- Giáo dục là cả một quá trình. Nếu bản thân quá trình đó không thống nhất, kiểu “chặn gốc thả ngọn” như hiện nay, thì sẽ có không ít thế hệ trẻ em Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Trường tư, nên chương trình học là cả ngày. Tuy nhiên học sinh không phải học thêm gì cả. Tất nhiên, không phủ nhận vẫn có phụ huynh cạy cục đưa con đến nhà xin cô cho học thêm, nhưng đó là chuyện hãn hữu. Và trường đó cũng là một trong những trường mà học sinh ít phải gò ép tuổi thơ của mình hết trong những giờ lên lớp chính khóa lại đến chạy sô học thêm.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Áp lực + văn mẫu = đỗ ĐH

Với nhiều trường học khác cả tư cả công, việc học thêm là bất khả kháng. Học thêm phần là vì cô, thầy mở lớp, không đi học thì dễ bị “để ý”. Tuy vậy, cũng là vì sức ép từ phía phụ huynh lo con mình không theo kịp bạn bè, không đủ kiến thức để đạt danh hiệu, để vào trường tốt, để vượt qua kì thi ĐH. Đối với không ít trẻ, học thêm mang tiếng là phụ, nhưng thực ra lại là chính.

Dù không học thêm nhưng ấn tượng của con trai lớn của chúng tôi về trường Việt Nam được thể hiện qua cách cháu kể cho em. Vì cậu em rời Việt Nam trước khi vào lớp 1, nên không biết được trường học ở Việt Nam thế nào. Bởi vậy, cậu em cứ xin, về Việt Nam bố mẹ cho con đi học trường tư. Phản ứng của cậu anh là: “Minh hâm lắm. Minh có thích làm bài tập đến 10h - 11h không? Cuối tuần cũng đầy bài tập, có khi làm cả ngày không xong. Lúc đấy khổ thì đừng có mà xin tha.”

Ký ức của một đứa 10 tuổi về trường học ở Việt Nam là vậy. Nghe thật xót xa.

Nhìn vào thời khóa biểu của cô cháu lớp 9, tôi cứ băn khoăn mãi:

“Vậy cháu chơi vào lúc nào?"

“Dạ, giờ nghỉ giải lao giữa các lớp ạ!”

Mẹ nó bồi thêm: “Giờ bọn trẻ sướng thật, chỉ có mỗi ăn với học. Thế mà không đỗ ĐH thì có ăn cám...”

Quan niệm về niềm vui của trẻ thật đơn giản. Ăn và học. Ngoài ra không phải đụng đến bất cứ gì khác. Nhưng lịch học của trẻ ở thành phố, nhìn vào đã thấy sợ. Lịch của nó kín cả. Chỗ nào không có ghi môn cụ thể, thì nó đề là để làm bài tập. Khổ đi học đến 6-7h tối, về ăn vội miếng cơm, tắm rửa là lại ôm lấy cái bàn học đến khuya.

Cái mục tiêu mẹ nó đặt ra thật cũng đơn giản không kém: đỗ đại học.

Trẻ phần lớn được “lập trình” để vượt qua các rào cản, các kì thi, các câu hỏi cắc cớ chứ ít khi là để khơi gợi sự sáng tạo. Học sinh được rèn luyện để làm tốt các bài kiểm tra từ giữa kì đến cuối kì, rồi nặng hơn là tốt nghiệp và thi vào trường mình lựa chọn. Để đối phó với các trở ngại ấy, là văn mẫu, là dạng bài tập phức tạp, là luyện thi...

Thất bại

Cho đến nay, các cơ sở đào tạo vẫn không xây dựng được một phương pháp đánh giá kiểm thí đạt chuẩn.Việc đưa đề vào chấm điểm thiếu khoa học dẫn đến không đánh giá đúng năng lực học sinh, và các kì thi có tính may rủi cao. “Kiểm tra chất lượng” là đòi hỏi một phương pháp khoa học, sao cho đánh giá chính các khả năng của học sinh. Lấy
ví dụ rất đơn giản, các kì thi TOELF hay IELTS được áp dụng một cách rất khoa học phương pháp đánh giá. Nếu trình độ tiếng Anh một người ở đâu, thì thi qua thi lại ở nhiều chỗ, mức điểm cũng không chênh lệch nhiều.

Một điều lạ là trong khi rất chú trọng đến việc “kiểm tra” học sinh, thì chính ngành giáo dục lại thất bại trong việc kiểm tra chính mình. Đơn cử như chuyện thi ĐH. Bởi không thể kiểm soát được tiêu cực, nếu chỉ dừng ở mức xét tuyển hồ sơ theo lực học phổ thông, nên tổ chức một kì thi đại trà và áp dụng các quy tắc bảo mật nghiêm ngặt trong một thời gian ngắn, huy động cả công an để tham gia chống gian lận trở thành cứu cánh cho năng lực yếu kém trong quản lý của ngành.

