- Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trong vài ngày tới sẽ có báo cáo của Sở TP.HCM về đề án "mỗi học sinh một máy tính bảng" - đề án đang gây "bão" dư luận mấy ngày nay.

Ông Định nêu quan điểm:

- TP.HCM dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Vì vậy, người dân có thu nhập khá hơn nhiều địa phương khác, dân trí được nâng cao. Đặc biệt, giáo dục TP.HCM được sự quan tâm, đầu tư, chăm sóc của các cấp đảng uỷ, chính quyền. Phụ huynh cũng quan tâm việc học của con cái. Đại đa số học sinh TP.HCM thuận lợi trong học tập hơn so với các địa phương khác.

Vì vậy, việc đổi mới giáo dục ở TP.HCM có thể có những nghiên cứu, thực nghiệm đi trước các tỉnh thành khác, để đẩy nhanh quá trình đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, sự thực nghiệm phải có sự đồng tình của phụ huynh và được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Ví dụ, tuỳ nội dung thực nghiệm mà các cấp độ phải xin phép khác nhau, từ cấp phòng, cấp Sở tới cấp Bộ.

Quan trọng nhất là phải được sự đồng tình của phụ huynh.

Vấn đề tiếp theo là nội dung đề án này liên quan đến SGK, phạm vi đối tượng thử nghiệm, vì vậy nhất thiết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. Máy tính bảng liên quan tới kinh phí, phải xin phép thành phố.

{keywords}

 

Hiện nay, tôi biết Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng đề án, tổ chức hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh. Nếu thấy nội dung đề án có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và có tính khả thi, Sở phải xin phép thành phố và Bộ GD-ĐT để thực hiện. Nếu không hiệu qủa chắc chắn phải dừng lại.

Vậy Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến xin phép của Sở GD-ĐT TP.HCM chưa, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT chưa nhận được. Có lẽ vì đây là đề án mà Sở mới đưa ra để thảo luận, chưa tới bước xin phép. Tuy nhiên, sau thông tin báo chí đăng tải, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở báo cáo lại về sự việc.

Quan điểm của ông với vai trò nhà quản lý, và với tư cách cá nhân, về đề án này như thế nào?

- Tôi chưa thể nói được vì chưa được đọc cụ thể đề án. Sau khi có thông tin đầy đủ và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tôi mới có thể có ý kiến chính thức.

Vậy thì, với tư cách là nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, ông nhận định như thế nào về ảnh hưởng của thiết bị công nghệ đối với trẻ nhỏ nếu thực hiện đề án?

- Phải có đủ mọi thông tin về đề án mới đánh giá chính xác được.

Ngoài TP.HCM, còn có địa phương nào dự kiến áp dụng phương án dạy học này chưa, thưa ông?

- Cho đến thời điểm này chưa có địa phương nào khác. Mà nếu có nơi nào dự định, sau vụ việc này chắc sẽ phải cân nhắc lại.

Bộ GD-ĐT đã từng có đoàn công tác nào đi khảo sát ở nước ngoài về phương pháp dạy học này chưa, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT chưa tổ chức khảo sát về vấn đề này.

Nếu dư luận không có phản ứng gay gắt về đề án như trong mấy ngày qua, theo ông, sự việc sẽ như thế nào? Và trong năm nay, đề án này có thực hiện được không?

- Một đề án muốn thực hiện phải xin phép qua nhiều cấp như đã nói, và không phải là chuyện đơn giản. Quan trọng nhất là phải được phụ huynh đồng tình.

Trong vài ngày tới sẽ có báo cáo của Sở TP.HCM. Nếu khả thi thì Sở phải tiếp tục xin phép, không thì dừng lại.

Xin cảm ơn ông.

Ngân Anh ghi

TS Nguyễn Kim Dung, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): "Dư luận băn khoăn về 4.000 tỷ đồng là có cơ sở..."

Tôi đánh giá cao nỗ lực của TP HCM trong việc đi đầu trong đổi mới giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, đây là vấn đề dư luận quan tâm. Việc dư luận băn khoăn về kinh phí 4.000 tỷ thực hiện đề án là hoàn toàn có cơ sở.

Tôi chưa rõ về cơ sở lý luận, cơ sở khoa học tại sao sở GD- ĐT chọn học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 để thực hiện đề án. Tại sao chỉ triển khai ở lớp này mà không triển khai ở các lớp sau, chắc phải có lý do nào đó.

Nhưng bảng thông minh (bảng tương tác) sách giáo khoa điện tử là những công cụ giúp cho việc học tập dễ dàng hơn, không thể phủ nhận những dụng cụ này trong sự kích thích hứng thú của học sinh. SGK điện tử cũng chỉ là một công cụ được tích hợp và đưa vào bảng thông minh...

Vấn đề là sử dụng đồng tiền như thế nào cho hiệu quả. Vì vậy để tránh trường hợp không có hiệu quả cần phải thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ, ở những trường có sự sẵn sàng và có nhu cầu. Từ việc thí điểm này có đánh giá tổng kết, nếu như thành công mô hình được nhân rộng thì cũng chưa muộn.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến sự tự chủ của nhà trường. Trong đề án này nhà trường phải có ý kiến rằng trường tôi có áp dụng được hay không, có sẵn sàng thực hiện và phụ huynh có sẵn sàng đóng góp hay không?

Tôi biết, có nhiều trường dân lập muốn làm điều này nhưng chưa có điều kiện triển khai vì nguồn kinh phí này đều nằm trong tiền học phí của phụ huynh đóng góp hàng năm. Nói đến đóng góp là vấn đề nhạy cảm, nếu tăng học phí trong điều kiện khó khăn như hiện nay phụ huynh lại càng khó khăn hơn. Thu nhập của người dân nước mình chưa cao, nói rằng học phí rất thấp nhưng sự đóng góp của các gia đình rất lớn bởi ngoài học phí còn nhiều vấn đề về giáo dục mà người dân phải đóng góp.

Người dân chúng ta còn nghèo nhưng nếu có ích cho việc học của con cái thì nhiều phụ huynh hoàn toàn sẵn sàng đầu tư...

Lê Huyền