam hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quá trình phát triển khoa học giáo dục và tổ chức dạy - học ở trường phổ thông, ngành giáo dục nhận thấy cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học hiện nay giống như của các nước khác cách đây 30 - 40 năm trở về trước.

Tức là môn học trong trường phổ thông (và nhiều môn học trong trường đại học cũng vậy) được thiết kế theo các bộ môn và lĩnh vực khoa học.

Cách thiết kế như vậy ngày càng dồn ép khối lượng lớn kiến thức vào nhà trường, dồn từ bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ xuống đến trường tiểu học... và dẫn đến quá tải. Điều này làm cho nội dung dạy và học mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống, và không được sử dụng đến trong thực tế đời sống thường ngày.

Sắp tới, ngành giáo dục sẽ thực hiện đổi mới để khắc phục các yếu kém này.  Ở những lớp trên, vai trò của người thầy không chỉ còn là người truyền thụ kiến thức, mà còn là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học.

  • Song Nguyên