Zhang Yang, chàng trai thông minh, sáng dạ 18 tuổi tới từ một làng quê thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc vừa trúng tuyển vào một trường đại học y danh giá. Nhưng tin này đối với bố cậu - ông Zhang Jiasheng không chỉ có niềm vui.

Ông Jiasheng gần như liệt hoàn toàn sau một cơn đột quỵ cách đây 2 năm. Dĩ nhiên ông không còn khả năng lao động. Khi biết tin con đỗ đại học, ông sợ rằng gia đình vì lo thuốc thang chữa trị cho ông mà không thể nuôi nổi con trai đi học.

Khi gia đình chưa kịp ăn mừng vì tin vui của con trai thì ông tự sát bằng thuốc trừ sâu.

{keywords}

Phụ huynh Trung Quốc đưa con đi thi đại học

Câu chuyện của Zhang thực sự là một bi kịch. Thế nhưng, các gia đình Đông Á lại đang chi ra ngày càng nhiều tiền để đảm bảo con cái họ có được nền giáo dục tốt nhất.

Ở những quốc gia châu Á giàu có hơn như Hàn Quốc và các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, “cơn sốt giáo dục” đang khiến các gia đình buộc phải lựa chọn, đôi khi là những lựa chọn đầy nước mắt để có tiền cho con ăn học.

Thậm chí, có những gia đình phải bán nhà để có tiền cho con đi du học.

Andrew Kipnis – một nhà nhân chủng học tại ĐH Quốc gia Australia, cũng là tác giả một cuốn sách viết về những khát vọng mạnh mẽ trong nền giáo dục Trung Quốc cho biết tổng chi tiêu cho giáo dục ở nước này “ngày càng kinh khủng”.

Không chỉ có những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu mới lao vào cuộc cạnh tranh này. Tầng lớp những người lao động chân tay cũng muốn con cái được học hành tốt hơn bản thân họ ngày xưa. Họ xem giáo dục là con đường duy nhất để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Một số nhà còn lâm vào cảnh nợ nần khi đầu tư cho con ăn học.

“Các gia đình ngày càng chi tiêu ít đi cho những khoản khác. Có những gia đình nông thôn còn không dám mua thuốc men khi ốm, tạm hoãn xây dựng một ngôi nhà mới… Một phần là vì họ muốn dành tiền đầu tư cho việc học hành của con cái” – ông Kipnis, người đã làm nhiều nghiên cứu ở các gia đình trung lưu và nông thôn thuộc huyện Zouping, Shandong cho biết.

“Khi túng quẫn quá họ thường vay mượn từ bạn bè, người thân. Tất nhiên có những người rất khó có khả năng trả lại”.

Một khảo sát của Euromonitor cho thấy thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm của Trung Quốc tăng 63,3% trong 5 năm tính tới năm 2012, tuy nhiên chi tiêu cho giáo dục của họ lại tăng gần 94%.

“Ông bà Hổ”

Không chỉ các ông bố bà mẹ mới là người bỏ tiền ra chăm lo cho con cái, mà việc học hành còn phải huy động sự góp sức của cả ông bà đứa trẻ. “Không chỉ có Mẹ Hổ, mà còn có cả Ông Hổ, Bà Hổ” – Todd Maurer, một chuyên gia về giáo dục châu Á nhận định.

Có những bằng chứng cho thấy mức độ chi tiêu cho giáo dục là rất lớn ở các quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Chi tiêu cũng đang ngày càng tăng lên ở Ấn Độ và Indonesia.

{keywords}

Phụ huynh ngủ tạm trong phòng thể dục những ngày đưa con đi thi đại học

Ở Hàn Quốc – nơi mà Chính phủ cho rằng “nỗi ám ảnh về giáo dục” đang gây hại cho xã hội, thì chi tiêu cho giáo dục của mỗi gia đình đang đẩy số nợ nần lên mức kỷ lục.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế LG, 28% hộ gia đình Hàn Quốc không thể trả nợ hàng tháng và khó sống được bằng thu nhập.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung ở Seoul thì 70% chi tiêu gia đình của người Hàn Quốc là dành cho giáo dục tư nhân để con cái họ nhận được nền giáo dục vượt trội so với những đứa trẻ khác.

Các gia đình cắt giảm mọi chi phí “trên diện rộng” – ông Michael Seth, giáo sư lịch sử Hàn Quốc của ĐH James Madison, Mỹ nhận xét. Ông cũng là tác giả của một cuốn sách nói về tinh thần hiếu học của người Hàn Quốc. “Họ chi ngày càng ít tiền cho nhà cửa, hưu trí hay đi nghỉ mát”.

Ông cho rằng những quốc gia khác ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc dường như cũng đang đi theo con đường này.

