Một số kênh truyền thông đưa tin “Đà Nẵng dọa kiện nhân tài”, nói về vụ hai học viên tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, được cử đi du học nước ngoài, nhưng bỏ việc làm vi phạm cam kết theo hợp đồng.

Trước hết, phải nói lại cho rõ, chẳng có nhân tài nào ở đây cả. Những người được cử đi học theo các đề án đào tạo nguồn nhân lực ở các địa phương không phải là những cá nhân xuất sắc như học sinh đoạt huy chương vàng, bạc trong các giải Olympic quốc tế, mà là những người có điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận đề án. Nhiều địa phương bỏ kinh phí cho hàng chục, hàng trăm người đi học nước ngoài. Nhân tài không dễ có nhiều như vậy.

Thứ nữa, tiền chi cho quý vị du học chẳng phải tiền trên trời rơi xuống, mà đó là tiền thuế của dân.

Nhiều người làm lụng vất vả để nuôi con ăn học trong nước, nhưng phải đóng thuế mồ hôi nước mắt, trong đó có phần chi cho quý vị du học. Nếu học không tử tế, học xong về làm việc không tốt, thậm chí bỏ việc đi ra làm ngoài để kiếm tiền nhiều hơn; vậy thì hỏi, công bằng ở đâu?

Đề án nguồn nhân lực tốn nhiều tiền thì phải tạo ra nhân lực có nhiều chất xám, tiền thuế của dân không thể làm quà biếu cho gia đình quan chức hay trả tiền cho những chuyến du lịch dài hạn của con cha cháu ông

Cho nên, cũng công bằng mà nói, quý vị có quyền lựa chọn tương lai của mình, không ai được can thiệp. Nhưng xin quý vị làm đúng cam kết được quy định tại hợp đồng, trả lại tiền cho dân, trả luôn cả thiệt hại do quý vị gây ra, bởi vì chính quý vị làm hỏng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Xin ủng hộ UBND TP.Đà Nẵng kiện những học viên này ra tòa. Làm ngay, không dọa dẫm gì sất, không xử lý vụ này là không công bằng với người nộp thuế, là tạo tiền lệ xấu cho những trường hợp khác.

Cũng từ vụ việc của Đà Nẵng, cũng nên xem lại các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khắp cả nước. Cần phải có tổng kết, đánh giá hiệu quả của đề án bằng những con số cụ thể và các giá trị định lượng được. Đề án nguồn nhân lực tốn nhiều tiền thì phải tạo ra nhân lực có nhiều chất xám, tiền thuế của dân không thể làm quà biếu cho gia đình quan chức hay trả tiền cho những chuyến du lịch dài hạn của con cha cháu ông. Nói như vậy vì có không ít người học không nổi phải về nước, hoặc có cái bằng nhưng chẳng ra trò trống gì, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cũng cần nhìn nhận khách quan, có những người xứng đáng với sự đầu tư của địa phương, nhưng khi trở về không có môi trường để khai thác năng lực và chuyên môn. Ở một số cơ quan nhà nước, tư duy đột phá và đầu óc mạnh dạn thử nghiệm cái mới không phải luôn được đón nhận, có khi còn bị đánh giá là đi chệch hướng. Tình trạng này có thể nói là chiêu hiền, nhưng không đãi sĩ.

Muốn có nhân lực chất lượng cao, ngoài chính sách phù hợp, phải tuyển chọn người thực sự giỏi, xuất sắc, có những thành tích cụ thể đi kèm với ràng buộc chặt chẽ. Người hiền thì mới chiêu, kẻ sĩ mới khoản đãi.

Theo Lê Thanh Phong (Lao Động)