- Lặng thầm dành những đồng tiền lương ít ỏi tiết kiệm sắm sửa từng cây bút, cuốn tập cho học trò; lặn lội gõ cửa từng nóc nhà vận động bà con xóa mù chữ, hơn 20 năm qua, lớp học của cô được người dân trong vùng ví von như lớp bình dân học vụ thời bình. Nhắc đến cô, người ta hay gọi bằng những cái tên trìu mến như cô Diệp “xóa mù chữ”, cô Diệp “khai trí”. Cô là Trần Thị Ngọc Diệp (54 tuổi, trú tổ 40, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Cô hướng dẫn cho 2 em thiểu năng trí tuệ cách đánh vần con chữ

Duyên trời định

Chúng tôi đến thăm lớp học “đặc biệt” của cô Diệp vào một buổi chiều tắt nắng khi những cơn mưa phùn rơi lả chả giăng kín cả khoảng không gian nơi cuối xóm nghèo vùng ven biển Sơn Trà. Từ ngoài ngõ, chúng tôi đã nghe giọng cô giáo ngân vang giảng bài, tiếng học trò ê a đánh vần từng con chữ rồi ghép vần lại với nhau phát âm lên từng tiếng tạo thành từ hô vang dõng dạc như làm vơi đi vẻ mệt nhọc của chúng tôi khi lặn lội “lùng sục” hàng chục ngóc ngách của các khu dân cư mới lần tìm ra.

Thấy có khách lạ, cô giáo trên mái đầu nay đã điểm những hạt sương trắng, dáng hình liêu xiêu nhỏ nhắn ra đánh tiếng chúng tôi bằng chất giọng Huế vừa mặn mòi, ấm áp vừa thân thương đến lạ: “Xin lỗi, các cháu đợi cô giảng xong hết bài tập đọc cho các em rồi thư thả thưa chuyện.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi được chứng kiến, cảm nhận lòng nhiệt huyết, niềm hăng say công việc của một nhà giáo đang chảy dài trong từng câu nói, cử chỉ hướng dẫn học trò cách tính toán; dường như cả thầy và trò đều tập trung cao độ, thỉnh thoảng những giọt mồ hôi nhễ nhại lại tuôn dài thành dòng chảy lăn tròn trên đôi gò má sạm đen của cô.

Vừa dứt lời, cô vội gấp lại những trang giáo án quay sang bắt chuyện với chúng tôi: “Có lúc nghĩ rằng sẽ chẳng còn cơ hội đứng lớp dạy chữ cho các em được nữa vì trường lớp bây giờ ngày càng nhiều, điều kiện kinh tế cũng ngày một khấm khá hơn, do đó trường hợp trẻ thất học sẽ không còn, ấy vậy mà vẫn có những em vì sức khỏe ốm yếu không có cơ hội được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa, hay những người vì nặng gánh mưu sinh với nỗi lo cơm áo gạo tiền không may thất học cần ai đó kèm cặp con chữ nên từ đó lớp học của tôi lúc nào cũng có học trò”.

Nói về cái nghiệp đến với cái nghề mà khi nghĩ lại cô vẫn bật giọng cười như thể đó là cái duyên trời định. Cô kể, ngày trước cô tốt nghiệp khoa Ngữ Văn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rồi được giữ lại thành phố dạy học nhưng vì nỗi nhớ quê, nhớ mảnh đất chôn rau cắt rốn thuở ấu thơ nên cô đã xin về dạy ở Thừa Thiên Huế. Được một thời gian, cô lập gia đình và theo chồng vượt con đèo Hải Vân vô Đà Nẵng sinh sống.

Trong một lần dạy đứa con gái lớn của tôi học, lúc mở cửa thấy hàng chục cháu nhỏ sắp lớp bên ngoài hiên nhà mình, hỏi ra mới biết các em cũng thèm được đi học nhưng điều kiện không cho phép. Tuổi như các em lên 7 lên 8 - hồi đó đã biết theo ba mẹ đi phụ rửa cá, quét chợ kiếm tiền mưu sinh chứ chẳng được đến lớp. Thế là tôi tình nguyện dạy chữ cho các em ngoài những giờ các em lao động”- cô Diệp nhớ lại.