Và người ta thường đổ lỗi cho hệ thống thi cử cạnh tranh cao dẫn đến tình trạng này.

“Hệ thống giáo dục Hàn Quốc tạo áp lực lớn cho trẻ. Cách duy nhất để không phải tham gia vào hệ thống này là không sinh con. Nuôi một đứa trẻ đi học thực sự tốn kém. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc” – ông nói.

Những lò luyện thi

Nỗi ám ảnh giáo dục của người Hàn nhức nhối đến nỗi Chính phủ phải ra tay can thiệp nhưng không thành công.

Chưa đến mức nặng nề như Hàn Quốc, cơn sốt giáo dục Trung Quốc cũng đang đặt nhiều gánh nặng lên vai các bậc phụ huynh. Một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Mintel cho thấy 9/10 trẻ em ở các gia đình trung lưu nước này có đi học thêm.

{keywords}

Phụ huynh Hàn Quốc đưa con tới lớp điều trị nghiện điện thoại thông minh

Phụ huynh tin rằng những lớp học thêm sẽ giúp con cái họ tiến gần hơn tới cổng trường đại học.

Thời gian ở các lớp học thêm ngày càng dài hơn và bắt đầu ở độ tuổi nhỏ hơn, có thể là trước khi thi đại học 1, 2 năm, có thể là từ khi học cấp 2, thậm chí học thêm từ tiểu học.

Matthew Crabbe – giám đốc nghiên cứu châu Á ở Mintel cho biết người Trung Quốc đang sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư cho con cái hòng giành một suất trong các trường đại học tốt nhất.

Gánh nặng lớn

Không dừng lại ở đó. Gần 87% phụ huynh Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng đầu tư cho con đi du học. Một tấm bằng nước ngoài giống như con đường tắt dẫn tới thành công.

Theo Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, 1/3 sinh viên Trung Quốc du học vào năm 2010 đều đến từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động.

Đây là một gánh nặng tài chính khổng lồ và các bậc phụ huynh có thể không nhận ra những chi phí thực.

Theo ông Zhang Jianbai – người đang điều hành một ngôi trường tư nhân ở tỉnh Vân Nam, phụ huynh ở các tỉnh nhỏ thường phải bán nhà để có tiền cho con đi du học.

“Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ đã xác định sẽ cho chúng đi du học. Và quyết định đó cần rất nhiều tiền bởi vì hệ thống giáo dục công không thể mang lại hành trang tốt cho một du học sinh tương lai” – ông Maurer nói.

 Chúng cần tới những bài học tiếng Anh, những chuyến tham quan mô hình học tập ở Mỹ và chi phí cho những văn phòng tuyển sinh.

Năm ngoái, ước tính có khoảng 40.000 học sinh Trung Quốc tới Hồng Kông để tham dự kỳ thi SATS do nó không được tổ chức ở đại lục.

Trung bình, những chuyến sang Hồng Kông thi SAT mất khoảng 1.000 USD và phụ huynh thường phải chi khoảng 8.000 USD cho các lớp học thêm.

“Phụ huynh huy động đến nguồn lực cuối cùng để đánh cược vào tương lai của con cái khi quyết định gửi chúng đi du học” – ông Lao Kaisheng, nhà nghiên cứu chính sách giáo dục ở ĐH Sư phạm thủ đô (Bắc Kinh) cho hay.

Điều đó có nghĩa là, sau khi những người trẻ tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, họ phải gánh tránh nhiệm kiếm tiền rất lớn.

Đây thực sự là một vấn đề khi con số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đều quá lớn – 7 triệu sinh viên trong năm 2013. Và tấm bằng nước ngoài cũng không còn có giá như trước kia nữa. Nhiều tân cử nhân đang mòn mỏi chờ đợi những công việc trái ngành.

{keywords}

Giám sát tín hiệu radio để phát hiện gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao

Tuy nhiên, không dễ để làm hạ nhiệt cơn sốt giáo dục. Ở Hàn Quốc cũng như các nước Đông Nam Á khác, “nó thực sự ăn sâu vào văn hóa, và thực tế là cũng không còn con đường nào thay thế để có được thành công hoặc một sự nghiệp tốt ngoài việc kiếm được một tấm bằng danh giá. Đó là sự thật cách đây 50 năm và đến bây giờ vẫn đúng”.

“Chính vì thế, việc phụ huynh chi quá nhiều tiền và đặt quá nhiều áp lực lên con cái cũng là điều dễ hiểu” – giáo sư Seth nhận định.

Bài viết đăng tải trên trang BBC với tựa đề "Phụ huynh châu Á chịu đựng "cơn sốt giáo dục"

  • Nguyễn Thảo (Chuyển ngữ)