- Kỳ tuyển sinh cao đẳng 2014 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi. Nhiều trường tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi/tổng chỉ tiêu khá thấp, thậm chí có nơi chưa đạt 20%. “Cuộc đua” giành thí sinh NV2 dự kiến sẽ rất căng thẳng.

{keywords}

Thí sinh trong kỳ thi cao đẳng 2014 (Ảnh: Văn Chung).

Trường CĐ Kỹ thuật công trình đô thị (Gia Lâm - Hà Nội) năm 2012 có trên 9.000 hồ sơ đăng ký dự thi; năm 2013 có trên 1.000 hồ sơ dự thi. Sang năm nay trường chỉ còn 685 hồ sơ dự thi trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh lên tới 1.600.

Tại Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội có 1400 chỉ tiêu nhưng lượng hồ sơ đăng ký dự thi cũng chỉ đạt 929 (giảm 100 hồ sơ so với năm ngoái); số thí sinh đến dự thi trong buổi sáng 16/7 là 495, đạt 53,3%.

Trường CĐ Công nghệ Hà Nội có 1100 hồ sơ đăng ký dự thi, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 593 em, đạt 53,5% (tỉ lệ nhỉnh hơn một chút so với năm 2013).

Trường CĐ Công nghệ dệt may thời trang Hà Nội có tổng hồ sơ đăng kí năm nay là hơn 1.500 hồ sơ trong, tỉ lệ thí sinh đăng kí chiếm 60% (cao hơn năm ngoái). Dẫu vậy số chỉ tiêu của nhà trường là 1600, cao hơn lượng hồ sơ đăng ký.

Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội năm nay có lượng hồ sơ giảm 30% so với năm 2013, ở mức 1272. Trong sáng 16/7, số thí sinh đến dự thi là 782, đạt tỉ lệ 55,66% (tương đương so với năm 2013).

Cá biệt, một trường cao đẳng (xin giấu tên) trong sáng ngày 16/7 chỉ có 30 thí sinh đến dự thi trong khi số chỉ tiêu là gần 400.

Tại Hà Nội, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội năm nay có gần 11.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Với đặc thù đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho thành phố cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Hà Nội cho giáo viên nên năm nào trường cũng có lượng hồ sơ đăng ký và tỉ lệ thí sinh đến dự thi thuộc loại cao nhất trong số các trường CĐ trên địa bàn. Dẫu vậy năm nay các khoa năng khiếu lại rất ít thí sinh đăng ký.

Một trường khác cũng vẫn “sống khỏe” nhờ lượng hồ sơ đăng ký dự thi và tỉ lệ đến thi đông là Trường CĐ Sư phạm TƯ do vẫn giữ vững được thế mạnh đào tạo mầm non, sinh viên ra trường dễ tìm được việc và có thu nhập tốt. Sáng 16/7 trường có 3915 thí sinh đến dự thi trên tổng số 5085 hồ sơ, đạt tỉ lệ 77,1% (cao hơn năm 2013 hơn 5%).

Trong khi đó, tại cụm thi TP Hồ Chí Minh, có hơn 110.600 thí sinh dự thi cao đẳng, giảm gần 30.000 thí sinh so với năm 2013. Nhiều trường thí sinh đến làm thủ tục chỉ quanh mức 50% như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (46,7%), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (52.6%); Trường CĐ Tài chính Hải Quan (52,5%); Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (53,18%)…

Nhiều trường rất ít thí sinh đăng ký dự thi như: Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn (312 thí sinh trong khi chỉ tiêu là 1900, chỉ bằng 16,42%), Trường CĐ Công nghệ Vạn Xuân (89), Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (57); Trường CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp (455).

Trước thực trạng hồ sơ ít, thí sinh dự thi đến càng ít hơn nên nhiều trường dự kiến sẽ dành từ 30% đến 50% thậm chí là hơn chỉ tiêu dành xét tuyển NV2, NV3.

Trường CĐ Công nghệ dệt may thời trang Hà Nội, Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội cho biết sẽ dành 30% đến 40% tổng chỉ tiêu toàn trường để tuyển NV2. Tỉ lệ này của Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội là 50%. “Cuộc đua” giành thí sinh NV2 dự kiến sẽ rất căng thẳng.

“Với nhận thức của xã hội vẫn coi trọng bằng cấp, cộng thêm Thông tư 55 Quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH yêu cầu thí sinh muốn học từ CĐ lên ĐH phải thi 3 chung giống các thí sinh lớp 12 nếu không muốn chờ 3 năm sau tốt nghiệp đã làm giảm đáng kể hồ sơ đăng ký vào trường nói riêng và hệ thống CĐ nói chung” – Hiệu phó Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội Nguyễn Phúc Đức phân tích.

“Nhiều em xác định học xong THPT đi học nghề ngắn hạn rồi ra làm việc luôn chứ không nhất thiết phải thi vào ĐH-CĐ” – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội Nguyễn Thị Hằng Nga bổ sung.

“Đó là chưa kể năm nay khá nhiều trường ĐH ngoài công lập làm đề án tuyển sinh riêng. Bên cạnh hình thức thi họ còn xét tuyển thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT” – lời ông Đức.

“Chưa kể nhiều trường ĐH cũng tham gia cuộc đua vét thí sinh NV2 khiến chúng tôi khó khăn chồng chất” – một lãnh đạo trường CĐ giấu tên phân trần.

Hướng đi dài hạn của Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội hay Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội về lâu dài là ổn định, không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí là giảm chỉ tiêu, tập trung vào những ngành mũi nhọn để nâng chất lượng đào tạo sinh viên.

Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội hàng năm còn tiến hành khảo sát gần 100 doanh nghiệp sử dụng lao động là sinh viên của trường để giữ vững liên kết, từng bước hoàn thiện và nâng cao tay nghề cho sinh viên khi ra trường.

Tuy nhiên, về ngắn hạn, nếu không có sinh viên đến học là bài toán đau đầu của các trường cao đẳng. Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các trường cao đẳng đều duy trì mối quan hệ với các trường THPT trên địa bàn tuyển sinh đã xác định. Khâu tuyên truyền vận động được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Kết thúc thi ĐH-CĐ, khi có phiếu báo kết quả, thí sinh trượt NV1 ngay lập tức các trường cao đẳng sẽ có thông tin để có hướng tuyên truyền, vận động thí sinh đến với trường mình.

Thậm chí trước tình thế khó khăn, hiệu phó Nguyễn Phúc Đức còn cho biết: "Trường huy động tất cả lực lượng cán bộ, giảng viên tham gia tuyên truyền vận động người thân, bạn bè, các mối quan hệ để có thể tuyển đủ chỉ tiêu". Mỗi cán bộ, giảng viện thậm chí còn được giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể. Người nào làm tốt sẽ có chế độ khen thưởng xứng đáng.

  • Văn Chung