- Tại buổi nói chuyện của GS Ngô bảo Châu ở Trường ĐH Bách khoa, chắc không ít người giật mình khi nghe GS nhắc đến vụ Đồi Ngô và xem như một lời cảnh báo về dấu hiệu tha hóa của hệ thống giáo dục.

>> GS Ngô Bảo Châu: 'Không nên thần tượng cá nhân nào'

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Giáo dục với sứ mệnh thiêng liêng trước hết giúp cho con người ta trở thành người tử tế và con người trung thực. Thế nhưng, cứ mỗi kỳ thi cho dù là thi tốt nghiệp THPT hay bất cứ kỳ thi nào, những hành vi gian lận vẫn làm nhức nhối những người có lương tri khi suy nghĩ về một nền giáo dục thiếu trung thực.

Một nền giáo dục thiếu trung thực thì rất khó giáo dục ra những con người tử tế. Một nền giáo dục thiếu trung thực thì lại càng khó để làm cho xã hội tin vào những tấm bằng của người học. Vậy là người tốt cũng như người xấu, bằng cấp không gắn với giá trị đích thực của nó vì được được phủ lên một lớp vỏ giả dối tích lũy từ lớp này qua lớp khác.

GS Ngô Bảo Châu đã rất đúng khi nói rằng vụ Đồi Ngô chưa từng có trong lịch sử giáo dục của loài người. Nhưng có lẽ, trong lịch sử cũng chưa có quốc gia nào mà cơ quan quản lý hành chính giáo dục lại cho phép học sinh được mang các thiết bị nghe nhìn vào trong phòng thi để có thể theo dõi, ghi lại hình ảnh của thầy cô giáo đáng kính của mình, bạn học thân thiết của mình và tố cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Chỉ riêng việc đó đã thấy ngay trong ứng xử với thầy cô ngành giáo dục thiếu đi một cái tầm văn hóa và một cái tâm giáo dục.

Làm vậy có khác gì Bộ GD-ĐT bật đèn xanh cho trẻ em thực hiện hành vi "phản giáo dục". Cả một hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội mạnh mẽ, đông đảo các nhà giáo tâm huyết như vậy, ngành đã không tin vào những lực lượng đó để đặt lòng tin sang một bộ phận thiểu số khác.

Có thể Bộ vẫn chưa biết một điều hết sức cơ bản là dạy tốt thì học tốt và thi tốt. Nếu việc dạy và việc học chưa tốt thì mấy cái "công cụ nghe nhìn" dù hoàn hảo đến đâu, được quy định chặt chẽ đến đâu đi nữa cũng không thể đảm bảo cho những kỳ thi trung thực được và lại càng khó hình thành ra những con người tử tế.

Trung thực trong dạy, học và thi phải được giáo dục từ ngay những ngày đầu cắp sách đến trường, cha mẹ và thầy giáo trước hết phải là tấm gương trung thực để làm người tử tế thì nền giáo dục mới có cơ may không bị "tha hóa".

Gần đây báo chí lại đưa tin về một trường đại học lớn ở miền Trung lắp camera (thuộc ĐH Huế) để theo dõi thầy cô và sinh viên lại là việc làm chỉ ở Việt Nam mới có. Một chốn linh thiêng nơi giảng đường ĐH - ở đó truyền bá tri thức nhân loại, những giá trị văn hóa của loài người và để hình thành những con người tử tế nhưng lại bị săm soi bởi những cái camera vô lương tri kia thì thật đáng tủi hổ cho giáo dục nước nhà.

Một hệ thống giáo dục mà sự trung thực của các cấp các ngành, của mỗi con người trong hệ thống đó chưa coi là giá trị phổ biến, sự tha hóa rất có thể không còn là nguy cơ nữa.

  • Hoàng Minh Tuấn (Tp HCM)