Bớt phần ăn của gia đình...nuôi trẻ

Như một sợi dây vô hình kết nối sự đồng cảm, yêu thương giữa một cô giáo nghèo phải nuôi chồng bán thân bất toại và chăm lo 3 đứa con đều đang ở tuổi ăn tuổi học bằng đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi với những đứa trẻ lớn lên nơi vùng biển nghèo cùng bộn bề thốn thiếu, đặc biệt là thiếu…chữ.

Ban đầu chỉ là những bài tập đọc ca dao, dân ca, sau đó là những bài dạy có trong sách vở. Nhưng nghẹt nỗi, những đứa trẻ nghèo nơi đây đến cơm ăn áo mặc còn thiếu lên thiếu xuống huống hồ nói đến chuyện sắm tập vở, bút viết đi học.

Thế là cô lại bớt phần ăn của gia đình mua hàng tá giấy phế liệu người khác bỏ đi rồi mang về dùng dây thép móc thành từng tập phát tặng cho các em. “Có sách, có vở đầy đủ nhưng các em vẫn đến trường èo ặt lắm, lét nhét vài ba em siêng năng đến lớp còn một số em do ba mẹ bắt ép không cho đi nên dù thích lắm nhưng đành bỏ học. Cứ tối đến, tranh thủ giờ cơm gia đình tôi lại chèo ghe đến từng hộ vận động mọi người cho các em đến lớp.

 Dần dần lớp học đông hẳn lên, không những trẻ con mà kể cả người lớn cũng hăng hái đến lớp sau giờ vươn biển đánh bắt. Lớp mở hằng đêm để đón dạy học sinh và cứ học đại trà chứ cũng chẳng xếp lớp”, vừa hồi tưởng cô Diệp vừa rơm rớm nước mắt khi nhắc đến khoảng thời gian khó khăn của bà con khi vừa bươn chải kiếm sống vừa tranh thủ đến lớp xóa mù chữ.

Mong một ngày quê nghèo “thay áo”

Với tâm niệm con chữ sẽ là chiếc bàn đạp tạo đà đánh bật cái nghèo, cái đói, bao năm qua cô giáo được người dân trong xóm hết mực quí mến. Từ một phường được liệt vào danh sách mù chữ trầm trọng, đến nay phường Nại Hiên Đông đã là một trong những địa phương đi đầu trong công tác dân trí của TP Đà Nẵng.

Với người dân nơi đây, ai cũng thấu hiểu để có được như ngày hôm nay, gần 20 năm qua bên triền con sóng, bà con có một cô giáo ngày đêm âm thầm gieo chữ cho biết bao lớp thế hệ học trò đã đi qua mà khi được hỏi cô vẫn không nhớ mình đã chắp cánh cho bao nhiêu học trò cập bến, trong đó có không ít người mà nếu không có cô thì chắc hẳn giờ đây vẫn còn mù tịt với con chữ.

“Tôi tin một ngày vùng quê nơi đây sẽ không còn lặp lại thời kì thất học nữa bởi bà con bây giờ đã ý thức được vai trò tối thượng của việc học. Hy vọng những lớp học trò mình đi trước sẽ đem kiến thức học được về phục vụ, giúp ích cho quê mình” - cô Diệp trải lòng.

Giờ đây, tuy lớp học đã không còn đông đúc như xưa nhưng mỗi ngày vẫn có trên dưới chục học trò tay xách nách mang cặp tìm đến lớp học “đặc biệt” để được nghe cô Diệp “truyền chữ”. Đa phần học trò của cô bây giờ đều là những em khuyết tật, chậm phát triển không thể hòa nhập với lớp học chính qui trên trường, bởi vậy lớp học của cô đến giờ vẫn được duy trì đều đặn và như cô nói thì lúc nào còn học trò không biết chữ thì lúc đó cô còn đứng lớp.

Nói về người cán bộ dân trí năng nổ của xã, một nhà giáo được người dân không chỉ trong mà ngoài địa phương kính yêu, ông Mai Công Đức, chủ tịch Hội khuyến học phường Nại Hiên Đông, cho biết: “Cô Diệp quả thực là người có tấm lòng thơm thảo. Bao nhiêu năm qua cô không chỉ dạy học miền phí cho người nghèo ở địa phương mà những người từ nơi khác đến cô cũng đều nhận vào học. Trong công tác khuyến học, cô luôn hăng hái, nhiệt tình đóng góp công sức đưa khuyến học địa phương ngày một đi lên”.

  • Thanh Ba (K09 Báo chí, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng)