Hiện có quá nhiều tấm bằng đang là sự lãng phí tiền bạc. Lợi nhuận từ học đại học so với giáo dục phổ thông sẽ khá hơn nhiều nếu chi phí học tập rẻ hơn.

{keywords}
Nhiều cử nhân đang phải làm những công việc không cần đến bằng đại học

Khi LaTisha Styles tốt nghiệp ĐH Bang Kennesaw (Georgia) vào năm 2006, số nợ của cô lên tới 35.000 USD. Số nợ này sẽ dễ dàng được giải quyết nếu tấm bằng tiếng Tây Ban Nha giúp cô kiếm được một công việc lương khá. Thế nhưng không thiếu người nói được tiếng Tây Ban Nha ở đất nước có biên giới giáp với Mỹ La-tinh này. Vì thế, Styles phải làm việc trong một cửa hàng quần áo và một cửa hàng đồ ăn nhanh với số tiền công không quá 11 đô/ giờ.

Thất vọng về công việc, cô dũng cảm quyết định quay lại trường đại học, học một thứ gì đó thực tế hơn. Cô đã theo học ngành tài chính và bây giờ cô đang có công việc tốt ở một công ty tư vấn đầu tư. Số nợ của Styles lên tới 65.000 USD nhưng cô sẽ bớt lo lắng hơn về việc trả nợ.

Khi kể câu chuyện của Styles, không có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi “Tấm bằng đại học có đáng với số nợ không?” Bởi một số tấm bằng thì trả hết nợ, còn một số thì không. Nhiều học sinh Mỹ hiện đang đắn đo xem liệu có nên nhận số tiền vay vốn sinh viên để được bước chân vào giảng đường đại học – nơi được cho là cánh cửa gia nhập tầng lớp trung lưu – hay không. Sự thật phức tạp hơn, như ông Barack Obama đã ám chỉ khi nói rằng “Người ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn “khi học một ngành thương mại “hơn là khi học ngành lịch sử nghệ thuật”. Một giáo sư lịch sử nghệ thuật đã tức giận yêu cầu ông xin lỗi, nhưng ông đã nói đúng.

Những cử nhân từ 25 tới 32 tuổi đang làm việc toàn thời gian kiếm được nhiều tiền hơn những người cùng tuổi có bằng trung học khoảng 17.500 USD – số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew. Tuy nhiên, không phải tấm bằng nào cũng kiếm được như thế.

Công ty nghiên cứu PayScale đã thu thập dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp từ hơn 900 trường đại học, cao đẳng, hỏi họ học ngành gì và hiện tại đang kiếm được bao nhiêu. Sau đó, công ty này liệt kê ra các chi phí cho một tấm bằng (sau khi đã trừ những hỗ trợ tài chính cho sinh viên giỏi và sinh viên nghèo). Từ đó, PayScale đã ước tính lợi nhuận tài chính của nhiều loại bằng.

{keywords}

Không có gì đáng ngạc nhiên khi kỹ thuật là ngành dễ “thắng” nhất bất cứ bạn học nó ở trường nào. Một cử nhân kỹ thuật từ ĐH California, Berkeley có thể kiếm được nhiều hơn những người không học đại học gần 1,1 triệu USD sau 20 năm. Thậm chí, những ngành kỹ thuật ít hấp dẫn nhất cũng thu lại lợi nhuận là gần 500.000 USD sau 20 năm. (Lợi nhuận là số thu nhập chênh lệch giữa người học đại học và người không học đại học sau khi đã trừ chi phí học tập của người học đại học).

Các ngành xã hội và nhân văn thì đa dạng hơn. Tấm bằng xã hội từ các trường khắt khe như Columbia hay California, San Diego sẽ được trả hậu hĩnh hơn. Nhưng bằng xã hội từ ĐH Bang Murray, Kentucky thì kiếm được nhiều hơn người tốt nghiệp phổ thông chưa đến 147.000 USD sau 20 năm, sau khi đã trừ chi phí học đại học. Trong số 153 ngành xã hội, có 49 ngành đạt lợi nhuận đầu tư còn thấp hơn cả trái phiếu thời hạn 20 năm. Trong số này, 18 ngành có lợi nhuận âm.

Dĩ nhiên, những trường có lợi nhuận thấp có thể nghi ngờ rằng bảng xếp hạng của PayScale chỉ dựa trên một số lượng sinh viên tốt nghiệp rất nhỏ được chọn ra từ mỗi trường. Một số trường còn bị ảnh hưởng bởi thị trường việc làm địa phương, như ĐH Bang Murray có thể sẽ khá hơn nếu nền kinh tế của Kentucky khá khẩm hơn. Những trường đại học không phải thi tuyển sẽ phải ra sức cạnh tranh với những trường có thi tuyển. Và những trường nghèo sẽ có kết quả tệ hơn các trường giàu khi trường giàu có nhiều hỗ trợ tài chính hơn, khiến chi phí của họ giảm xuống, lợi nhuận tăng lên.

Tất cả những dữ kiện này là thật. Nhưng về tổng thể, nghiên cứu của PayScale chắc chắn đã nói quá về giá trị tài chính của một nền giáo dục đại học. Nghiên cứu này không so sánh mức thu nhập của người tốt nghiệp đại học với thu nhập của chính họ nếu họ không học đại học (con số này không thể xác định được). Nghiên cứu chỉ so sánh thu nhập của họ với những người không học đại học, mà nhiều người trong số đó không học đại học vì họ không đủ thông minh để vào đại học. Vì thế, số lợi nhuận mà người tốt nghiệp đại học kiếm được chỉ đơn giản là phản ánh thực tế họ thông minh hơn những người không học đại học (tính bình quân).

Không có nghi ngờ gì về việc chi phí học đại học/ mỗi sinh viên tăng gần 5 lần so với tỷ lệ lạm phát từ năm 1983 trong khi lương của người tốt nghiệp đại học vẫn không thay đổi trong cả thập kỷ qua. Số nợ sinh viên lên cao đến mức nhiều người trẻ phải tạm hoãn những kế hoạch như mua nhà, kinh doanh, sinh con. Năm 2012, những người vay tiền để học đại học thừa nhận rằng số nợ trung bình của họ là 29.400 USD. Tổ chức phi lợi nhuận Project on Student Debt cho biết 15% người vay không trả nợ đúng hạn trong 3 năm. Ở những trường hoạt động vì lợi nhuận, tỷ lệ này là 22%. Glenn Reynolds – giáo sư luật, tác giả của “The Higher Education Bubble” đã viết về cử nhân như những người “có thể phải sống trong tầng hầm ở nhà bố mẹ cho tới khi họ đủ tuổi để nhận an sinh xã hội”.

Gần 1/3 sinh viên vay nợ phải bỏ học nhưng họ vẫn phải trả nợ. 1/3 chuyển sang học trường khác. Nhiều người học chương trình 4 năm nhưng lại mất nhiều thời gian hơn, vì thế chi phí lại tăng lên. Tỷ lệ sinh viên mất 6 năm để tốt nghiệp một trường 4 năm là 59%.

Thị trường việc làm ảm đạm cũng không giúp được gì. Báo cáo của công ty tư vấn McKinsey cho thấy 42% sinh viên tốt nghiệp gần đây đang phải làm những công việc không cần đến bằng đại học 4 năm. 41% sinh viên của các trường tốp đầu không tìm được công việc đúng ngành. 50% nói rằng họ sẽ chọn một ngành học hoặc một trường khác.

Ông Dan Rosensweig – giám đốc công ty hợp tác trong nghiên cứu này cho biết chỉ có một nửa sinh viên tốt nghiệp cảm thấy sẵn sàng làm việc trong lĩnh vực mà họ đã học. 39% quản lý cảm thấy sinh viên đã sẵn sàng trở thành lực lượng lao động. Sinh viên thường không có khả năng viết lách rõ ràng hoặc quản lý thời gian hợp lý. 4 triệu việc làm vẫn còn bỏ ngỏ vì người tìm việc thiếu những kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Những nghiên cứu như của PayScale sẽ giúp các sinh viên tương lai và phụ huynh đưa ra lựa chọn hợp lý hơn. Khi người Mỹ bắt đầu nhận ra rằng một lựa chọn tồi có thể gây thiệt hại cho họ tới mức nào, họ sẽ yêu cầu sự minh bạch hơn. Một số trường thực hiện điều đó, dưới sự thúc giục của chính phủ liên bang. Ví dụ như ĐH Texas mới đây đã ra mắt một trang web cung cấp thông tin về thu nhập và số nợ của cựu sinh viên sau 5 năm ra trường.

Hôm 2/4, ông Obama đã nói rằng “cơ hội có nghĩa là làm cho các trường đại học đáng giá hơn”. Sớm hay muộn thì sự minh bạch và công nghệ sẽ buộc nhiều trường phải cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng. Xu hướng giáo dục trực tuyến sẽ phát triển. Năm 2012, 6,7 triệu sinh viên đã đăng ký ít nhất một khóa học trực tuyến. Những khóa học như thế này cho phép sinh viên được nghe giảng từ những giảng viên giỏi mà không phải trả tiền cho chi phí ký túc xá sang trọng hay cho đội ngũ lãnh đạo cồng kềnh của trường. Học trực tuyến không thay thế được trường đại học truyền thống. Những lớp học thầy trò tương tác vẫn tồn tại, nhưng học trực tuyến sẽ buộc các trường phải thích nghi. Những trường cung cấp chất lượng thấp so với số tiền bỏ ra sẽ phải nâng cấp hoặc chấp nhận tan rã.

  • Nguyễn Thảo (Theo Economist)