Chuyện thi ĐH tốn kém thế nào đã tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, nhưng cứ đến hẹn lại lên, kì thi này năm nào cũng khiến cho các thành phố lớn như Hà Nội, HCM mất đến hàng tuần vì xáo trộn. Nhưng hai thành phố này bị xáo trộn thì ít, mà mồ hôi, công sức đèn sách của các sĩ tử, lẫn nỗi lo của gia đình họ, cứ hòa theo cái nóng hầm hập của mùa hè khiến nó càng ngột ngạt.

Nhưng hơn hết, cửa ải này đã khiến cho tuổi thơ của biết bao đứa trẻ đã bị đánh cắp.  Thay vào đó là học thêm, học tiếng Anh, học chính khóa. Và để rồi lên đến ĐH là coi như thoát. Vì lẽ trong khi phần gốc được “chăm sóc” một cách quá kỹ thì “phần ngọn” lại bị thả một cách phi lý.

Buông phần ngọn

Nhìn vào lịch học của sinh viên ĐH Mỹ mà thấy “choáng” với khối lượng bài vở mà họ phải thực hiện. Học theo tín chỉ, nhưng việc đọc làm bài tập là hàng tuần. Việc đánh giá chất lượng diễn ra trong suốt quá trình học chứ không chỉ dựa vào một hay hai kì kiểm tra giữa và cuối kì. Kết quả của môn học được tổng hợp từ các bài tập thực hành, kiểm tra, đến việc tham gia trong lớp. Bởi vậy, khi theo học 3-4 môn là lịch của sinh viên lúc nào cũng căng như dây đàn.

Hơn thế, các sinh viên còn phải đi thực tập tại các công ty, văn phòng trong lĩnh vực mình học để lấy thêm kiến thức thực tế. Việc thực tập hoàn toàn có lợi cho sinh viên khi ra trường, vì họ vừa có sản phẩm để chứng minh cho nhà tuyển dụng về khả năng vừa tích lũy thêm kinh nghiệm.

Những năm ĐH, CĐ chính là lúc để sinh viên học lấy các kĩ năng làm việc cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành, nên việc đào tạo rất cần thiết. Với nhiều trường ĐH ở các nước phát triển, các phòng giới thiệu việc làm, thực tập là một bộ phận không thể tách rời của mỗi khoa. Đây sẽ là đầu mối cho các công ty, tổ chức đến tuyển dụng những thực tập sinh. Sinh viên nhờ đó có cơ hội được cọ xát thực tế.

Ngược lại ấn tượng của tôi về học đại học ở Việt Nam là quá dễ dàng. Thi đầu vào khó, nhưng qua ải đó, gần như chắc chắn là sinh viên sẽ ra trường. Bố mẹ cũng cố cho đến khi con qua được ải này là yên tâm. Học hành được đánh giá khá sơ sài và không liên tục. Như thời của tôi, mỗi môn thi vấn đáp cả lớp góp tiền lại làm phong bì, mua bánh kẹo để không bị trượt. Đánh giá chất lượng phần lớn chỉ dựa vào một vài kì thi hết môn. Kiểm tra đánh giá thưa thớt, lại dễ phát sinh tiêu cực khiến cho việc học hành chểnh mảng là điều khó tránh khỏi.

Ta có chương trình thực tập không? Có, nhưng việc thực tập vẫn chưa được chú trọng đúng mức, bởi việc tuyển dụng có rất nhiều phần trăm tùy vào sự quen biết hoặc sắp xếp bằng tài chính.

Tôi thừa nhận rằng có nhiều cá nhân các em sinh viên tự xin việc và chứng minh bằng chính năng lực các em có. Nhưng xin trích lời của một thầy hiệu phó một trường đại học mà tôi đã có dịp nói chuyện. Khi được hỏi là tại sao chất lượng đào tạo đầu ra của đại học thấp như vậy, thầy đã nói rằng: “Bởi khu vực nhà nước vẫn đang là nhà tuyển dụng lớn, mà yêu cầu chất lượng đối với khu vực này chỉ cần đến thế thôi.”

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì đôi lúc lại kêu trời là sinh viên ra trường không viết làm việc, rằng họ phải đào tạo lại từ đầu.

Giáo dục là cả một quá trình. Nếu bản thân quá trình đó không thống nhất, kiểu “chặn gốc thả ngọn” như hiện nay, thì chắc sẽ có không ít thế hệ trẻ em Việt Nam nữa sẽ bị ảnh hưởng.

  • Hồng Vũ (Gửi từ Mỹ)