- Sáng 3/12, Thiếu tướng Vũ Anh Thố cùng thầy trò Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) đã có buổi trò chuyện ôn lại chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân dân thủ đô năm 1972.

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Thiếu tướng Vũ Anh Thố và hồi ức về một thời đạn bom năm 1972.

Nói chuyện với các học trò THPT về 12 ngày đêm máu lửa, Thiếu tướng Vũ Anh Thố - Nguyên Phó Tư lệnh quân chủng phòng không không giấu được xúc động: “Chúng ta chiến thắng nhưng hàng ngàn quân dân thủ đô đã ngã xuống. Riêng Khâm Thiên 1 đêm thôi đã có 577 người chết và bị thương, 534 ngôi nhà bị phá hủy”.

Bài giảng về một thời đạn bom


Lúc B52 đánh vào Hà Nội là khi ông đang làm cán bộ tiểu đoàn tên lửa. Tiếng gầm thét của máy bay B52, sự đáp trả của nhân dân ta trên các mặt trận lại có dịp trở về trong kí ức của vị thiếu tướng quân sự.

4 vấn đề được trình bày, theo Thiếu tướng Vũ Anh Thố: “Cũng là những điều tôi nghe, tôi thấy bạn bè, thầy cô và học trò hay hỏi: Nguyên nhân gì Mỹ dùng B52 đánh Hà Nôị? B52 là gì? Ta đánh B52 như thế nào? Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng là gì?”

“Khi ấy Mỹ đang thất thế ở chiến trường miền Nam nước ta với 48.000 quân bị chết (có tài liệu nói 58.000), 300.000 bị thương, thiệt hại đến 130 tỷ USD. Mỹ đánh Hà Nội nhằm cứu vãn tình thế nhằm bóp nát chúng ta, bắt VN phải theo ý định của chúng trên bàn hội nghị. Đánh Hà Nội, Mỹ muốn cắt đứt chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Đây cũng là đòn giáng vào phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ VN của nhân dân thế giới đang lên cao” – Vị thiếu tướng dẫn giải.

Một nửa lực lượng không quân chiến lược Mỹ có và toàn bộ không quân chiến lược ở Đông Nam Á, 2 tàu sân bay, toàn bộ lực lượng ở Philippines với tổng cộng 270 tàu lái sẵn sàng thay thế nhau đánh Hà Nội.

Loại máy bay chiến lược tối tân B52 với 6 cái nhất đã được lính Mỹ sử dụng, đặc biệt là khả năng chở tối đa 45 tấn bom/lần. B52 được trang bị chống đối về kỹ thuật tối tân nhất và bay cao, bay xa nhất.

“Cứ hình dung họ dùng một đèn pha lớn chiếu thẳng vào mắt để ta không nhìn được. Chúng muốn đem sức mạnh bom đạn và chiến thuật nhằm bịt mắt ta nhằm hủy diệt thủ đô Hà Nội” – Thiếu tướng Thố ví von.

Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng quân dân Hà Nội và miền Bắc đã mưu trí đáp trả bằng những đòn đích đáng. Ông nhắc lại việc Bác Hồ đã lường trước việc Mỹ có thể đánh Hà Nội từ những năm 1966, 1967 để quân chủng phòng không không quân chuẩn bị kỹ lưỡng. 6 năm thử thách trên chiến trường với 3 trung đoàn tên lửa, khí tài, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ hi sinh ta đã tìm ra cách đánh và thành công. 

Thầy trò Trường THPT Đống Đa hát mừng kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
trên không (tháng 12/1972-tháng 12/2012).

“14/12 ta phê duyệt kế hoạch thì 18/12 máy bay của Mỹ đánh vào Hà Nội.

Ta chỉ có tên lửa SAM2, pháo cao xạ,.. “thường thường” nhưng với chiến thuật “địch dùng đèn chiếu thẳng, ta khôn khéo tránh và đứng sang bên sườn, đánh kiểu “móc họng”, đánh từ sau gáy, đánh knock out”.

Thế trận được quân dân Hà Nội chuẩn bị như cách nói của Thiếu tướng Thố: “Ta dùng “đơm đó” đón địch vì dự đoán địch bay vào đâu, bay như thế nào, chiến thuật ra sao, chỗ nào đánh được, đánh B52 ra sao,…”

Hai trận chiến ác liệt nhất là đêm 20/12 rạng sáng 21/12 và đêm 26/12 rạng ngày 27/12. Xác máy bay rơi, xác pháo, tên lửa sáng rực bầu trời đêm Hà Nội.

16.000 tấn bom đã rơi trên đất Hà Nội, hàng ngàn quân dân của chúng ta ngã xuống. Riêng Khâm Thiên thôi 1 đêm đã có 577 người chết và bị thương, 534 ngôi nhà bị phá hủy” – Vị Thiếu tướng xúc động.

Muốn trò hay Sử phải bắt đầu từ lãnh đạo

Bản thân vị thiếu tướng cũng buồn khi có vị lãnh đạo nói về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không nói “chúng ta nối dài tên lửa để đánh được máy bay” trên ti vi. Ông đi truy tìm, có người bảo do cô giáo dạy, trong sách Lịch sử lớp 11. Ông tìm mãi không ra.

Giọng ông trầm buồn: “Đó là điều không đúng, không chính xác. Thế nên lịch sử chỉ có một mà viết mãi vẫn không đúng. Có người vẫn nói sai”.

Nhân câu chuyện chiến thắng năm xưa, Thiếu tướng Thố cho rằng: “Có nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề ý thức hiểu biết lịch sử của thế hệ trẻ ngày nay. Với tư cách là giáo viên quân sự, nhà khoa học quân sự và người chỉ huy tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ.

Lịch sử là truyền thống của dân tộc, đất nước và của một lớp người. Khi đất nước có xâm lăng thì cành cây ngọn cỏ, con ong cái kiến cũng trở thành lực lượng để chống ngoại xâm. Lắm lúc đánh giá chưa chính xác về thế hệ trẻ. Họ sẽ làm được những điều chúng ta đang suy nghĩ và trăn trở”.

Muốn thổi tình yêu lịch sử, theo Thiếu tướng Thố: “Phải bắt đầu từ gia đình và những người lãnh đạo. Xây dựng xã hội tốt đẹp phải chọn người lãnh đạo giỏi, đất nước phải có phong tục tập quán, nề nếp gia phong và có nhiều gia đình tốt”.

Dạy Lịch sử theo ông có thể bằng nhiều cách, đơn giản nhất là qua thơ ca, ca dao, văn chương hay những điệu múa. “Trẻ từ 10 tuổi trở xuống nhớ rất lâu. Hãy gieo vào lòng các cháu tình yêu ấy từ nhỏ. Học Lịch sử cũng như “năng nhặt chặt bị”, cuốc cày rèn rũa mãi cũng sáng nhưng không thể nhồi nhét kiểu học vẹt”.

Thiếu tướng Vũ Anh Thố trăn trở: “Dạy học và dạy học Lịch sử hiện nay không toàn diện, thiếu gắn kết vai trò của gia đình nên hiệu quả chưa cao”.

  • Văn Chung