- “Có rất nhiều văn bản, chỉ đạo rồi, bây giờ phải xông vào làm. Làm đến đâu gỡ đến đó, không cầu toàn”.

Đây là ý kiến của phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học năm 2014, diễn ra sáng ngày 15/8.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại đầu cầu hội nghị phía Nam, diễn ra ở ĐH Tôn Đức Thắng

Ba câu hỏi của "người dân"

Theo ông Vũ Đức Đam, người dân quan tâm “Khi thi đại học, con tôi học ở trường nào là phù hợp nhất, học ở trường nào thì ra có việc làm, có thu nhập, có cơ hội học tiếp chương trình tiên tiến nhất?”

Vấn đề thứ hai là “Làm sao để thu hút nhà đầu tư giáo dục yên tâm đầu tư? Trường công sử dụng ngân sách hiệu quả hơn? Tự chủ thế nào?”.

Và về thi cử - vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. “Giáo dục đưa ra nhiều phương án còn người dân thì mong muốn là rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê và cuối cùng quan trọng là tổ chức thi thế nào để con cháu có động lực học?".

Tổ chức kiểm định độc lập

Sau khi đã lắng nghe tới cuối hội nghị, ông Đam đã có một số yêu cầu, đề nghị tới Bộ GD-ĐT và hiệu trưởng các trường đại học.

Về cơ cấu hệ thống giáo dục, ông Đam nhận xét “bắt đầu sau phổ thông cơ cấu như ma trận, nhìn mô hình thấy rất lằng nhằng”. Ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT làm rõ việc xác định bậc trung cấp như thế nào, cao đẳng như thế nào, đại học như thế nào, liên thông với nhau ra sao để tương thích với thế giới.

“Như vậy, sẽ dễ trả lời câu hỏi của người dân “trường này ở “ô” nào?”.

Ông Đam cũng yêu cầu Bộ xác định việc xếp hạng các trường căn cứ vào đâu, việc kiểm định ai làm? “Luật Giáo dục quy định Nhà nước công nhận, nhưng có phải Nhà nước chuẩn bị xếp hạng hay không hay do ai chuẩn bị? Bộ là đơn vị kiểm định các tường hay ai?”

“Ở đây phải tính đến vai trò của các hiệp hội, tổ chức độc lập. Phải bàn kỹ nên để tổ chức độc lập, Bộ hay Chính phủ làm. Nhưng xu hướng tốt nhất là nên để độc lập. Bộ bàn kỹ rồi đưa ra ủy ban đổi mới giáo dục quốc gia để sớm công bố”.

“Có cơ cấu hệ thống rồi, ai nhìn cũng hiểu, cộng với tổ chức độc lập đáng tin cậy, thì đây sẽ là tham số tốt cho học sinh phổ thông định hướng, lựa chọn trường học”.

Các trường cần sớm “ra riêng”

Về vấn đề tự chủ, đầu tư trong giáo dục, ông Đam một lần nữa khằng định chủ trương của Nhà nước khuyến khích đầu tư giáo dục, y tế, dịch vụ công theo quy định pháp luật.

“Nói ngoài giáo dục một chút, 20 năm trước đây Việt Nam chỉ có 11 nghìn doanh nghiệp Nhà nước. Sau đó mới cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư phát triển. Đã phải nhiều lần sửa luật để cơ bản hình thành môi trường như hiện nay.

Ngoài ra còn có công cuộc đổi mới, sắp xếp lại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Từ 11 nghìn doanh nghiệp xuống còn dưới 1 nghìn ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, số lượng trường ngoài công lập vẫn rất ít. Các ý kiến từ lâu nay đều cho rằng đây là dịch vụ liên quan tới con người nên không giải quyết như doanh nghiệp được”.

Nhưng, theo ông Đam, vẫn phải tính, trường dù là trường công, nhưng quản lý phải như doanh nghiệp, và hiệu qủa như doanh nghiệp tư nhân.

“Phi lợi nhuận hay không chỉ là một cách nói. Bất kỳ đơn vị nào cũng phải có đầu ra đầu vào, vấn đề là lãi dùng để chia nhau hay để đầu tư”.

“Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất, tài chính cho trường công. Bây giờ, cần khuyến khích tinh thần tự chủ. Phải tính toán để các trường xin tự chủ, không để tình trạng tiền còn mấy chục tỉ trong két trường mà không tiêu”.

Muốn tự chủ, theo ông Đam, các trường phải mạnh dạn không xin ngân sách - “Từ nay trở đi chúng tôi không cần bầu sữa Nhà nước nước nữa”.

“Ngoài hành lang hội nghị, có đại biểu đã trao đổi đơn giản với tôi: Việc tự chủ giống như con cái đang ở với bố mẹ, vừa muốn đi chơi tới 11 rưỡi mới về, vừa muốn phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ. Tại sao không xin ra ở riêng đi, rồi muốn đi chơi đến lúc nào về cũng được?”

“Với câu hỏi các trường làm được không? Tôi xin trả lời làm được. Tôi giật mình khi biết có những trường xin tự chủ rồi mà vẫn chưa được đồng ý”.

Ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT phải làm quyết liệt, nếu được đưa ra Chính phủ, giao cho các trường tự chủ tài chính, nhân sự như thế nào, học phí ở mức nào…. Động viên trường nào đủ điều kiện tham gia sớm, tiến tới tất cả các trường tham gia.

Làm được điều này cũng sẽ giải quyết được vướng mắc của các trường tư.

Ông Đam cho biết từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng ra được nghị định về cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục công lập.

{keywords}

Thi gì không quan trọng bằng trung thực, khách quan

Về phương án tuyển sinh mới, theo ông Đam, “Vấn đề chuyên môn khó, là phần việc các thầy cô lo, người dân chỉ mong rõ ràng. Phương án thi cần được công bố trước ngày khai giảng, thời gian cũng không còn nhiều.

Thi gì không quan trọng bằng đảm bảo trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê”.

Ông Đam cũng lưu ý Bộ GD-ĐT rằng kỳ thi cần mang tính tương đối ổn định. “Trong thực tế hiện nay và giai đoạn trước mắt, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, và đáng tin cậy hơn là kỳ thi đại học. Nhưng sau này tốt lên rồi, ai tốt nghiệp phổ thông cũng có quyền ghi danh đại học, “vai” lại chuyển sang phổ thông. Bộ cần cân nhắc để ra phương án công bằng, rõ ràng, không nhiêu khê quá, khuyến khích con cháu đi học”.

Kết thúc phần phát biểu, ông Đam nhấn mạnh “Có rất nhiều văn bản, chỉ đạo rồi, bây giờ phải xông vào làm. Những vướng mắc về trường tư, tự chủ hay kiểm định… làm đến đâu gỡ đến đó, không cầu toàn”.

Sau thảo luận của một số hiệu trưởng, chủ yếu bàn nhiều về đổi mới thi cử, lúc 11h, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có phát biểu khá dài về các vấn đề được đặt ra. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

  • Chi Mai  - Lê Na